Đảm bảo vận hành thông suốt, hiệu quả của toàn ngành Tư pháp tại chính quyền địa phương 2 cấp

11/07/2025
Đảm bảo vận hành thông suốt, hiệu quả của toàn ngành Tư pháp tại chính quyền địa phương 2 cấp
Sáng 11/7, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến giữa Bộ Tư pháp với các Sở Tư pháp các tỉnh, TP về công tác tư pháp tại chính quyền địa phương 2 cấp. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh và Thứ trưởng Mai Lương Khôi chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị tại điểm cầu Bộ Tư pháp có đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.

Tại 34 điểm cầu địa phương có Giám đốc, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, đại diện các phòng chuyên môn của Sở, lãnh đạo phụ trách công tác tư pháp của Văn phòng HĐND và UBND cấp xã, đại diện một số công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã các địa phương.

Kịp thời giải đáp những vướng mắc của các địa phương

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh Hội nghị được tổ chức để Bộ Tư pháp lắng nghe ý kiến từ địa phương, nhất là những bất cập, vướng mắc, khó khăn khi tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và cho biết, vừa qua, Bộ trưởng, các Thứ trưởng Bộ Tư pháp đã trực tiếp đi thực tế tại một số địa phương, kiểm tra tại các xã, phường cho thấy còn nhiều bất cập, hạn chế.
 
Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh phát biểu tại Hội nghị.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh, những bất cập, hạn chế này có một số nguyên nhân chủ yếu. Thứ nhất là do mô hình mới nên việc nắm bắt, hiểu về chức năng, nhiệm vụ mới còn một số hạn chế, bất cập.

Nguyên nhân thứ 2 là việc bố trí cán bộ tư pháp ở cấp xã. Theo đó, có một số trường hợp cán bộ còn mới, không phải cán bộ tư pháp trước đây, mà ở lĩnh vực khác sang nên chưa đủ kiến thức chuyên sâu, chưa đủ quen để tiếp cận công việc.

Thứ 3 là điều kiện về cơ sở vật chất; trong khi nhiều tỉnh, TP có điều kiện bảo đảm phương tiện, cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc rất tốt nhưng nhiều địa phương, trang bị máy móc, thiết bị vẫn còn chưa được đầy đủ nên đôi khi đường truyền, máy móc chưa được tốt.

Ngoài ra, Bộ trưởng cho hay, một số quy định pháp luật còn bất cập, chưa kịp thời hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung, trong đó có lĩnh vực tư pháp.

Do vậy, tại Hội nghị, Bộ Tư pháp lắng nghe, chia sẻ và kịp thời giải đáp những vướng mắc của các địa phương; những nội dung vượt thẩm quyền hoặc chưa đủ điều kiện để có thể xử lý ngay, Bộ sẽ ghi nhận và có chỉ đạo để giải quyết.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe Vụ Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý phổ biến, quán triệt những nội dung cơ bản về thực hiện phân quyền, phân cấp, phân định thẩm quyền trong lĩnh vực tư pháp và một số định hướng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức và người dân, doanh nghiệp khi tổ chức hoạt động chính quyền địa phương 2 cấp.

Cùng với đó, các đại biểu cũng trao đổi, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện quy định phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, ngành Tư pháp.

Qua đó, đảm bảo sự vận hành thông suốt, hiệu quả của toàn ngành Tư pháp nói riêng và vận hành mô hình chính quyền 2 cấp nói chung.

Cơ bản các nội dung phân cấp, phân quyền là khả thi

Trực tiếp giải đáp phản ánh của các địa phương liên quan đến vận hành phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử như chậm liên thông, lỗi phần mềm, cơ sở dữ liệu chưa đầy đủ…, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh cho biết, qua kiểm tra thực tế địa phương của lãnh đạo Bộ cho thấy có trường hợp mà các địa phương nêu.

Chỉ ra nguyên nhân cũng như phương án xử lý, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh, để vận hành trơn tru một phần mềm phụ thuộc vào một số yếu tố, trong đó có con người.

“Có thể có những cán bộ mới được chuyển sang lĩnh vực này, chưa nắm bắt kịp thời nên chưa thành thạo trong công việc. Đề nghị Sở Tư pháp các địa phương phối hợp với các sở, ngành có liên quan, UBND cấp xã rà soát lại các đội ngũ cán bộ tư pháp cấp xã để kiến nghị UBND tỉnh hoặc UBND cấp xã tiến hành tập huấn để nâng cao năng lực, thậm chí là kiến nghị bố trí thêm cán bộ tại địa bàn có nhiều việc”, Bộ trưởng nói, đồng thời đề nghị Cục Hành chính tư pháp lên kế hoạch tập huấn ngay để nâng cao năng lực cho cán bộ tư pháp cấp xã.

Để xử lý nguyên nhân từ việc thiết bị máy móc và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, Bộ trưởng đề nghị các địa phương kiến nghị trang bị đầy đủ thiết bị, máy móc và cơ sở hạ tầng kỹ thuật.

Cho biết qua kiểm tra tại địa phương cho thấy, về cơ bản, các địa phương đánh giá phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử mới tốt hơn, nhiều tính năng hơn, Bộ trưởng đề nghị Cục Hành chính tư pháp cùng các đơn vị công nghệ xây dựng phần mềm tiếp tục lắng nghe, tiếp nhận ý kiến của địa phương để tiếp tục hoàn thiện để tạo thuận lợi nhất cho việc sử dụng.

Về việc chuyển dữ liệu, Bộ trưởng cho biết, có 401 triệu dữ liệu cần phải chuyển đổi, hiện đã chuyển được 245 triệu dữ liệu, dự kiến đến 15/7 sẽ chuyển xong, liên thông dữ liệu để tạo thuận lợi cho việc khai thác.

Liên quan đến đề nghị của các địa phương về hỗ trợ đường dây nóng, phản hồi các kiến nghị của địa phương, Bộ trưởng yêu cầu Cục Hành chính tư pháp trong ngày 11/7 triển khai đưa toàn bộ công văn, giấy tờ hướng dẫn đối với những kiến nghị, phản ánh của địa phương lên Cổng Pháp luật quốc gia để cán bộ cấp xã tại 3.321 xã có thể tiếp cận, tra cứu, trao đổi và tham khảo, áp dụng khi xử lý công việc.

Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh cho biết, theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật, Bộ Tư pháp đang chuẩn bị báo cáo đánh giá sơ bộ về tính khả thi của các nhiệm vụ được phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền cho địa phương, trong đó có tỉnh và cấp xã.

Hiện, Bộ Tư pháp sơ bộ phân làm 3 nhóm, nhóm đầu tiên là nhóm khả thi, tức là địa phương hoàn toàn có thể đảm nhiệm được; nhóm thứ hai là nhóm khả thi nhưng cần phải có điều kiện bảo đảm được tăng cường về nhân lực, về điều kiện cơ sở vật chất, hoàn thiện thủ tục hành chính; nhóm thứ ba là nhóm không khả thi.

Trong đó, Bộ trưởng cho hay, nhóm không khả thi rất ít, ví dụ như nhiệm vụ phân cấp cho địa phương, theo sơ bộ đánh giá của Bộ Tư pháp chỉ có 2 nhiệm vụ không khả thi thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ.

Còn tất cả các nội dung khác về cơ bản là khả thi và một số nhiệm vụ là khả thi nhưng cần phải tăng cường điều kiện bảo đảm như trong lĩnh vực hộ tịch.

“Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật cũng giao Chính phủ, cụ thể là Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Tư pháp sau 2 tháng chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động, tức đến ngày 1/9 là phải có báo cáo chính thức xem các nhiệm vụ phân cấp, phân quyền xuống cho địa phương như vậy có khả thi trên thực tế hay không để có thể tính toán”, Bộ trưởng thông tin.

Hiện, Bộ Tư pháp đã có chương trình phối hợp cùng với Bộ Nội vụ đi kiểm tra từng địa phương để xây dựng báo cáo.
 

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Mai Lương Khôi đề nghị các đơn vị thuộc Bộ phối hợp, rà soát lại các nội dung mà các Sở Tư pháp địa phương còn thắc mắc để đưa lên Cổng Pháp luật quốc gia như một cẩm nang tư vấn và hướng dẫn cho các cán bộ tại địa phương; đồng thời, triển khai công tác tập huấn để nâng cao năng lực cho cán bộ tư pháp cấp xã.
 
Sở Tư pháp Sơn La và Sở Tư pháp Ninh Bình nêu vấn đề, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật có quy định bổ sung thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của UBND cấp xã. Tuy nhiên, đến ngày 7/7, Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức hướng dẫn thi hành Luật chưa được ban hành, dẫn tới UBND cấp xã khó khăn khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để ban hành chức năng, nhiệm vụ của các phòng chuyên môn thuộc UBND xã theo các nhiệm vụ quy định tại khoản 5 Điều 22 Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Hai Sở Tư pháp này đề nghị Bộ Tư pháp sớm tham mưu cho Chính phủ ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung Nghị định số 78/2025/NĐ-CP để địa phương có cơ sở xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của UBND cấp xã.

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh cho biết, ngày 25/6, Bộ Tư pháp đã trình dự thảo Nghị định lên Chính phủ. Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ và các lãnh đạo Chính phủ có ý kiến yêu cầu giải trình, bổ sung thêm. Do vậy, đến ngày 10/7, Bộ trưởng đã ký văn bản, chuyển đến Văn phòng Chính phủ. Dự kiến, Nghị định sẽ được ban hành trong ngày hôm nay để quy định chi tiết, hướng dẫn nội dung địa phương đề cập.
 
Tường Minh