Ngày 16/01, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp báo và gặp mặt báo chí nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025. Tham dự Chương trình có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, Chánh Văn phòng Bộ Đỗ Xuân Quý.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; sự đoàn kết, trách nhiệm, kịp thời, nỗ lực của toàn ngành, từ kết quả thống kê cho thấy, kết quả công tác năm 2024 trên hầu hết các lĩnh vực của Bộ, ngành Tư pháp đều tăng so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, có một số lĩnh vực công tác đạt kết quả nổi bật.
Toàn cảnh họp báo.
Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ
Công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật là lĩnh vực được Bộ, ngành Tư pháp xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và dành nhiều thời gian, nguồn lực để tham mưu, cụ thể hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tham gia có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề khó khăn, phức tạp phát sinh, góp phần tháo gỡ vướng mắc kìm hãm sự phát triển, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, Bộ, ngành Tư pháp đã kịp thời nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội đề xuất các giải pháp đổi mới công tác xây dựng pháp luật theo tư tưởng chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là tập trung triển khai chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về “đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm”.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh (phải) và Chánh Văn phòng Bộ Đỗ Xuân Quý (trái).
Trong năm, Bộ Tư pháp phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành tham mưu Chính phủ tiếp tục dành nhiều thời gian để thảo luận, bàn về công tác pháp luật tại các Phiên họp Chính phủ thường kỳ và 11 Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; giúp Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; thông qua 28 luật tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Kỳ họp thứ 7, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Riêng tại Bộ Tư pháp đã chủ trì, xây dựng, trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua 03 luật, 01 nghị quyết tại Kỳ họp thứ 7 và Kỳ họp thứ 8.
Kết quả thi hành án dân sự năm 2024 đạt mức cao nhất từ trước đến nay
Công tác thi hành án dân sự (THADS), theo dõi thi hành án hành chính (THAHC), đạt được nhiều kết quả nổi bật, như: tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến công tác THADS, THAHC; thể chế THADS tiếp tục được hoàn thiện; phối hợp xây dựng, trình Bộ Chính trị ban hành Quy định số 183-QĐ/TW ngày 18/9/2024 quy định bảo vệ các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực thi công vụ trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; công tác phối hợp với các bộ, ngành và cấp ủy địa phương tiếp tục được thực hiện kịp thời, chặt chẽ, đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến địa phương, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thi hành án, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác THADS... nhờ đó, kết quả THADS năm 2024 đạt mức cao nhất từ trước đến nay, nhất là thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Đồng chí Đỗ Xuân Quý, Người phát ngôn, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác chuyên môn
Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc cho người dân được tăng cường, nhất là thực hiện các dịch vụ công trực tuyến liên thông về khai sinh, khai tử, xác nhận tình trạng hôn nhân; thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID; đăng ký giao dịch bảo đảm trực tuyến; việc sử dụng văn bản điện tử, chữ ký số thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia được thực hiện đồng bộ, mang lại nhiều tiện ích, tiết kiệm thời gian và chi phí; việc thực hiện cải cách hành chính và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ISO trong công tác chuyên môn, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân, doanh nghiệp được quan tâm chú trọng, tăng cường; việc rà soát, đơn giản hóa TTHC được Lãnh đạo Bộ chỉ đạo quyết liệt.
Các mặt công tác khác như: hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; quản lý nhà nước về con nuôi; đăng ký biện pháp bảo đảm; bồi thường nhà nước; bổ trợ tư pháp; trợ giúp pháp lý; hợp tác quốc tế; …. đều đạt những kết quả đáng ghi nhận.
Chủ động truyền thông chính sách và thông tin hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp
Phát biểu tại họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh trân trọng cảm ơn các cơ quan báo chí đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong việc truyền thông chính sách, thông tin về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp.
Thứ trưởng cho biết, năm 2024 có nhiều sự kiện chính trị, pháp lý, đòi hỏi Bộ, ngành Tư pháp phải nỗ lực, cố gắng hoàn thiện nhiệm vụ được giao. Trong đó có thể kể đến việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để thành lập, triển khai hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo rà soát và tổ chức thực hiện việc xử lý vướng mắc trong hệ thống pháp luật (trước đây là Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) nhằm rà soát, xác định vướng mắc, bất cập trong các quy định pháp luật, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội. Một trong những kết quả của hoạt động này là Bộ Tư pháp đã đề xuất Chính phủ trình Quốc hội thông qua luật sửa 4 luật về kế hoạch đầu tư, luật sửa 9 luật về tài chính; đồng thời đẩy sớm thời gian có hiệu lực của Luật Đất đai – đạo luật được xem là hết sức cần thiết để thúc đẩy hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Các luật này đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo cơ quan báo chí và có ý nghĩa quan trọng với xã hội.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng xác định xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong ba đột phá chiến lược của Đảng. Với tinh thần trên, số lượng luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua trong năm 2024 nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ tới nay. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của Bộ, ngành Tư pháp, pháp chế các ngành trong công tác soạn thảo, thẩm định văn bản.
Đồng thời, thực hiện chủ trương của Lãnh đạo Bộ, Bộ Tư pháp đã mở nhiều đợt cao điểm truyền thông về: Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; những tư tưởng lớn của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm trong phát huy tính Đảng trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; những đổi mới trong công tác xây dựng pháp luật; công tác thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy, trong đó có việc xây dựng Nghị quyết Quốc hội về xử lý các vấn đề phát sinh liên quan tổ chức bộ máy… để tạo sự thống nhất, đồng thuận trong xã hội.
Ngoài ra, thực hiện chủ trương đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo sự chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Tư pháp đã kịp thời phối hợp với cơ quan báo chí tổ chức các hội thảo, toạ đàm trao đổi, chia sẻ. Qua đó tiếp thu các ý kiến và thể hiện ở các đạo luật đã được Quốc hội thông qua và ở dự thảo Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi) – Đạo luật được kỳ vọng sẽ tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế. Thứ trưởng khẳng định, những kết quả trên của Bộ, ngành Tư pháp không thể thiếu sự đóng góp, đồng hành của các cơ quan báo chí.
Tăng cường tính Đảng của báo chí cách mạng
Năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng; là năm tập trung tổ chức đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; đồng thời là năm có nhiều sự kiện trọng đại của Đảng, Nhà nước và của ngành Tư pháp, trong đó có kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp. Trong bối cảnh đó, Thứ trưởng cho biết, Bộ Tư pháp mong muốn cơ quan báo chí tiếp tục quan tâm, truyền thông các hoạt động của Bộ, ngành, đặc biệt là các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp, trong đó có Giải Báo chí toàn quốc về ngành Tư pháp lần thứ 1.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu tại họp báo.
Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông chính sách pháp luật theo Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách và Quyết định số 407/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng VBQPPL giai đoạn 2022 – 2027”. Tập trung truyền thông một số hoạt động chính như Thông báo số 108-TB/VPTW về kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp với trọng tâm là quá trình nghiên cứu, xây dựng, thực thi chỉ thị của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới xây dựng, hoàn thiện thể chế.
Đồng hành cùng Bộ, ngành Tư pháp đưa tin kịp thời về việc thực hiện, tác động, kết quả và giải pháp nâng cao hiệu quả xây dựng, hoàn thiện thể chế ở tầm quốc gia và ở các bộ, ngành. Thứ trưởng cũng lưu ý, dự thảo Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi) có nhiều quy định mới, thể hiện tư tưởng mới về phân cấp, phân quyền, bảo đảm quyền lực nhà nước được vận hành một cách hiệu quả, hạn chế cấp trung gian, phát huy vai trò của pháp chế địa phương trong tham mưu xây dựng pháp luật; đổi mới quy trình lập pháp, lập quy vừa khoa học, chặt chẽ vừa linh hoạt, gắn với nhu cầu hoàn thiện thể chế... Đây đều là những khía cạnh có nhiều dư địa để các cơ quan báo chí khai thác chuyên sâu, truyền thông rộng rãi.
Tiếp tục quan tâm, kịp thời đưa tin về các nội dung các mặt quản lý nhà nước của Bộ, ngành Tư pháp như hành chính tư pháp, chuyển đổi số, bổ trợ tư pháp, thi hành án dân sự…
Về phía các đơn vị thuộc Bộ, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị chủ động hơn nữa trong công tác truyền thông, báo chí; cung cấp đầy đủ, nhanh chóng các thông tin khi cơ quan báo chí cần. “Truyền thông phải xuất phát từ đơn vị chuyên môn”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Đối với Báo Pháp luật Việt Nam, Thứ trưởng yêu cầu Báo phát huy hơn nữa vai trò cơ quan truyền thông chủ lực của Bộ Tư pháp, chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí khác trong truyền thông hoạt động của Bộ, ngành; đồng thời tăng cường tính Đảng của báo chí cách mạng trong việc xây dựng nội dung tin bài hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp.
Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh gửi tới các nhà báo, phóng viên, cơ quan báo chí lời chúc mừng năm mới và mong công tác báo chí, truyền thông ngày càng đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.