Với tư cách nhà quản lý, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên đánh giá cao Chương trình hợp tác 3 năm giữa hai bên vì những hiệu quả mà nó mang lại, đồng thời cho rằng cần đẩy mạnh hơn nữa sự hợp tác này. Thứ trưởng nhấn mạnh: thông qua Chương trình, Việt Nam đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm về nhà nước pháp quyền, đặc biệt là hiểu rõ được khái niệm này và những tác động của nó trên thực tế, phục vụ đắc lực cho công cuộc đổi mới đất nước. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, vẫn còn những nội dung hợp tác chưa được phù hợp, cần được đánh giá một cách nghiêm túc, từ đó tìm ra nguyên nhân và cách khắc phục, đặt ra những vấn đề cho lần hợp tác tiếp theo.
Đồng tình với ý kiến của Thứ trưởng, ngài Wilfried Bernhardt cho biết: phản hồi của các tổ chức có liên quan ở phía Đức tham gia Chương trình hợp tác đều mang tính tích cực. Chính vì vậy, việc đánh giá hiệu quả Chương trình là cần thiết để mở đường cho những sự hợp tác tiếp theo.
Hai bên cũng đã dành thời gian trao đổi về một số hoạt động hợp tác tiếp theo, trong đó có hợp tác trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng và hợp tác đào tạo.
Ngài Quốc vụ khanh cho rằng: tham nhũng có thể làm băng hoại các giá trị của nhà nước pháp quyền; ngày nay nạn tham nhũng còn liên quan tới mạng lưới khủng bố nên tính chất, mức độ nguy hiểm ngày càng tăng cao. Trong “Những ngày pháp luật Đức tại Việt Nam” đang diễn ra tại Đại học Luật Hà Nội, ngài sẽ có bài nói chuyện với sinh viên về đề tài này.
Chia sẻ kinh nghiệm của mình, ngài Wilfried Bernhardt khẳng định: một luật gia phải có tinh thần học hỏi suốt đời, không chỉ dừng lại trong một lĩnh vực chuyên môn hẹp. Vì vây, vấn đề đào tạo nâng cao rất được nước Đức coi trọng. Các đối tác Đức sẵn sàng phối hợp để giúp Việt Nam đào tạo đội ngũ luật gia, luật sư để phục vụ công cuộc cải cách pháp luật, cải cách tư pháp.
P.N
Dự kiến, ngày 7/10/2011, Tọa đàm đánh giá hiệu quả Chương trình hơp tác 3 năm và thảo luận việc xây dựng Chương trình hợp tác giai đoạn tiếp theo sẽ được tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của đại diện Bộ Tư pháp Liên bang Đức, tất cả các cơ quan tham gia thực hiện Chương trình và các cơ quan, tổ chức tiềm năng tham gia hoặc quan tâm
Ngoài việc thảo luận và thống nhất dự thảo Báo cáo đánh giá do chuyên gia độc lập thực hiện, nội dung Tọa đàm sẽ tập trung vào thảo luận về dẹ kiến chương trình hợp tác đối thoại nhà nước pháp quyền giai đoạn tiếp theo: nội dung lĩnh vực hợp tác, số lượng hoạt động toàn giai đoạn và cho mỗi năm, lựa chọn các đối tác phù hợp, phương thức điều phối hiệu quả, dự kiến và đảm bảo kinh phí thực hiện...
Chương trình hợp tác cho giai đoạn tiếp theo thực hiện Tuyên bố chung giữa hai Chính phủ sẽ được bảo đảm bằng việc ký kết một Nghị định thư chung. |