Ngày 29/3/2011, tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XII, dự án Luật Thủ đô (gồm 4 Chương, 35 Điều) do Chính phủ trình chưa được Quốc hội thông qua vì chỉ có trên 35% đại biểu tán thành. Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện dự án Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại một kỳ họp sau.
Dự Luật Thủ đô đã được đưa vào chương trình nghị sự của Quốc hội trong năm 2010, quá trình xây dựng Luật đã thu hút sự quan tâm lớn của các đại biểu Quốc hội, dư luận nhân dân Thủ đô Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Sau nhiều lần bàn thảo, chỉnh lý, trượt qua mốc kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội (tháng 10/2010, nếu kịp vào dịp này sẽ là một món quà đầy ý nghĩa với Thủ đô), đến hạn biểu quyết thông qua là kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XII (tháng 3/2011), Quốc hội vẫn chưa thể thông qua Luật, chấp nhận chuyển giao cho Quốc hội khóa tiếp theo. Điều đó cho thấy “độ khó” của dự Luật. Nguyên cơ chủ yếu tạo ra “độ khó” này chính là “khoảng hở”, “khoảng cách” chưa có tiền lệ giữa mong muốn có được những chính sách, cơ chế đặc thù (thực sự khác biệt, thực sự riêng có) cho thành phố Hà Nội – là một địa phương nhưng đồng thời là Thủ đô của đất nước (đây cũng là lý do cho sự ra đời của Luật Thủ đô) với nguyên tắc không trái Hiến pháp và tương thích với điều kiện pháp luật hiện hành.
Hiến pháp nước ta quy định: “Thủ đô của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Hà Nội”. Vị trí, vai trò của Thủ đô cũng đã được định rõ: Thủ đô là đô thị đặc biệt, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan Trung ương của Đảng và Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; là trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế; nơi diễn ra các hoạt động đối nội, đối ngoại quan trọng nhất của đất nước.
Trong bối cảnh Hà Nội đang chuyển động mạnh mẽ trước yêu cầu phát triển cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, làm hạt nhân, nền tảng trong việc đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 thì khung pháp lý cho Hà Nội hiện rất bất cập, Pháp lệnh Thủ đô năm 2000 không đáp ứng được những vấn đề riêng có của Thủ đô hiện nay. Ở nhiều bình diện của sự phát triển, Hà Nội với tư cách là Thủ đô của một nước lại đang “bị bó tay”, lúng túng trước những vấn đề lớn nảy sinh, nhất là trong điều kiện Thủ đô mới được mở rộng gấp 3 lần diện tích và có sự chênh lệch lớn về điều kiện kinh tế - xã hội giữa các vùng trung tâm đô thị, nội thành, ngoại thành. Cùng là vấn đề của đô thị nhưng sự diễn biến của vấn đề đó tại Hà Nội rõ ràng sẽ có hệ lụy, có tác động khác hẳn so với các đô thị khác. Hơn lúc nào hết, Hà Nội đang rất cần những cơ chế đặc thù, những đòn bẩy pháp lý phù hợp và tương xứng làm động lực, để khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh phát triển để xứng tầm với vị trí, vai trò đã được xác định. Tuy nhiên, vấn đề là đặc thù như thế nào và đặc thù đến đâu đối với Hà Nội, thậm chí có không ít ý kiến còn e ngại về sự cần thiết phải có riêng một Luật Thủ đô trong thời điểm hiện nay. Mặt khác, cũng cần nhận thấy rất rõ rằng sẽ là rất không hợp lý, thậm chí mâu thuẫn nếu như mong muốn Hà Nội phải đảm nhiệm tốt vai trò “đầu não quốc gia” nhưng vẫn chỉ để Hà Nội khoác trên mình một “chiếc áo pháp lý” không thực sự nổi bật và ưu thế hàng đầu so với các đô thị cùng loại của cả nước.
Việc Quốc hội chưa nhất trí thông qua dự án Luật Thủ đô sẽ tạo nên độ dãn nhất định về thời gian để có thêm sự thận trọng và tạo sự đồng thuận - đó cũng là diễn biến tự nhiên, sự cần thiết để tạo điều kiện chín muồi cho sự ra đời của Luật.
Luật Thủ đô đang đòi hỏi một cách nhìn, một tầm nhìn, một tâm thế toàn diện và sâu sắc. Chính sách, cơ chế đặc thù cũng như các yếu tố công bằng, bình đẳng của pháp luật cho Thủ đô hôm nay cần phải được đặt trong không gian, trong cái nhìn về văn hóa, lịch sử, địa - chính trị đặc biệt của Thăng Long - Hà Nội; phải xuất phát từ tinh thần của đất kinh kỳ 1000 năm văn hiến - nơi hội tụ khí thiêng, “nơi lắng hồn núi sông ngàn năm”, là trái tim của cả nước, là bộ mặt, diện mạo, là “hồn vía” của đất nước, của dân tộc trong thời hiện đại. Như vậy mới tăng cường được tính thuyết phục của dự Luật. Trên cơ sở các nguyên tắc của Hiến pháp, điều quan trọng là Luật Thủ đô phải thực hiện được vai trò bổ sung, phải “giải mã” cho các luật hiện hành đối với Thủ đô.
Thứ trưởng Lê Thành Long đề nghị: “Cần tiếp tục tập trung “lượng hóa” thật tốt yếu tố “Thủ đô” trong dự thảo Luật”. Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật cần chủ động phối hợp với UBND thành phố Hà Nội, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội tiếp thu, tổng hợp, phân tích, đánh giá kỹ các ý kiến từ diễn đàn Quốc hội và thông tin báo chí để làm rõ các vấn đề đang đặt ra đối với dự án Luật Thủ đô. Trên cơ sở đó, rà soát lại toàn bộ nội dung dự thảo Luật, đặc biệt là các cơ chế, chính sách cho Thủ đô, kể cả việc dự kiến bổ sung nội dung mới, lý giải làm rõ lý do, căn cứ đề xuất các cơ chế, chính sách này; nghiên cứu, đề xuất bổ sung những nhân sự cần thiết vào Ban soạn thảo Luật”
Hoàng Hà - Văn phòng Bộ