Dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm", đưa thể chế, pháp luật trở thành lợi thế cạnh tranh

02/05/2025
Dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm", đưa thể chế, pháp luật trở thành lợi thế cạnh tranh
“Đổi mới tư duy, định hướng xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực phát triển” là một trong các nhiệm vụ được Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới đặt ra. ​
Bộ Chính trị nhận định, thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và thi hành pháp luật, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tư duy, nhận thức lý luận về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa không ngừng được hoàn thiện.

Tuy nhiên, công tác xây dựng và thi hành pháp luật còn nhiều hạn chế, bất cập. Một số chủ trương, định hướng của Đảng chưa được thể chế hoá kịp thời, đầy đủ. Tư duy xây dựng pháp luật trong một số lĩnh vực còn thiên về quản lý. Chất lượng pháp luật chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn.

Tổ chức thực thi pháp luật vẫn là khâu yếu, thiếu cơ chế phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả. Chậm nghiên cứu, ban hành chính sách, pháp luật điều chỉnh những vấn đề mới, chưa tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi để thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.

Để làm được điều này, một trong các giải pháp được Bộ Chính trị chỉ ra là “Đổi mới tư duy, định hướng xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực phát triển”.

Theo đó, Bộ Chính trị yêu cầu công tác xây dựng pháp luật phải thể chế hoá đầy đủ, đúng đắn, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, xuất phát từ lợi ích toàn cục của đất nước, đưa thể chế, pháp luật trở thành lợi thế cạnh tranh, dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm"; phát huy dân chủ, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân, bảo đảm sự cân đối, hợp lý giữa mức độ hạn chế quyền với lợi ích chính đáng đạt được.

Coi trọng, chủ động nghiên cứu chiến lược, chính sách từ sớm, từ thực tiễn, từ kinh nghiệm của thế giới, góp phần tăng cường tính dự báo và nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật. Bảo đảm quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật dân chủ, chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả, phân định rõ quy trình xây dựng chính sách và quy trình soạn thảo văn bản; từng bước thực hiện soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật tập trung, chuyên nghiệp.
Công tác xây dựng pháp luật phải thể chế hoá đầy đủ, đúng đắn, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, xuất phát từ lợi ích toàn cục của đất nước, đưa thể chế, pháp luật trở thành lợi thế cạnh tranh ( Hình minh hoạ: Sản xuất tại Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông/ VGP).

Các hoạt động tổng kết, khảo sát thực tiễn, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, đánh giá tác động chính sách, lựa chọn chính sách phải được thực hiện kỹ lưỡng, thực chất, khoa học. Đẩy mạnh truyền thông chính sách, nhất là các chính sách có tác động lớn đến xã hội, người dân, doanh nghiệp. Thực hiện nghiêm túc cơ chế tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của các đối tượng chịu sự tác động, không đẩy khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong thiết kế chính sách và xây dựng pháp luật.

Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo hướng xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi, thông thoáng, minh bạch, an toàn, chi phí tuân thủ thấp; triệt để cắt giảm, đơn giản hoá điều kiện đầu tư, kinh doanh, hành nghề, thủ tục hành chính bất hợp lý, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh ổn định.

Tạo cơ sở pháp lý để khu vực kinh tế tư nhân tiếp cận hiệu quả các nguồn lực về vốn, đất đai, nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu; hỗ trợ thực chất, hiệu quả doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Khẩn trương sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật đáp ứng yêu cầu thực hiện chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính, gần với phân cấp, phân quyền tối đa theo phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm" và việc cơ cấu lại không gian phát triển mới ở từng địa bàn.

Ưu tiên nguồn lực hỗ trợ pháp lý cho khu vực kinh tế tư nhân. Nghiên cứu hình thành chế định luật sư công và cơ chế có điều kiện cho phép viên chức được hành nghề luật sư, bảo đảm việc công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tải phù hợp với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Quang Minh