Chiều 7/7, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương tổ chức Phiên họp thứ hai năm 2025 dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Lương Cường, Trưởng Ban Chỉ đạo để xem xét cho ý kiến về một số nội dung quan trọng. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh tham dự Phiên họp.
Các nội dung được xem xét cho ý kiến tại Phiên họp liên quan tới Đề án “Nghiên cứu xây dựng chế định luật sư công trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam"; Đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành án hành chính hiện nay” do Đảng ủy Bộ Tư pháp trình; và Báo cáo kết quả việc thực hiện thí điểm khảo sát ý kiến đánh giá của người dân đối với hoạt động tư pháp do Đảng ủy Trung ương Hội Luật gia Việt Nam chuẩn bị.
Trong đó, việc xây dựng Đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành án hành chính hiện nay” là cần thiết. Tuy nhiên, thi hành án hành chính là một công việc khó, nhạy cảm khi đối tượng bị thi hành án hành chính thường là những người đứng đầu trong các cơ quan hành chính nhà nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua công tác thi hành án hành chính còn nhiều tồn tại, hạn chế do nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về thi hành án hành chính của một bộ phận cơ quan, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước chưa thực sự đầy đủ; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền đối với công tác này chưa được quan tâm đúng mức; pháp luật về tố tụng hành chính còn nhiều vướng mắc, bất cập.... Do vậy, việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành án hành chính là rất cần thiết.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh phát biểu tại Phiên họp. (Ảnh trong bài: nhandan.vn)
Về Đề án “Nghiên cứu xây dựng chế định luật sư công trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, các ý kiến tán thành nghiên cứu, xây dựng Đề án về xây dựng chế định luật sư công để đáp ứng yêu cầu thực tiễn bảo vệ lợi ích của Nhà nước trong bối cảnh các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước đang đối mặt với nhiều vấn đề rủi ro pháp lý liên quan đến đầu tư, thương mại có yếu tố nước ngoài và các quan hệ hành chính dân sự, tài chính, tài sản, đất đai; tham gia đàm phán, ký kết các hiệp định, thỏa thuận quốc tế; tư vấn chính sách, xây dựng pháp luật và trong bối cảnh số lượng vụ kiện hành chính cũng có xu hướng tăng mạnh.
Kết thúc Phiên họp, Trưởng Ban Chỉ đạo, Chủ tịch nước Lương Cường cảm ơn, đánh giá cao các cơ quan đã chuẩn bị nghiêm túc, có chất lượng các Đề án, Báo cáo trình Ban Chỉ đạo tại Phiên họp. Đồng thời, đề nghị các cơ quan liên quan tiếp thu các ý kiến của Ban Chỉ đạo, hoàn thiện các Đề án và Báo cáo trình cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo để triển khai thực hiện.