Đổi mới, đột phá về quy trình xây dựng pháp luật trong dự án Luật Ban hành văn bản QPPL (sửa đổi)

06/01/2025
Đổi mới, đột phá về quy trình xây dựng pháp luật trong dự án Luật Ban hành văn bản QPPL (sửa đổi)
Sáng ngày 06/01, Bộ Tư pháp tổ chức cuộc họp Ban Soạn thảo dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh và Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng chủ trì cuộc họp.
Báo cáo tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Trần Anh Đức cho biết: Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, đổi mới mạnh mẽ quy trình xây dựng pháp luật, tinh thần ý kiến kết luận của Bộ Chính trị về định hướng đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật ở nước ta đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) cụ thể hóa 03 chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ thông qua, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bố cục của dự thảo Luật gồm 8 chương, 84 điều (giảm 9 chương, 89 điều so với Luật Ban hành VBQPPL năm 2015).


Đồng chí Trần Anh Đức, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật báo cáo tại cuộc họp.

 
Dự thảo Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi): 06 vấn đề đổi mới quan trọng, mang tính đột phá
Trong đó có 06 vấn đề đổi mới quan trọng, mang tính đột phá về quy trình xây dựng pháp luật tại dự thảo Luật bao gồm: Đổi mới việc xây dựng Chương trình lập pháp của Quốc hội; phân định rõ thẩm quyền lập pháp và lập quy, hoàn thiện quy định về ủy quyền lập pháp; đổi mới quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đẩy mạnh phân cấp gắn với tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan chủ trì soạn thảo , ban hành văn bản quy phạm pháp luật; cơ chế thu hút rộng rãi sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân vào quá trình xây dựng pháp luật; giải thích áp dụng , ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tại cuộc họp, các đại biểu tham dự đã phát biểu cho ý kiến về các vấn đề quan trọng trong dự thảo Luật Ban hành , ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) như: Vấn đề xin ý kiến cấp ủy, cần nghiên cứu làm rõ cơ quan chủ trì soạn thảo, ban hành, ban hành VBQPPL xin ý kiến hay cơ quan trình phải xin ý kiến; vấn đề ủy quyền lập pháp; hiện nay nguồn sáng kiến chính sách chủ yếu xuất phát từ phía cơ quan hành chính nhà nước, thiếu sáng kiến từ phía người dân, doanh nghiệp, cần có quy định khuyến khích sáng kiến chính sách đối với người dân và doanh nghiệp; nghiên cứu cơ chế giao quyền cho bộ, ngành, địa phương về thực hiện cơ chế thí điểm chính sách cho một số ngành, lĩnh vực có nhu cầu; nghiên cứu, bổ sung các giải pháp kỹ thuật để tăng cường tính công khai, minh bạch đánh giá tác động chính sách, soạn thảo, xây dựng, ban hành VBQPPL...


Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh phát biểu tại cuộc họp.

 
Không để xảy ra lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh khẳng định, xây dựng chính sách là công đoạn tiền đề để quy phạm hóa các chính sách và xây dựng luật, do vậy sáng kiến chính sách phải gắn với chủ thể trình luật. 
Bộ trưởng nhấn mạnh, cần tăng cường tính công khai, minh bạch tại dự thảo Luật thông qua việc gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo, không để lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật. Luật sửa đổi lần này cũng cần quy định rõ việc phải đánh giá tác động chính sách thực chất, không thể bỏ qua ý kiến các đối tượng như Mặt trận Tổ quốc, cơ quan nhà nước liên quan, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp, người dân là đối tượng chịu tác động. Đối với từng nhóm thì hình thức lấy ý kiến khác nhau và phải có giải trình rõ ràng.
Đối với dự thảo Tờ trình, Bộ trưởng đề nghị rà soát, bổ sung đầy đủ cơ sở pháp lý, lưu ý các Nghị quyết của Chính phủ về chuyên đề xây dựng pháp luật; cơ sở thực tiễn cần ngắn gọn hơn; bám sát Kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp; phần tồn tại, hạn chế cần logic với những giải pháp đề ra. 
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng lưu ý về một số nội dung: việc xây dựng Chương trình pháp luật cần đảm bảo tính đơn giản, linh hoạt, ngắn gọn; làm rõ việc đổi mới quy trình xây dựng pháp luật giảm thiểu được thời gian ra sao; vấn đề ủy quyền lập pháp; quy trình, thủ tục soạn thảo rút gọn; ban hành, ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết; vấn đề phân cấp; thẩm quyền giải thích áp dụng pháp luật…
 
Một số hình ảnh khác tại cuộc họp:








 
N.H - Cổng TTĐT