Kiến tạo, đột phá, khơi thông mạnh mẽ các nguồn lực để phát triển đô thị trong kỷ nguyên mới

14/01/2025
Kiến tạo, đột phá, khơi thông mạnh mẽ các nguồn lực để phát triển đô thị trong kỷ nguyên mới
Ngày 14/01, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp Hội đồng thẩm định dự án Luật Quản lý phát triển đô thị. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng chủ trì phiên họp. Phiên họp có sự tham dự của đồng chí Nguyễn Việt Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng và đồng chí Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV. Tham dự phiên họp còn có còn có các thành viên Hội đồng thẩm định là đại diện các bộ, ngành có liên quan và đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.
05 vấn đề quan trọng, là cơ sở để xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị
Báo cáo tại phiên họp, đồng chí Trần Quang Thái, Cục trưởng Cục phát triển đô thị, Bộ Xây dựng cho biết, dựa trên cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế và yêu cầu của thực tiễn phát triển đất nước trong giai đoạn mới như hiện nay cho thấy, việc nghiên cứu, xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị là hết sức cần thiết, để kịp thời thể chế hóa các chủ trương, định hướng, sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, phát triển đô thị và hạ tầng đô thị. Trong đó, dự án Luật Quản lý phát triển đô thị đã thể chế hoá định hướng lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Nghị quyết số 06-NQ/TW); đáp ứng 05 yêu cầu chính sách của Quốc hội đã thông qua; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật... Đồng thời, dự án Luật này được đề xuất, xây dựng nhằm tiếp thu các tiến bộ khoa học công nghệ, xu thế mới của thế giới, phát huy tiềm năng của các đô thị, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. 


Đồng chí Trần Quang Thái, Cục trưởng Cục phát triển đô thị, Bộ Xây dựng báo cáo tại phiên họp.
 
Dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị có 07 Chương, 7 Mục với 61 Điều; được đề xuất, xây dựng trên cơ sở 05 quan điểm sau:
Một là, thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng và phát triển bền vững đô thị Việt Nam và nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, xây dựng hệ thống quy phạm pháp luật trong giai đoạn hiện nay.
Hai là, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ và hiệu lực của hệ thống pháp luật. Kế thừa, phát huy và luật hóa các quy định đã được chứng minh là phù hợp, có hiệu quả trong thực tiễn. Tham khảo có chọn lọc quy định pháp luật của một số quốc gia và tổ chức quốc tế trên thế giới phù hợp với thực tiễn tình hình phát triển của Việt Nam và xu thế hội nhập quốc tế.
Ba là, phát triển hệ thống đô thị bền vững theo mạng lưới, phân bổ hợp lý, phù hợp với từng vùng, miền; phát triển kết cấu hạ tầng đô thị phải đi trước, đồng bộ với nhu cầu dân cư và việc làm trên toàn đô thị và theo khu vực trong từng giai đoạn phát triển, bảo đảm cung cấp dịch vụ hạ tầng; đô thị hình thành mới, phát triển mở rộng, cải tạo chỉnh trang, tái thiết có trật tự, theo quy hoạch và có kế hoạch, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị bền vững; khuyến khích phát triển không gian ngầm đô thị; bảo vệ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên tự nhiên, nhất là tài nguyên đất đai; giữ gìn và phát huy giá trị đặc trưng, bản sắc văn hóa.
Bốn là, tạo điều kiện, tiền đề để từng bước phát triển các đô thị theo hướng đô thị xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và dịch bệnh, ứng dụng đô thị thông minh; hình thành và phát triển đô thị đáng sống đối với cư dân và hấp dẫn đối với nhà đầu tư, có vai trò, vị thế động lực dẫn dắt phát triển kinh tế - xã hội.
Năm là, đề cao vai trò trách nhiệm chính quyền các đô thị, cộng đồng dân cư và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia quản lý phát triển đô thị, thực hiện phân cấp, phân quyền và ứng dụng chuyển đổi số, hiện đại hóa để nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về phát triển đô thị.
Tăng cường phân cấp, phân quyền từ Trung ương đến địa phương trong việc quản lý, phát triển đô thị
Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã trao đổi, thảo luận, góp ý về các nội dung liên quan tới Tờ trình và dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị. Trong đó, đại diện Bộ Nội vụ cho biết, trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng Luật phải bám sát quan điểm, chỉ đạo mới của Đảng, Nhà nước về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, trong đó lưu ý Luật chỉ quy định những nội dung mang tính khung, nguyên tắc, thuộc thẩm quyền Quốc hội; những nội dung mang tính chuyên ngành, kỹ thuật, dễ biến động thì giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, địa phương quy định. Đồng thời yêu cầu tăng cường phân cấp, phân quyền từ Trung ương đến địa phương. Do đó, đồng chí đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bám sát các chỉ đạo này trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị và phối hợp với Bộ Nội vụ rà soát nội dung dự thảo Luật này với dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đang do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo.


Đại diện Bộ Nội vụ phát biểu tại phiên họp.

 
Về nội dung cụ thể của dự thảo Luật, đồng chí cho biết, hiện dự thảo Luật quy định UBND cấp tỉnh ban hành hoặc phân cấp cho UBND cấp huyện quy định một số nội dung. Tuy nhiên, theo đồng chí, không nên giới hạn việc phân cấp trong Luật này mà nên chủ động để cấp nào giải quyết hợp lý hơn thì phân cho cấp đó. Ngoài ra, đồng chí cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát các quy định liên quan đến UBND cấp tỉnh ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành; làm rõ loại đơn vị hành chính cấp huyện nào phải phát triển ít nhất một đô thị đóng vai trò là trung tâm tổng hợp hoặc trung tâm chuyên ngành của huyện…


Đại diện Bộ Công an phát biểu tại phiên họp.
 
Ngoài ra, đại diện Bộ Công an nhấn mạnh, dự thảo Luật này có tính chất quan trọng, bao trùm sự phát triển kinh tế - xã hội, từng bước tiến đến phát triển hiện đại, bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu. Đặc biệt, thời gian gần đây, Chính phủ có chỉ đạo và đã lập nhóm công tác chuyên đề xây dựng khu đô thị sinh thái ven biển ứng phó biến đổi khí hậu. Đồng chí cho biết, tuy khái niệm đô thị sinh thái, đô thị thông minh thích ứng biến đổi khí hậu đã được sử dụng trong chỉ tiêu, tiêu chuẩn, tiêu chí về đánh giá phân loại đô thị của Bộ Xây dựng nhưng vẫn còn chưa rõ nét trong dự thảo Luật. Vì vậy, đồng chí đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục bổ sung, củng cố nội dung này.
Ngoài ra, nước ta định hướng phát triển nhiều công trình hạ tầng hiện đại như các công trình xử lý nước thải, thoát nước, công trình giao thông đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao, các bãi đỗ xe ngầm và chung cư đỗ xe. Việc kết nối các công trình ngầm này với nhau là rất quan trọng. Do đó, đồng chí cho rằng các quy định về quản lý phát triển ngầm, không gian ngầm cần chặt chẽ trong dự thảo Luật và các văn bản hướng dẫn sau này để tránh chồng chéo; đồng thời có thể nghiên cứu thêm về quy định giải quyết tranh chấp, xung đột (nếu có) giữa các công trình ngầm.


Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng phát biểu tại phiên họp.
 
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng khẳng định, Bộ Xây dựng sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các đại biểu tham dự; đồng thời có sự rà soát, báo cáo, giải trình cho từng vấn đề để hoàn thiện hơn nữa dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị.
Kiến tạo, đột phá, khơi thông mọi nguồn lực để quản lý, phát triển đô thị trong kỷ nguyên mới 
Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đánh giá cao Bộ Xây dựng – Cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc chuẩn bị tài liệu, hồ sơ dự án Luật Quản lý phát triển đô thị; dự án Luật này đã bám sát các quan điểm, chủ trương của Đảng; bám sát các chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước về phát triển đô thị. Về chính sách, hồ sơ dự án Luật này cơ bản đã bám sát các chỉ đạo theo Nghị quyết số 05/NQ-CP của Chính phủ ngày 05/01/2024. 


Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng phát biểu kết luận phiên họp.
 
Thứ trưởng nhấn mạnh, trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, cơ quan chủ trì soạn thảo cần phải nghiên cứu, thể hiện mạnh mẽ hơn nữa các nội dung liên quan đến kiến tạo, khuyến khích phát triển, khơi thông nguồn lực tại dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị. Tính kiến tạo đã được chỉ đạo và nêu rõ trong Nghị quyết số 06-NQ/TW và một số Nghị quyết khác. Qua đó, Thứ trưởng đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo cần bổ sung thêm các cơ chế ưu đãi, đơn giản hóa các quy trình, thủ tục để giải phóng nguồn lực trong việc phát triển đô thị. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cần xác định tính kiến tạo chính là một sự đột phá của dự án Luật này.
Về mô hình TOD, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng nhận định mô hình TOD là một mô hình linh hoạt, việc đưa mô hình TOD vào dự án Luật Quản lý phát triển đô thị cũng chính là kiến tạo, khuyến khích phát triển. Qua đó, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm các quy định liên quan đến mô hình TOD sao cho phù hợp; trong đó, cần xác định rõ mô hình TOD là gì và áp dụng đối với những trường hợp nào để tránh việc lạm dụng. Đồng thời, cơ quan chủ trì soạn thảo có thể nghiên cứu, xem xét quy định cụ thể hơn các vấn đề liên quan đến phát triển không gian ngầm tại đô thị vào dự án Luật này. Đây có thể là điểm đột phá thứ hai của dự án Luật.
Về vấn đề “quản lý” trong dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc, nghiên cứu đưa các nội dung liên quan đến yêu cầu, quản lý tập trung tại một điều khoản, một mục nhất định; không nên quy định các nội dung về "quản lý" dàn trải tại nhiều chương trong dự thảo Luật...
Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu tối đa các ý kiến, góp ý tại phiên họp; nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị để trình Chính phủ.
N.H-Cổng TTĐT