Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm và làm việc tại Bộ Tư pháp

13/12/2011
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm và làm việc tại Bộ Tư pháp
Sáng 13/12, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương đã đến thăm và làm việc với Bộ Tư pháp về công tác tư pháp của Ngành.

Tham dự buổi làm việc có đồng chí Lê Thị Thu Ba, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chánh văn phòng Trung ương, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương, đại diện Văn phòng Chính phủ, Uỷ ban Tư pháp, Uỷ ban pháp luật, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Liên đoàn Luật sư, Hội Luật gia. Về phía Bộ Tư pháp có đồng chí Hà Hùng Cường Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, các đồng chí Thứ trưởng và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ.

   

Thay mặt Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên đã báo cáo với Phó Thủ tướng kết quả công tác nhiệm kỳ 2007 - 2011 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu công tác nhiệm kỳ 2011 - 2016 của ngành Tư pháp. Theo đó, trong giai đoạn 2007 – 2011, ngành Tư pháp đã không ngừng nỗ lực và đạt được những kết quả nổi bật, đóng góp vào công cuộc đổi mới của đất nước. Hoạt động quản lý nhà nước về xây dựng pháp luật đã có sự thay đổi lớn; công tác theo dõi chung về thi hành pháp luật bước đầu triển khai có hiệu quả, giúp Chính phủ, chính quyền địa phương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật theo hướng vừa đảm bảo tính định hướng chiến lược, vừa bám sát yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và từng địa phương trong từng thời kỳ, góp phần đảm bảo phát triển bền vững của đất nước.

   

Bên cạnh đó, công tác thi hành án dân sự đã có sự chuyển biến cơ bản và hứa hẹn phát triển bền vững. Việc hoàn thiện thể chế và đổi mới phương thức quản lý các lĩnh vực hành chính tư pháp và bổ trợ tư pháp được thực hiện có hiệu quả theo đúng mục tiêu, yêu cầu của các chiến lược về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách hành chính và cải cách tư pháp. Lĩnh vực hợp tác quốc tế về tư pháp, pháp luật và hội nhập đã có những bước tiến mới, giúp Chính phủ mở rộng và quản lý thống nhất các hoạt động này theo đúng nguyên tắc và đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

   

Tuy nhiên, công tác tư pháp trong nhiệm kỳ 2007-2011 và năm 2011 vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc đã và đang làm hạn chế hiệu quả hoạt động của Ngành. Vì vậy, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ đã kiến nghị với Phó Thủ tướng tiếp tục quan tâm chỉ đạo để giúp ngành giải quyết các vấn đề như: tăng cường đội ngũ cán bộ tư pháp địa phương; xây dựng chế độ chính sách phù hợp cho cán bộ ngành Tư pháp, cán bộ pháp chế Bộ, ngành; tăng cường sự phối kết hợp giữa các Bộ, ngành trong việc thực hiện các hoạt động xây dựng pháp luật, bổ trợ tư pháp…

 

   

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những nỗ lực và đánh giá cao kết quả mà ngành Tư pháp đạt được trong thời gian qua đã góp phần nâng cao nhận thức pháp luật của toàn xã hội, đảm bảo ổn định trật tự chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước. Phó Thủ tướng nhận định: đây là thời kỳ sung mãn của ngành Tư pháp trong quá trình phát triển đất nước.

Nhất trí với những nhiệm vụ đã nêu trong báo cáo, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: nhiệm vụ trọng tâm trước mắt của Bộ, ngành là nghiên cứu, góp ý sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992. Bộ Tư pháp là cơ quan tổng hợp cần đưa ra yêu cầu, tham mưu, phản biện để xây dựng Hiến pháp thực sự lâu dài và bền vững, đảm bảo nguyên tắc Đảng lãnh đạo, thể hiện tính giai cấp, hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam.

 

   

Bên cạnh đó, công tác cán bộ đòi hỏi có bước phát triển đột phá, nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân luật và các chức danh tư pháp, phát triển Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn của nước ta về đào tạo chức danh tư pháp. Trong hoạt động hợp tác quốc tế và hội nhập quốc tế, yêu cầu công tác pháp luật cần dự liệu, dự báo những yếu tố, cơ hội, thách thức khi hội nhập nhất là lĩnh vực thương mại, đầu tư quốc tế…

   

Phó Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Văn phòng Trung ương và các Bộ, ngành liên quan tích cực phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng các Đề án theo Nghị quyết 49 để trình các cơ quan có thẩm quyền. Để kiện toàn tổ chức pháp chế, Bộ Tư pháp cần tham mưu Thủ tướng Chính phủ có văn bản đôn đốc các Bộ, ngành; giao Bộ Nội vụ làm việc trực tiếp với Bộ Tư pháp để đảm bảo biên chế hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, đặc biệt là lý lịch tư pháp, bồi thường nhà nước, thi hành án dân sự.

Cuối cùng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc ngành Tư pháp, Bộ Tư pháp trong thời gian tới gặt hái được nhiều thành quả to lớn hơn nữa xứng đáng với niềm tin của Đảng, Chính phủ, thực hiện tốt nhiệm vụ phục vụ nhân dân.

   

Phát biểu đáp từ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường thay mặt Lãnh đạo Bộ Tư pháp và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp, cảm ơn sự quan tâm của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Chính phủ và cá nhân đồng chí Phó Thủ tướng đối với Ngành. Sự ghi nhận, biểu dương của Phó Thủ tướng sẽ là động lực tinh thần thúc đẩy cán bộ ngành Tư pháp tiếp tục nỗ lực cống hiến công sức, trí tuệ để gặt hái nhiều thành quả hơn nữa.

Toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, ý kiến tham gia của các đồng chí Lãnh đạo Bộ, ban, ngành Trung ương, tiếp tục phát huy truyền thống hoàn, thành tốt nhất, hiệu quả nhất nhiệm vụ được giao của nhiệm kỳ 2011-2016. Bộ trưởng cũng mong rằng, trong thời gian tới ngành Tư pháp sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Phó Thủ tướng, sự phối kết hợp kịp thời, hiệu quả của các Bộ, ban, ngành ở Trung ương và địa phương để ngành Tư pháp đạt được các mục tiêu đã đề ra.