Ngày 09/1, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng và Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn chủ trì phiên họp thẩm định dự án Luật Cấp, thoát nước. Tham dự phiên họp có các thành viên Hội đồng thẩm định là đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và đại diện các bộ, ngành có liên quan.
Báo cáo tại phiên họp, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay, vấn đề điều chỉnh hoạt động cấp nước sạch, thoát nước (bao gồm thoát nước mưa, thoát nước thải và xử lý nước thải) chưa được quy định trong các văn bản Luật hiện hành; chỉ được quy định bằng văn bản dưới Luật là các Nghị định (quy định trực tiếp). Các Nghị định đó quy định về các hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch theo hệ thống cấp nước tập trung hoàn chỉnh, hoạt động thoát nước và xử lý nước thải tại khu vực đô thị, khu dân cư nông thôn tập trung và các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế (sau đây gọi tắt là khu công nghiệp); quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân và hộ gia đình có hoạt động liên quan đến sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch, thoát nước và xử lý nước thải trên lãnh thổ Việt Nam.
Đại diện Bộ Xây dựng báo cáo tại phiên họp.
Quá trình thực thi pháp luật về cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận về phát triển hệ thống cấp, thoát nước, xử lý nước thải; quản lý vận hành, bảo đảm an toàn dịch vụ cấp, thoát nước; chuyển đổi số, quản lý nước thông minh, ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực cấp, thoát nước…
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các quy định pháp luật về cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải đã phát sinh những tồn tại, hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện, cụ thể: pháp luật liên quan trực tiếp đến lĩnh vực cấp, thoát nước chưa tương xứng với vai trò, tầm quan trọng của dịch vụ cung cấp nước sạch và thoát nước, xử lý nước thải; quy hoạch cấp, thoát nước chưa đầy đủ, chưa đồng bộ, chất lượng dự báo còn hạn chế gây khó khăn cho việc định hướng, đầu tư xây dựng phát triển hệ thống cấp, thoát nước; hoạt động đầu tư phát triển cấp, thoát nước chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường; hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải chưa đầy đủ, khó khăn trong việc đánh giá tình hình, lập quy hoạch, định hướng, đầu tư và quản lý nhà nước; vấn đề ban hành giá nước sạch gặp nhiều khó khăn, giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải còn thấp, hạn chế huy động nguồn lực đầu tư; quản lý nhà nước về cấp, thoát nước còn chồng chéo, chưa thống nhất… Do đó, việc xây dựng Luật Cấp, thoát nước là hết sức cần thiết.
Theo đại diện Bộ Xây dựng, dự án Luật Cấp, thoát nước sẽ thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải; đảm bảo sự đồng bộ với các Luật có liên quan; huy động các nguồn lực xã hội, sự tham gia của người dân nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về cấp nước, thoát nước; giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tế, khai thác, sản xuất và cung cấp nước sạch không phụ thuộc vào địa giới hành chính, thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn; thoát nước chống ngập, thu gom và xử lý nước thải theo phân bố dân cư, lưu vực sông, bảo vệ môi trường nhằm nâng cao sức khỏe cộng đồng và bảo đảm an sinh xã hội và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng và đầu tư phát triển công trình cấp, thoát nước theo hướng thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát thải thấp, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Theo đó, Dự thảo Luật Cấp, Thoát nước gồm 8 chương, 65 điều.
Đại diện một số bộ, ngành liên quan phát biểu góp ý tại phiên họp.
Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng thẩm định ghi nhận và đánh giá cao công tác chuẩn bị hồ sơ, nội dung và việc tiếp thu, giải trình ý kiến của cơ quan chủ trì soạn thảo. Các thành viên Hội đồng thẩm định cũng đã phát biểu góp ý về một số nội dung quan trọng trong dự án Luật như: tiếp tục rà soát các quy định pháp luật liên quan, tránh sự chồng chéo; đề nghị chỉnh sửa một số câu từ trong dự thảo Luật cho bao quát, đầy đủ hơn; bổ sung thêm danh mục một số dự án, công trình ưu tiên, dự án quan trọng; bổ sung thêm cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư, hoàn thiện các quy định về giá nước để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa dự án Luật Cấp, thoát nước và Luật Giá, Luật Đầu tư; sự tương thích của dự án Luật Cấp, thoát nước với các Điều ước quốc tế, cam kết quốc tế; nghiên cứu bổ sung các vấn đề liên quan đến nguồn lực trong Tờ trình; nghiên cứu, bổ sung về vấn đề tiết kiệm nước, chính sách phát triển cấp nước, thoát nước trong nội dung dự thảo Luật; tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các thủ tục hành chính liên quan…
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu tại phiên họp.
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn khẳng định sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp từ các đại biểu tham dự để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Cấp, thoát nước. Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh, đây là một luật khó, liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp và là luật mới trong bối cảnh các luật khác có liên quan đã được ban hành. Khi xây dựng dự án Luật này, Bộ Xây dựng đã bám sát đặc thù của nước, bởi ngành nước là ngành an sinh, an ninh, an toàn; đảm bảo giá nước phù hợp, hơp lý và đảm bảo cấp nước sạch, cấp nước an toàn chính là đảm bảo an toàn, an ninh, an sinh xã hội. Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn cũng giải thích rõ hơn quan điểm trong các nội dung như: vấn đề lập quy hoạch việc cấp, thoát nước; cơ chế thu hút đầu tư trong lĩnh vực cấp, thoát nước; vấn đề giá nước; vấn đề cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải tại các Khu công nghiệp, Khu chế xuất và vấn đề xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cấp, thoát nước.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng phát biểu kết luận phiên họp.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đánh giá cao việc chuẩn bị kỹ lưỡng hồ sơ, nội dung dự án Luật Cấp, thoát nước của Bộ Xây dựng, cơ quan chủ trì soạn thảo. Dựa trên quan điểm của Tổng Bí thư Tô Lâm về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đề nghị Bộ Xây dựng - cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc, bổ sung thêm về vấn đề kiến tạo, phát triển, giải phóng, khơi thông nguồn lực trong dự án Luật Cấp, thoát nước.
Thứ trưởng Trần Tiến Dũng nhấn mạnh, đây là dự án Luật rất quan trọng, tác động đến từng người dân, từng doanh nghiệp, tác động đến an ninh nguồn nước. Vì vậy, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, xây dựng các cơ chế để thu hút nguồn lực đầu tư trong cấp nước, thoát nước. Trong đó, chú trọng xây dựng cơ chế đặc biệt để thu hút đầu tư trong việc cấp, thoát nước trên các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, phát triển mạnh mẽ hệ thống cấp nước, thoát nước cho các vùng này và đảm bảo những người yếu thế trong xã hội được sử dụng nguồn nước sạch. Đồng thời, cần xây dựng cơ chế thu hút đầu tư trong vấn đề xử lý nước thải; đưa thêm một số quy định liên quan đến việc tuyên truyền, khuyến khích tiết kiệm, bảo vệ nguồn nước; đơn giản hóa các thủ tục liên quan tới quy hoạch phát triển hệ thống cấp, thoát nước…
Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Cấp, thoát nước để trình Chính phủ.
N.H - Cổng TTĐT