Sau 5 năm thi hành Luật Luật sư, đội ngũ luật sư ở nước ta đã và đang phát triển nhanh về số lượng. Hoạt động luật sư diễn ra sôi động, không những đáp ứng kịp thời nhu cầu dịch vụ pháp lý ngày càng cao của cá nhân, tổ chức, góp phần quan trọng trong việc bảo về quyền, lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo và các đương sự khác, phục vụ tích cực cho công cuộc cải cách tư pháp mà còn góp phần tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi và tin cậy cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong tổ chức và hoạt động hành nghề luật sư hiện nay vẫn còn một số hạn chế, bất cập như: số lượng luật sư hiện có so với dân số còn rất thấp; chất lượng của đội ngũ luật sư chưa đáp ứng được nhu cầu cung cấp dịch vụ pháp lý; việc tuân thủ pháp luật, tuân theo quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp và kỹ thuật hành nghề chưa được các luật sư nhận thức một cách đầy đủ… Dù có những nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau nhưng việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật là cần thiết để giải quyết những vướng mắc nêu trên.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Bốn - Phó Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp dã giới thiệu với các đại biểu nội dung cơ bản của Dự thảo Báo cáo định hướng sửa đổi Luật Luật sư và Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động trong việc sửa đổi Luật Luật sư.
Các đại biểu đã tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến cho các Dự thảo và nêu lên những quan điểm khác nhau nhằm hoàn thiện Luật Luật sư, hướng tới mục tiêu tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất và giải quyết được các vấn đề vướng mắc, bất cập của Luật Luật sư hiện nay, tạo điều kiện cho sự phát triển ổn định lâu dài của nghề luật sư.
P.N
Trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh cải cách tư pháp trong đó có mục tiêu đổi mới mô hình tranh tụng và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế thì phát triển đội ngũ luật sư có phẩm chất chính trị, đạo đức, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và xây dựng được thị trường pháp lý lành mạnh, đồng thời nghiên cứu mối tương quan, tương hỗ giữa các chức danh tư pháp, hoạt động luật sư, hoạt động trợ giúp pháp lý nhằm tạo ra cơ chế liên thông giữa các hoạt động này là một đòi hỏi cấp thiết của xã hội. |