Tham mưu triển khai hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số

13/01/2025
Tham mưu triển khai hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số
Đây là một trong những ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi tại Hội nghị Triển khai công tác năm 2025 của Cục Công nghệ thông tin chiều ngày 13/01. Tham dự Hội nghị có Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Phạm Quang Hiếu, các Phó Cục trưởng: Tạ Thành Trung, Phạm Đức Dụ; các công chức, viên chức, người lao động của Cục và đại diện Lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ.
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Phạm Đức Dụ cho biết, trong năm 2024, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ, tập thể công chức, viên chức, người lao động Cục Công nghệ thông tin đã tập trung triển khai bài bản, đúng quy định, hiệu quả các nhóm nhiệm vụ theo tiến độ Kế hoạch công tác năm 2024; đồng thời chủ động nghiên cứu, cố gắng, nỗ lực, đoàn kết để thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ được giao.

Nhiều kết quả tích cực trong triển khai các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số
Cụ thể, trong năm 2024, Cục Công nghệ thông tin đã tham mưu Lãnh đạo Bộ trong việc đôn đốc triển khai các dự án đầu tư công; chủ trì, phối hợp với các đơn vị triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các văn bản pháp luật về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số và đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng.
 

Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Phạm Đức Dụ báo cáo tại cuộc họp. 
 
Với vai trò thường trực giúp việc cho Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số Ngành Tư pháp, Cục Công nghệ thông tin đã tham mưu Ban Chỉ đạo chuyển đổi số Ngành Tư pháp tổ chức các Hội nghị của Ban Chỉ đạo trong năm 2024. Trong đó có Hội nghị “Triển khai chuyển đổi số Ngành Tư pháp và vai trò người đứng đầu”; tổ chức Tọa đàm “Thúc đẩy triển khai các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước” nhằm tập huấn, bồi dưỡng thêm kiến thức cơ bản về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước và trao đổi, thảo luận các giải pháp thúc đẩy triển khai các dự án, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước của Bộ Tư pháp; Tọa đàm “Ứng dụng AI trong công tác chuyển đổi số ngành Tư pháp”
Về triển khai cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên nền tảng VNeID, Cục Công nghệ thông tin đã phối hợp với Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia thực hiện hiệu quả công tác triển khai thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID từ ngày 22/4 - 22/6 và trên toàn quốc từ ngày 1/10/2024. Qua 02 tháng triển khai, đến nay đã có 63/63 tỉnh/thành phố hoàn thành kết nối chính thức và triển khai thí điểm cấp phiếu Lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID trên địa bàn. Hoạt động cấp phiếu lý lịch tư pháp trên nền tảng VNeID được Uỷ ban Quốc gia về Chuyển đổi số đánh giá là hoạt động chuyển đổi số nổi bật trong năm 2024. 
 

Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Phạm Quang Hiếu phát biểu tại Hội nghị.
 
Đồng thời, Cục Công nghệ thông tin đã phối hợp thực hiện liên thông 02 nhóm thủ tục hành chính gồm đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp Thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí. Hoạt động liên thông điện tử 02 thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử đã được thực hiện ổn định, thông suốt, với số lượng hồ sơ ngày càng tăng. Đã có 63/63 địa phương đã hoàn thành và triển khai chính thức với tổng số hồ sơ yêu cầu thực hiện liên thông thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký khai sinh là 1.265.439 hồ sơ, số hồ sơ có yêu cầu thực hiện liên thông thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký khai tử là 296.413 hồ sơ (tính đến tháng 10/2024). 
 

Quang cảnh cuộc họp.
 
Cùng với đó, Cục công nghệ thông tin đã phối hợp triển khai liên thông Nhóm thủ tục cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân và Đăng ký kết hôn; Quản lý, cấp phát và khai thác hiệu quả hạ tầng Trung tâm Dữ liệu điện tử Bộ Tư pháp phục vụ kịp thời, có hiệu quả cho các ứng dụng lĩnh vực Hộ tịch và Lý lịch tư pháp có phạm vi tới 63/63 địa phương; Tổ chức đánh giá hiện trạng, rà soát nhu cầu và đề xuất Danh mục dự án đầu tư công về công nghệ thông tin trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 của Bộ Tư pháp, tạo định hướng, nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong Bộ, ngành Tư pháp cho giai đoạn tiếp theo. 
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao của Cục còn gặp một số khó khăn, hạn chế như: nguồn nhân lực, kinh phí đảm bảo còn hạn chế; Các Hệ thống thông tin, Phần mềm ứng dụng được đưa vào sử dụng lâu, chưa bố trí nguồn lực duy trì, vận hành do vậy nhiều khi Hệ thống hoạt động chưa liền mạch…
 



Các đại biểu phát biểu tại cuộc họp.
 
Tại cuộc họp, đại diện các công chức, viên chức của Cục và đại diện các đơn vị thuộc Bộ đã cho ý kiến về Báo cáo Tổng kết công tác năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2025. Năm 2025 là năm có nhiều thách thức, khó khăn đồng thời cũng là cơ hội để thực hiện các nhiệm vụ về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Do vậy, các đại biểu đều mong muốn Cục Công nghệ thông tin phát huy tinh thần đoàn kết, tăng cường phối hợp hiệu quả với các đơn vị thuộc Bộ để đảm bảo nguồn nhân lực, kinh phí, từ đó thực hiện hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ được giao với những phương hướng, giải pháp tối ưu.

Phát huy vai trò “dẫn dắt” các đơn vị của Bộ, ngành Tư pháp trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Mai Lương Khôi ghi nhận và biểu dương những cố gắng, nỗ lực, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của tập thể Cục Công nghệ thông tin trong bối cảnh còn nhiều khó khăn và thách thức. Thứ trưởng đánh giá cao sự chủ động của Cục Công nghệ thông tin trong công tác tham mưu để Lãnh đạo Bộ chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ về công nghệ thông tin, chuyển đổi số của Bộ, ngành Tư pháp. Công tác phối hợp giữa Cục với các đơn vị thuộc Bộ cũng có nhiều chuyển biến tích cực.
 

Thứ trưởng Mai Lương Khôi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
 
Thứ trưởng nhận định, năm 2025 là năm đặt ra yêu cầu rất cao đối với công tác công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đặc biệt là trong bối cảnh Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về “Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia” (Nghị quyết 57) ra đời và xác định rất rõ vấn đề này.
Do đó, Thứ trưởng yêu cầu tập thể Lãnh đạo Cục, Lãnh đạo cấp phòng, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị cần nhận thức đầy đủ các yêu cầu đặt ra trong giai đoạn sắp tới để phát huy vai trò đi đầu trong chuyển đổi số, đảm bảo tính chuyên nghiệp, khoa học, chủ động, sáng tạo; đồng thời làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, “dẫn dắt” các đơn vị của Bộ, ngành Tư pháp trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, Cục Công nghệ thông tin cần phối hợp các đơn vị liên quan để tham mưu ban hành các kế hoạch, chương trình hành động của Bộ, ngành Tư pháp về triển khai Nghị quyết 57 và Nghị quyết 03 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trong đó xác định cụ thể các nhiệm vụ, cơ chế vận hành để triển khai các nhiệm vụ công nghệ thông tin, chuyển đổi số; phân định rõ vai trò, trách nhiệm của Cục, đơn vị thuộc Bộ, cơ quan tư pháp địa phương. Đồng thời triển khai tốt các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các đơn vị, các cán bộ, công chức của Bộ, ngành Tư pháp về chuyển đổi số.
Thứ trưởng nhấn mạnh việc thực hiện các nhiệm vụ phải được cụ thể hóa bằng các sản phẩm, đặc biệt trong mảng quản trị điều hành của Bộ, các phần mềm ứng dụng, cơ sở dữ liệu, hạ tầng kỹ thuật… Đây là những nhiệm vụ cần tập trung trong năm 2025. Đồng thời Cục cũng cần phối hợp chặt chẽ Vụ Tổ chức cán bộ, Cục Kế hoạch tài chính để nghiên cứu đảm bảo nguồn nhân lực và kinh phí triển khai các nhiệm vụ công nghệ thông tin tại Cục và tại các đơn vị thuộc Bộ, trong đó xác định các nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên để triển khai trước.
 
Thu Nga