So với Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) hiện hành, dự thảo Luật XLVPHC có rất nhiều quy định mới liên quan đến việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật hành chính của người chưa thành niên (NCTN). Nhưng theo các đại biểu tham dự hội thảo góp ý vào dự thảo Luật do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 16/9 thì vẫn còn một số điểm cần tiếp tục cân nhắc.
Phải đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm
Nhằm thể chế hóa sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về việc giáo dục NCTN vi phạm pháp luật, dự thảo Luật XLVPHC đã quy định việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật hành chính của NCTN thành một phần riêng (tương tự Bộ luật Hình sự). Trong đó có nhấn mạnh đến 6 nguyên tắc xử lý vi phạm với NCTN như việc xử lý chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội, cần quan tâm hàng đầu đến lợi ích tốt nhất của NCTN; việc XLHC với NCTN được thực hiện chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ và tính chất của hành vi vi phạm, đặc điểm về nhân thân, khả năng nhận thức của NCTN về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi, nguyên nhân và hoàn cảnh vi phạm; bí mật riêng tư của NCTN phải được tôn trọng và bảo vệ trong quá trình xem xét áp dụng biện pháp nhằm tránh những tổn hại có thể gây ra đối với NCTN…
Cơ bản tán thành những nguyên tắc trên song ông Nguyễn Mạnh Cường (Viện Nghiên cứu lập pháp, Văn phòng Quốc hội) kiến nghị, dự thảo Luật cần bổ sung một số điểm để bảo đảm tính khả thi, tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam cũng như yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm. Theo ông Cường, những năm gần đây, tình hình vi phạm pháp luật và tính chất phức tạp của hành vi vi phạm của NCTN ngày càng gia tăng thì nên chăng có thể áp dụng biện phạm tạm giữ hành chính với họ trong một số trường hợp như cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác.
“Nếu luật sư cho rằng “lợi ích tốt nhất” là không xử lý NCTN thì có được không. Vì vậy, phải hiểu được thế nào là “lợi ích tốt nhất”, thế nào là “được quan tâm hàng đầu”, nếu không, dễ gây ra khiếu nại kéo dài. Hay nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ bí mật riêng tư của NCTN, ở góc độ nào đó có thể ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa vi phạm đối với NCTN” – ông Cường đặt vấn đề.
Phải công bằng, không phân biệt đối xử
Bà Nguyễn Thanh Trúc (UNICEF tại Việt Nam) cũng rất đồng tình với những điểm tiến bộ, phù hợp với chuẩn mực quốc tế về tư pháp NCTN của dự thảo Luật như không áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng đối với NCTN từ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi, bỏ biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh… Nhưng bà Trúc lưu ý cần tiếp tục xem xét việc áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng đối với NCTN không có nơi cư trú nhất định. “Nếu dự thảo Luật quy định một số trường hợp NCTN không có nơi cư trú nhất định thì sẽ áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng là vi phạm nguyên tắc không phân biệt đối xử. Do đó, UNICEF khuyến nghị đưa nhóm trẻ khỏi phạm vi áp dụng của dự thảo Luật, cân nhắc áp dụng các biện pháp khác như giáo dục tại xã phường thị trấn, kết hợp với bố trí nơi cư trú cho các em” - bà Trúc nói.
Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự Hành chính (Bộ Tư pháp) Nguyễn Quốc Việt cũng khẳng định, việc bổ sung hình thức xử phạt buộc lao động phục vụ cộng đồng với NCTN là chưa rõ ràng, minh bạch khi mà dự thảo Luật lại đề cao phải ưu tiên hình thức xử phạt cảnh cáo với họ. Ông phân tích: “Sẽ có trường hợp, ngoài phạt cảnh cáo, NCTN còn bị áp dụng biện pháp buộc lao động phục vụ cộng đồng. Thế thì có công bằng với họ hay không?”.
Biện pháp xử lý chuyển hướng - để không tiêu cực
Cũng theo dự thảo Luật: “Khi xem xét xử lý, nếu thấy không cần thiết phải XLVPHC đối với NCTN VPHC thì người có thẩm quyền áp dụng một trong các biện pháp thay thế”. Việc quy định các biện pháp thay thế việc XLVPHC đối với NCTN (pháp luật quốc tế gọi là xử lý chuyển hướng) cũng được đa số đại biểu ủng hộ.
Tuy nhiên, ông Cường khẳng định: Khái niệm “nếu thấy không cần thiết” là không rõ ràng, dễ dẫn đến tình trạng tùy tiện, không thống nhất trong áp dụng, thậm chí có thể nảy sinh tiêu cực khi tùy thuộc vào sự quyết định của người có thẩm quyền. Ông Cường đề xuất, trong trường hợp này, dự thảo Luật phải quy định trình tự thủ tục, chứ không thể căn cứ vào ý chí chủ quan của người có thẩm quyền.
Bà Trúc cho rằng, dự thảo Luật cần nêu rõ việc NCTN hoàn thành biện pháp xử lý chuyển hướng sẽ đồng nghĩa với việc kết thúc vụ việc hành chính. Ngoài ra, thay vì là một hình thức xử phạt VPHC, biện pháp buộc lao động phục vụ cộng đồng là một biện pháp xử lý chuyển hướng. “Có như thế mới dễ dàng tạo sự đồng thuận của NCTN và gia đình. Biện pháp này cũng không còn mang tính ép buộc nữa như một số nước đã đưa NCTN vào làm việc tại bệnh viện, phục vụ những người bị tai nạn giao thông” - bà Trúc lý giải.
Cẩm Vân