Ngày 17/01, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định dự thảo Luật Tình trạng khẩn cấp. Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh chủ trì phiên họp.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống pháp luật về tình trạng khẩn cấp
Phát biểu tại phiên họp, đồng chí Đại tá Phạm Hải Châu, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - cứu nạn, Bộ Quốc phòng cho biết, kể từ khi có Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp và một số đạo luật chuyên ngành, Việt Nam chưa từng ban bố tình trạng khẩn cấp. Ngay trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 với cơ sở của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm nhưng Việt Nam cũng chưa ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh, tuy nhiên một số biện pháp của tình trạng khẩn cấp đã được áp dụng để ứng phó với tình hình dịch bệnh. Thực tiễn áp dụng pháp luật trong phòng, chống dịch COVID-19 có ý nghĩa quan trọng đối với việc đánh giá, hoàn thiện pháp luật về phòng, chống dịch bệnh nói chung và pháp luật về tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh nói riêng.
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh chủ trì phiên họp.
Từ những cơ sở trên, việc xây dựng, ban hành Luật Tình trạng khẩn cấp là cần thiết để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống pháp luật về tình trạng khẩn cấp; tạo lập cơ sở pháp lý cho thi hành pháp luật nhằm tăng cường tính chủ động trong việc ứng phó, khắc phục kịp thời, hiệu quả trường hợp xảy ra tình huống khẩn cấp, góp phần bảo vệ Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Đại tá Phạm Hải Châu, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - cứu nạn, Bộ Quốc phòng trình bày tóm tắt nội dung Tờ trình.
Xác định đúng, trúng, đủ phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật
Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đã trao đổi, cho ý kiến về nội dung dự thảo Luật. Đại diện Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc hội cho biết, trong bối cảnh đổi mới tư duy xây dựng pháp luật hiện nay, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cắt giảm tối đa các nội dung về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Chương về quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, dự thảo Luật này có liên quan đến nhiều Luật khác như Luật Phòng chống thiên tai; Luật An ninh quốc gia; Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm… Vì vậy, đồng chí đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo trong hệ thống pháp luật.
Đại diện Văn phòng Chính phủ.
Nhất trí với ý kiến của đại diện Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc hội, đại diện Văn phòng Chính phủ bổ sung thêm, hiện cơ quan chủ trì soạn thảo đang xác định nội hàm của tình trạng khẩn cấp theo hướng liệt kê khách thể; từ đó “khoanh vùng” phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. Cách xác định này dẫn tới việc nếu thực hiện không đủ khách thể thì phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, theo đồng chí, cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu cách thức khác để định nghĩa khái niệm tình trạng khẩn cấp, trên cơ sở đó xác định đúng, trúng, đủ phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật để Luật thực sự chất lượng, đi vào cuộc sống.
Phải quy định rõ biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân
Đại diện Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh, dự thảo Luật Tình trạng khẩn cấp có liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân. Vấn đề hạn chế quyền con người, quyền công dân được quy định trong Hiến pháp do dự thảo Luật này trực tiếp điều chỉnh và tác động. Vì vậy, theo đồng chí, về mặt kỹ thuật lập pháp, nên lấy hệ thống nguyên tắc làm một trong những chế định trung tâm khi xây dựng luật này. Với tinh thần đó, đồng chí đề xuất cơ quan chủ trì soạn thảo tập trung những quy định về nguyên tắc (hiện đang rải rác trong dự thảo Luật) thành một Chương để phản ánh được tinh thần Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Đồng thời, giúp cơ quan nhà nước xác định các biện pháp được tiến hành và người dân có thể làm gì trong tình trạng khẩn cấp.
Đại diện Bộ Công an.
Đại diện Bộ Công an nhấn mạnh việc áp dụng các biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân là vấn đề cốt lõi đã được quy định trong Hiến pháp. Vì vậy, dự thảo Luật phải quy định rõ, cụ thể hoá các biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân là gì; trình tự, thủ tục, trường hợp nào được áp dụng và thẩm quyền áp dụng biện pháp hạn chế này để bảo đảm người có thẩm quyền thực hiện đúng và chịu sự giám sát của Nhân dân.
Về việc xác định thế nào là tình trạng khẩn cấp, đại diện Bộ Công an cho biết, dự thảo chưa có tiêu chí định lượng cụ thể để xác định các trường hợp, cấp độ, phạm vi tình trạng khẩn cấp mà chỉ quy định các biện pháp được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp khi có thảm họa (Điều 13), khi có dịch bệnh nguy hiểm lây lan rộng (Điều 14), về an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội (Điều 15), về quốc phòng (Điều 16). Đồng chí đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung nội dung này để làm căn cứ xác định cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định ban bố, công bố tình trạng khẩn cấp.
Đại diện Bộ Nội vụ.
Ngoài ra, các thành viên Hội đồng thẩm định cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung phân cấp cấp độ khẩn cấp để xác định cấp độ khẩn cấp nào thì trao quyền cho chủ thể nào; rà soát các quy định về thẩm quyền của các chủ thể liên quan; bổ sung thêm ý kiến của một số cơ quan trực tiếp liên quan đến dự thảo Luật như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Toà án nhân dân tối cao, Tổng cục Thi hành án dân sự…
Bộ Tư pháp sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định và khẩn trương hoàn thiện Báo cáo thẩm định theo quy định.
Dự thảo Luật Tình trạng khẩn cấp gồm 6 Chương, 41 Điều, tập trung vào 02 chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 118/NQ-CP, gồm:
- Chính sách 1: Biện pháp áp dụng tình trạng khẩn cấp, thẩm quyền tổ chức, chỉ đạo, điều hành và quyết định áp dụng các biện pháp đặc biệt của một số chủ thể trong TTKC.
- Chính sách 2: Các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp; cứu trợ, hỗ trợ người dân ứng phó với thảm họa trong và sau tình trạng khẩn cấp. |
Anh Thư - Trung tâm Thông tin