Thực hiện Chương trình công tác năm 2009 của Bộ Chính trị, ngày 15/9/2009, Văn phòng Trung ương Đảng đã cử đoàn công tác do đồng chí Nguyễn Hữu Từ, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng đến làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp về kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TW ngày 13/8/2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá IX) về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân.
Đồng chí Đinh Trung Tụng, Uỷ viên Ban cán sự, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đã chủ trì buổi tiếp và làm việc với Đoàn công tác. Tham dự buổi làm việc có các đồng chí Lãnh đạo đại diện cho các đơn vị: Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Vụ Tổ chức cán bộ, Viện Khoa học pháp lý, Vụ Hành chính tư pháp, Cục Kiểm tra văn bản QPPL, Vụ Pháp luật quốc tế, Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Văn phòng Bộ, Vụ Bổ trợ tư pháp.
Trong báo cáo thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TW, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng đã thay mặt Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp nêu những nhận định, đánh giá kết quả của Bộ Tư pháp đã đạt được trong việc thực hiện Nghị quyết trên các mặt chủ yếu sau:
Thứ nhất, Ban cán sự đã tổ chức giới thiệu nội dung cụ thể của Nghị quyết cho tất cả đảng viên cũng như các cán bộ, công chức trong cơ quan Bộ, qua đó, đảng viên và quần chúng có thể nắm và hiểu những nội dung cơ bản của Nghị quyết.
Thứ hai, sau khi đã tổ chức quán triệt Nghị quyết, dưới sự chỉ đạo của Ban cán sự, của Đảng uỷ cơ quan Bộ, các Vụ chuyên môn như Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Vụ Pháp luật quốc tế đã tiến hành triển khai việc nghiên cứu Nghị quyết một cách chuyên sâu trong cán bộ tham gia công tác xây dựng pháp luật. Đây là một việc làm hết sức cần thiết vì có nắm được nội dung của Nghị quyết thì những người làm công tác xây dựng pháp luật mới có thể tham gia xây dựng các văn bản pháp luật có nội dung phù hợp với tinh thần của Nghị quyết cũng như mới có đủ cơ sở chính trị để đánh giá về tính phù hợp của các văn bản pháp luật do các Bộ, ngành ban hành theo yêu cầu của Nghị quyết Trung ương.
Thứ ba, đại diện Lãnh đạo Bộ Tư pháp đã tham gia Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cũng đã quán triệt nội dung Nghị quyết để có những ý kiến tham gia chỉ đạo xây dựng chính sách phát triển kinh tế tư nhân.
Thứ tư, tích cực tham gia xây dựng các Nghị quyết về hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế như: Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Thứ năm, hầu hết các lĩnh vực công tác chuyên môn của Bộ Tư pháp đã thể hiện rất toàn diện việc triển khai thực hiện nội dung của Nghị quyết số 14-NQ/TW đó là: công tác lập dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội; công tác tham gia đàm phán cam kết quốc tế; công tác tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ, ngành khác chủ trì, các hoạt động này đã tác động tích cực vào việc thực hiện Nghị quyết trên nội dung: Về tạo lập môi trường pháp lý bình đẳng cho doanh nghiệp; pháp luật về đăng ký kinh doanh; pháp luật về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; pháp luật về lao động; về chính sách thuế; về đất đai; về ngân hàng tín dụng và bảo hiểm.
Đặc biệt, Thứ trưởng đã nhận định chung về vai trò của Bộ Tư pháp trong quá trình tham gia xây dựng các văn bản pháp luật do các Bộ, ngành chủ trì đó là:
- Để góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 14-NQ/TW, Bộ Tư pháp đã thực hiện các công việc như: Cử đại diện tham gia vào tất cả các Ban soạn thảo và Tổ biên tập của các Luật, Pháp lệnh do các Bộ, ngành chủ trì.
- Thông qua công tác thẩm định, góp ý mà kiến nghị xoá bỏ các quy định, cơ chế mang tính bất bình đẳng hoặc gây khó khăn cho kinh tế tư nhân. Ví dụ:
+ Trong quá trình soạn thảo Luật Doanh nghiệp năm 2005, Bộ Tư pháp đã kiên quyết ủng hộ quan điểm mở rộng thêm một số hình thức tổ chức của doanh nghiệp trong đó có hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là cá nhân. Hình thức công ty này nếu được ra đời sẽ tạo thêm một mô hình doanh nghiệp phù hợp với nguyện vọng và tâm lý của các nhà kinh doanh ở Việt Nam, góp phần thực hiện tinh thần tự do kinh doanh của Nghị quyết số 14-NQ/TW;
+ Kiên quyết kiến nghị huỷ bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết;
+ Đối với các ngành, nghề kinh doanh phải có điều kiện thì cần xác định lại cơ quan nào có thẩm quyền quy định điều kiện, khắc phục tình trạng cơ quan nào cũng có quyền quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh các ngành nghề đó, đồng thời cần phải xem xét lại tính hợp lý của các điều kiện đã được ban hành để loại bớt những điều kiện nếu sự tồn tại của chúng là không hợp lý.
Nhìn chung, Bộ Tư pháp đã triển khai quán triệt Nghị quyết Trung ương với nội dung và hình thức phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Bộ cũng như yêu cầu chuyên sâu của công tác xây dựng pháp luật mà Bộ được giao đảm nhiệm.
Thông qua buổi làm việc Thứ trưởng cũng đã thay mặt Ban cán sự, Lãnh đạo Bộ có một số kiến nghị như sau:
1. Tiếp tục hoàn thiện môi trường kinh doanh trên những nguyên tắc cơ bản sau đây
- Chuyển hướng xây dựng pháp luật từ việc xây dựng pháp luật theo chiều rộng sang hướng xây dựng pháp luật theo chiều sâu nhằm xây dựng một hệ thống pháp luật về kinh doanh vừa đủ lại vừa sâu. Khắc phục triệt để tình trạng Luật chờ Nghị định và các văn bản hướng dẫn thi hành, Luật phải tạo được môi trường thông thoáng, không bị lạc hậu, không cứng nhắc để thực sự đi vào cuộc sống.
- Bảo đảm cho các doanh nghiệp tư nhân dễ dàng gia nhập thị trường nhưng không quá dễ dãi, buông lỏng quản lý. Ví dụ, vấn đề hiện nay không phải là thu hẹp phạm vi các ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện mà là vấn đề phải xác định một cách hợp lý lĩnh vực nào cần bị cấm và lĩnh vực nào cần bị hạn chế, đồng thời cần làm rõ tính hợp lý của các điều kiện kinh doanh.
- Tăng cường các biện pháp thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển nhưng cũng cần quan tâm đến các nghĩa vụ của nhà kinh doanh tư nhân trước nhà nước, trước người lao động và trước toàn xã hội. Tóm lại, cần tăng cường quyền của các nhà kinh doanh tư nhân, đồng thời nhấn mạnh các nghĩa vụ pháp lý của họ trước xã hội, trước nhà nước.
2. Tăng cường công tác theo dõi thi hành pháp luật
Một trong những hạn chế của hệ thống pháp luật trong thời gian vừa qua cần khắc phục là tính chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu tính đồng bộ và khả thi đã hạn chế đến hiệu quả thi hành pháp luật. Theo Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp, thì Bộ được giao thêm chức năng giúp Chính phủ thực hiện nhiệm vụ theo dõi chung tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi cả nước. Đây là một nhiệm vụ trọng tâm mà ngành tư pháp thực hiện trong thời gian tới nhằm thiết lập cơ chế thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật trong phạm vi toàn quốc, bảo đảm cho pháp luật được thực thi nghiêm chỉnh, thông suốt, hạn chế và từng bước khắc phục tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến việc thực thi pháp luật.
3. Tăng cường bộ máy thực thi pháp luật
Bên cạnh việc quan tâm đến quá trình hoàn thiện pháp luật nói chung và pháp luật về kinh tế tư nhân nói riêng, nhà nước ta phải quan tâm nhiều đến việc hoàn thiện bộ máy công quyền của mình. Bộ máy này phải tinh thông về nghiệp vụ, phải trong sạch về phẩm chất và đặc biệt là phải được trang bị các phương tiện kỹ thuật hiện đại thì mới có thể đóng được vai trò là người hỗ trợ cho pháp luật đi vào cuộc sống. Trên quan điểm như vậy chúng tôi đề nghị một trong những phương hướng, trọng tâm cơ bản của hoạt động lập pháp, lập quy của nhà nước ta trong giai đoạn sắp tới là tập trung xây dựng các văn bản về bộ máy nhà nước, trong đó có việc sửa đổi Hiến pháp, các Luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Chính phủ và các thiết chế khác trong bộ máy của nhà nước ta như Toà án, Viện kiểm sát…
4. Bảo đảm tính công khai, minh bạch và dân chủ trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật
Tăng cường thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2009 “Bảo đảm tính công khai trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trừ trường hợp văn bản quy phạm pháp luật có nội dung thuộc bí mật nhà nước” (Điều 3). Luật cũng quy định “Trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo và cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân tham gia góp ý kiến về dự thảo văn bản; tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản” và “Ý kiến tham gia về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật phải được nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình chỉnh lý dự thảo” (Điều 4). Tuy nhiên, hiện nay, đang có một tình trạng không tuân thủ đúng các yêu cầu nêu trên của Luật trong quá trình soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật. Điều này thể hiện ở chỗ, trong quá trình soạn thảo một số dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thì việc đăng tải, lấy lý kiến các đối tượng chịu sự tác động của nội dung dự thảo văn bản còn chưa được thực hiện nghiêm túc. Tình trạng này đã hạn chế một cách đáng kể sự tham gia của nhân dân vào quá trình hình thành nội dung các văn bản quy phạm pháp luật, gây phản ứng xấu trong dư luận xã hội về tính công khai, minh bạch của quá trình lập pháp, lập quy. Vì vậy, Bộ Tư pháp kiến nghị cần phải chấm dứt tình trạng này và tuân thủ đúng yêu cầu về tính công khai, minh bạch và dân chủ trong quá trình xây dựng Luật, pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hữu Từ, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng đã thay mặt Đoàn công tác đã đánh giá cao trách nhiệm và kết quả đạt được của Bộ Tư pháp trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá IX).
Ngô Ngọc Thành - Ban Thư ký, ảnh Trung Dũng