Chiều ngày 10/02, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh chủ trì Hội đồng thẩm định đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Cùng dự có Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy.
Trong thời gian gần đây, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản, trong đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo như: Có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững (quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII). Đại hội XIII cũng xác định nhiệm vụ: Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy.
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia cũng đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp có tính cách mạng để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nhiều cơ chế, chính sách đột phá, quan trọng với mục tiêu đưa khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.
Thông qua việc rà soát các chủ trương, đường lối của Đảng tại các văn bản, Bộ Khoa học và Công nghệ nhận thấy có nhiều nội dung chưa phù hợp hoặc chưa được thể chế hóa tại các văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, trong bối cảnh khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò then chốt trong sự phát triển kinh tế - xã hội, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm thúc đẩy lĩnh vực này là yêu cầu cấp thiết.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long.
Đồng thời, trong quá trình triển khai thi hành pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, một số nội dung chưa phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn nhằm phát triển khoa học công nghệ, phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội là cần thiết để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đồng bộ hóa các quy định pháp luật, tháo gỡ các vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhằm thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Việc xây dựng Nghị quyết nhằm thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, từ đó để tác động một cách tích cực, đưa hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực để hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đạt mục tiêu kép của quốc gia vào năm 2030 và 2045 như Đại hội XIII đã đề ra.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho ý kiến tại phiên họp.
Cho ý kiến về nội dung của dự thảo Nghị quyết, liên quan đến quy định về đấu thầu tại Điều 14, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, trong trường hợp ưu đãi đầu tư thấp hơn so với Nghị quyết đặc thù hiện hành thì không áp dụng theo Nghị quyết này mà được tiếp tục thực hiện theo quy định hiện hành. Đại diện Bộ Công thương cũng đề nghị cân nhắc bổ sung chính sách quy định ưu đãi mua sắm, chỉ định quyền sử dụng hoặc sử dụng các sản phẩm, công nghệ trong các hoạt động mua sắm đầu tư công của Chính phủ; bổ sung các ưu đãi được hưởng đối với các nhà thầu được lựa chọn…
Các đại biểu cho ý kiến tại phiên họp.
Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Tạ Minh Tuấn cho rằng, đối với Điều 3 về giải thích từ ngữ cần bổ sung một số thuật ngữ như "hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo", "tổ chức khoa học, công nghệ". Đối với Điều 4, quy định về cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập, Phó Chủ tịch Viện
Hàn Lâm Khoa học xã hội đề nghị bổ sung cụm từ "Chính phủ quy định chi tiết Điều này".
Tại Khoản 1, Điều 6 liên quan đến nội dung khoán chi, ông
Tạ Minh Tuấn đề nghị bổ sung quy định "tổ chức Khoa học và Công nghệ quy định..." để rõ ràng hơn. Đối với Điều 11, cần bổ sung một số chính sách ưu đãi đối với nguồn nhân lực khoa học và công nghệ là người Việt Nam (bao gồm cả người Việt Nam ở nước ngoài), về các vấn đề như tuyển dụng, xếp lương, quy hoạch, bổ nhiệm và điều kiện làm việc. Đồng thời, ông cũng cho rằng cần bổ sung quy định thí điểm cho phép doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới và mô hình kinh doanh mới dưới sự kiểm soát của Nhà nước.
Ngoài ra, các đại biểu tham dự phiên họp cũng cho ý kiến về việc sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ chi cho nghiên cứu, khảo sát để xây dựng thuyết minh nhiệm vụ khoa học và công nghệ; đăng ký và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; công bố kết quả nghiên cứu khoa học, khen thưởng, giải thưởng khoa học và công nghệ,...
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh đánh giá cao ý kiến góp ý của các đại biểu về nội dung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, chỉ quy định trong Nghị quyết những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Thứ trưởng cho rằng, các trường hợp không áp dụng quy trình, thủ tục quy định tại Luật Đấu thầu quy định tại Điều 14 của dự thảo Nghị quyết cần được giới hạn phạm vi áp dụng, tiêu chí đối với những trường hợp cụ thể, có tính chất thật sự cần thiết. Tương tự, đối với các nhà thầu được hưởng ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu, cũng cần quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về các tiêu chí áp dụng.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh.
Về tổ chức đổi mới sáng tạo, tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo quy định tại Điều 24 của dự thảo Nghị quyết, Thứ trưởng đề nghị bổ sung áp dụng một số chính sách cho hoạt động mua sắm đấu thầu phục vụ các dự án chuyển đổi số. Điều này cũng cần được quy định rõ về giới hạn, phạm vi, tiêu chí áp dụng chính sách dựa trên những đánh giá thực tế, khách quan về kinh nghiệm, trách nhiệm đối với tổ chức đổi mới sáng tạo, tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo và các tổ chức, cá nhân liên quan.
Về sử dụng kết quả khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Thứ trưởng cho rằng cần quy định rõ ràng, dễ hiểu hơn; đồng thời đề xuất hình thành cơ chế áp dụng phương thức hợp đồng nghiên cứu, sử dụng, phát triển ứng dụng…
Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần bổ sung 1 số điều khoản về tổ chức thực hiện. Đây là lĩnh vực mang tính đặc thù nên cần được quản lý theo phương thức đặc thù. Cụ thể, cần có quy định về trách nhiệm của tổ chức khoa học công nghệ và cơ quan chủ quản của tổ chức có sử dụng ngân sách nhà nước; quy định về trách nhiệm hậu kiểm của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về thực hiện các cơ chế đó.
Dự thảo Nghị quyết được bố cục thành 25 điều với những nội dung cơ bản sau:
(i) Về tổ chức, nhân lực:
- Cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.
- Ưu đãi đối với nhân lực khoa học và công nghệ là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
(ii) Về đầu tư, tài chính:
- Về chi ngân sách nhà nước cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
- Liên quan đến đấu thầu.
- Cơ chế khuyến khích mua sắm công đối với sản phẩm khoa học và công nghệ trong nước.
- Liên quan đến các quỹ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.
(iii) Về tài sản, kết quả hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ:
- Tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.
(iv) Thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và phát triển thị trường:
- Ưu đãi cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo.
- Đầu tư của doanh nghiệp khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
- Ưu đãi thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
- Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.
- Ưu đãi thuế thu nhập cá nhân.
- Ưu đãi cho chuyển giao công nghệ.
|
Thu Nga