Với mục đích trao đổi, thảo luận kỹ trước khi xây dựng từng điều khoản cụ thể của dự Luật Phòng, chống buôn bán người, Bộ Tư pháp và Tổ chức di cư quốc tế IOM đã tổ chức chương trình hội thảo “Một số nội dung cụ thể của Dự án Luật Phòng, chống buôn bán người” kéo dài trong 2 ngày từ 29-30/9 với sự tham gia của các đại biểu đến từ các ngành hữu quan như Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an, Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao, Viện Khoa học xét xử - TANDTC, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội - Bộ LĐ-TB&XH, Hội LHPNVN... và các tổ chức quốc tế Unicef, Save the children...
Buôn bán người - hiểu thế nào cho đúng?
Trong những năm qua, để đối phó với tình trạng buôn bán người ngày càng gia tăng cả về tính chất lẫn số lượng, cùng với xu hướng chung của các nước trên thế giới, Việt Nam cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc đưa ra các giải pháp nhằm đấu tranh phòng, chống một cách có hiệu quả đối với tội phạm buôn bán người, trong đó việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật được coi là một trong các giải pháp cơ bản, quan trọng và được đặt lên hàng đầu. Vì thế, Luật Phòng, chống buôn bán người đã được đưa vào trong Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội chính thức năm 2010 để Quốc hội cho ý kiến. Tuy nhiên, ngoài những yêu cầu cần thiết của một đạo luật nói chung, thì việc xây dựng Luật Phòng, chống buôn bán người còn nhiều vấn đề được đặt ra.
Theo ông Trần Văn Đạt – Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp, từ định nghĩa buôn bán người được quy định trong các văn kiện quốc tế có thể thấy buôn bán người bao gồm các yếu tố như: hành vi (tuyển mộ, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp, tiếp nhận, nhận người trong nước hoặc qua biên giới); phương thức, thủ đoạn (ép buộc, bắt cóc, lừa gạt, man trá, lạm dụng quyền lực hoặc vị thế dễ bị tổn thương...); mục đích (bóc lột bao gồm tối thiểu là làm mại dâm hoặc những hình thức bóc lột tình dục khác...).... Tuy nhiên, tại Việt Nam, các văn bản pháp luật hiện hành ít sử dụng khái niệm buôn bán người. Cụ thể, Bộ luật Hình sự không có tội buôn bán người mà chỉ có tội “Mua bán người”. Thuật ngữ buôn bán phụ nữ, trẻ em tuy được dùng khá phổ biến trong các văn bản pháp luật, tuy nhiên chưa có một định nghĩa chính thức thế nào là buôn bán phụ nữ, trẻ em mà các khái niệm này hoặc chưa được giải thích đầy đủ hoặc được giải thích chưa cụ thể và toàn diện. Từ sự phân tích quan niệm về buôn bán người trong pháp luật quốc tế và trong pháp luật Việt Nam, cũng như từ thực tiễn đấu tranh, điều tra, xét xử tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em ở nước ta, ông Đạt cho rằng, Luật Phòng, chống buôn bán người của Việt Nam cần có một điều luật riêng quy định về khái niệm buôn bán người. Và, khái niệm này sẽ là cơ sở quan trọng nhất và được hiểu một cách thống nhất trong toàn bộ hệ thống pháp luật và đó cũng là cơ sở cho việc quy định tất cả các vấn đề liên quan đến hoạt động phòng, chống buôn bán người sau này. Theo đó, “buôn bán người là hành vi mua, bán, tuyển mộ, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp, che dấu, tiếp nhận người bằng bất kỳ thủ đoạn nào nhằm mục đích bóc lột sức lao động, bóc lột tình dục hoặc lấy nội tạng cơ thể của người đó để trục lợi”
Đồng quan điểm với ông Trần Văn Đạt, nhiều đại biểu đã bổ sung đưa ý kiến “hành vi mua, bán, tuyển mộ, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp, che dấu, tiếp nhận người dưới 18 tuổi hoặc người bị tâm thần mà được sự đồng ý của họ, nhằm mục bóc lột sức lao động, bóc lột tình dục hoặc lấy nội tạng cơ thể của người đó để trục lợi” cũng phải được coi là hành vi buôn bán người.
Còn theo quan điểm của ông Nguyễn Văn Hoàn – Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, bên cạnh việc xác định nội hàm của khái niệm buôn bán người cũng cần xác định rõ hoạt động kinh doanh, dịch vụ nào “các hoạt động có thể bị lợi dụng để buôn bán người” vì điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng để xác định cơ chế kiểm soát, phòng ngừa, đấu tranh phù hợp.
Các biện pháp phòng ngừa – bao nhiêu là đủ?
Một trong những câu chuyện được các đại biểu tham dự hội thảo rất quan tâm là vấn đề các biện pháp phòng ngừa hoạt động buôn bán người. Theo nhiều đại biểu để có thể phòng ngừa, tiến tới ngăn chặn được nạn buôn bán người, pháp luật Việt Nam mà cụ thể là dự Luật Phòng, chống buôn bán người nhất thiết phải có quy định về các biện pháp phòng ngừa chung và các biện pháp kiểm soát các hoạt động dễ bị lợi dụng để buôn bán người.
Thực tế cho thấy rất nhiều nạn nhân sau khi được giải cứu từ các vụ buôn bán người trở về đều không hình dung hết được những nguy hiểm mà mình vừa trải qua. Hay nói cách khác, sở dĩ hoạt động buôn bán người gia tăng nhanh chóng, bên cạnh các lý do khách quan khác, còn có lý do chủ quan từ chính các nạn nhân: kém hiểu biết và thiếu thông tin. Vì thế, đã từng có phụ nữ trở thành nạn nhân của hành vi buôn bán người chỉ vì một suy nghĩ rất đơn giản: để được đi máy bay và ra nước ngoài một lần cho biết (!) - theo một đại biểu tham dự hội nghị.
Vì vậy, theo bà Nguyễn Thanh Trúc – Phòng Bảo vệ trẻ em, Unicef, trong các biện pháp phòng ngừa chung, cần đặc biệt chú trọng công tác thông tin tuyên truyền về phòng, chống buôn bán người để thay đổi thái độ và hành vi của đông đảo nhân dân về loại tội phạm này. Bên cạnh đó, cũng phải xây dựng mạng lưới phòng, chống buôn bán người tại cộng đồng để đây thực sự trở thành “barie” vững vàng ngay từ cơ sở trong việc chống lại hành vi buôn bán người.
Cũng theo bà Trúc, các hoạt động kết hôn có yếu tố nước ngoài, đưa người đi lao động xuất khẩu... rất dễ trở thành “mảnh đất” tốt cho tội phạm buôn bán người lợi dụng. Vì thế, phải kiểm soát và giám sát chặt chẽ các hoạt động này từ cơ sở hoạt động cho tới sự công khai, minh bạch thông tin, bên cạnh đó cũng phải đưa ra những “địa chỉ đỏ” để làm phao cứu sinh cho nạn nhân khi cần thiết.
Ngoài ra, người đại diện tổ chức Unicef còn đưa ra ý kiến cần quản lý chặt chẽ hoạt động cho, nhận con nuôi để ngăn chặn tệ nạn buôn bán người vì đây cũng là một hoạt động chứa nhiều nguy cơ cao.
Xuân Hoa
7 nội dung lớn của Luật Phòng, chống buôn bán người Qua nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em, theo nhiều Đại biểu có 07 nội dung lớn hết sức quan trọng mà Luật Phòng, chống buôn bán người cần phải quy định. Đó là, một số vấn đề chung (khái niệm buôn bán người; nguyên tắc phòng, chống buôn bán người; các hành vi bị nghiêm cấm; chính sách về phòng, chống buôn bán người; cơ chế đấu tranh phòng, chống tệ buôn người); các biện pháp phòng, chống buôn bán người; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong đấu tranh phòng, chống buôn bán người; bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán; hồi hương, tái hòa nhập cộng đồng nạn nhân bị buôn bán; quản lý nhà nước về phòng, chống buôn bán người; hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống buôn bán người. |
6 tháng đầu năm 2009: 417 phụ nữ, trẻ em bị buôn bán Theo Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình 130/CP từ năm 2005 đến nay cả nước đã phát hiện hơn 1.600 vụ mua bán phụ nữ, trẻ em, trong đó có 4.300 phụ nữ, trẻ em bị mua bán. Riêng 6 tháng đầu năm 2009 đã xảy ra 191 vụ, trong đó có 417 phụ nữ, trẻ em bị buôn bán. Cũng Báo cáo trên cho thấy trong số nạn nhân trên thì 60% nạn nhân bị buôn bán tự trở về, 19% trở về qua con đường giải cứu, 21% qua con đường trao trả. |