Ngày 06/01, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2025 của Học viện Tư pháp và 03 Trường Cao đẳng Luật. Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh chủ trì Hội nghị.
Học viện Tư pháp: Vượt 167,58% chỉ tiêu tuyển sinh, đào tạo các chức danh tư pháp
Theo báo cáo tại Hội nghị, trong năm 2024, Học viện Tư pháp tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, chỉ tiêu theo Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1155/QĐ-TTg ngày 30/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tiếp tục xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”. Bên cạnh đó, Học viện đã hoàn thiện xây dựng Đề án “Phát triển Học viện thành cơ sở có uy tín về đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về pháp luật quốc tế cho các chức danh tư pháp và cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng” và trình Bộ Tư pháp phê duyệt theo Quyết định số 803/QĐ-BTP ngày 07/5/2024; hoàn thành xây dựng và trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 803/QĐ-BTP ngày 07/5/2024 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp theo Quyết định số 1849/QĐ-BTP ngày 04/10/2024.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thu, Giám đốc Học viện Tư pháp.
Về công tác tuyển sinh, đào tạo các chức danh tư pháp, tính từ đầu năm đến 30/11/2024, Học viện đã tổ chức nhập học và đào tạo cho 6.033 học viên, đạt tỷ lệ 167,58% so với Kế hoạch được giao; trong đó số lượng tuyển sinh các lớp đào tạo nghề luật sư, đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, đào tạo nghề thừa phát lại đều hoàn thành vượt kế hoạch được giao.
Cùng với hoạt động tuyển sinh, tổ chức các lớp đào tạo năm 2024, Học viện tiếp tục triển khai lịch học các lớp đã tuyển sinh từ các năm 2022, 2023 chuyển sang với 9.273 học viên. Đến nay, Học viện đã xét công nhận tốt nghiệp và cấp Chứng chỉ đào tạo nghề/Giấy chứng nhận tốt nghiệp cho 6.708 học viên.
Đối với công tác tổ chức các lớp bồi dưỡng, Học viện đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan trong và ngoài Bộ Tư pháp tổ chức triển khai các lớp bồi dưỡng cho công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp, đồng thời xây dựng các chương trình, tài liệu tổ chức các lớp bồi dưỡng theo nhu cầu xã hội. Tính từ tháng 01/2024 cho đến tháng 12/2024, Học viện đã tổ chức được tổng số 113 lớp bồi dưỡng cho 5.954 lượt người học; đồng thời thực hiện tổng số 29 nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng chương trình, tài liệu phục vụ cho hoạt động tổ chức các lớp bồi dưỡng tại Học viện nhằm ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bồi dưỡng cũng như đáp ứng kịp thời nhu cầu cập nhật, tập huấn triển khai thực hiện các quy định pháp luật mới ban hành.
Các công tác khác như: khảo thí và đảm bảo chất lượng đào tạo; nghiên cứu khoa học, tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học, xây dựng chương trình, giáo trình, sách chuyên khảo, hồ sơ tình huống, tình huống thực hành và học liệu điện tử; xuất bản Tạp chí Nghề luật… đều đạt kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, nổi bật là việc nâng điểm khoa học cho Tạp chí Nghề luật theo Quyết định số 25/QĐ-HĐGSNN, ngày 05/7/2024 của Hội đồng Giáo sư nhà nước phê duyệt danh mục Tạp chí khoa học được tính điểm năm 2024. Cụ thể, trong số các danh mục tạp chí thuộc Hội đồng Giáo sư ngành Luật học, Tạp chí Nghề luật chính thức được tính đến 0,75 điểm kể từ năm 2024. Đây là sự kiện rất quan trọng và có ý nghĩa đối với Tạp chí Nghề luật, khẳng định uy tín, vị thế của Tạp chí ngày càng được nâng cao trong hệ thống Tạp chí khoa học nói chung và Tạp chí khoa học chuyên ngành Luật nói riêng.
03 Trường Cao đẳng Luật: Đa dạng các hình thức tuyển sinh
Trong bối cảnh khó khăn chung về tuyển sinh, sự cạnh tranh của các cơ sở đào tạo luật trong cả nước, 03 Trường Cao đẳng Luật đã tập trung, nỗ lực, phát huy trách nhiệm của tập thể và từng cá nhân cán bộ, giảng viên của trường để thực hiện tuyển sinh theo nhiều hình thức, cả trực tiếp và ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá, tư vấn tuyển sinh. Tính tới thời điểm hiện tại, 03 Trường đã tuyển sinh được 830 học sinh/sinh viên trình độ trung cấp và cao đẳng luật, tăng 47% so với năm 2023. Công tác tổ chức đào tạo, giảng dạy, quản lý và thực hiện chế độ chính sách đối với học sinh, sinh viên tiếp tục được triển khai nề nếp, gắn với nâng cao chất lượng đào tạo, giảng dạy của Nhà trường và chất lượng học sinh, sinh viên. Ngoài ra, công tác liên kết đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cũng được tích cực triển khai thực hiện. Các địa phương tiếp tục có đánh giá cao và ghi nhận chất lượng các lớp bồi dưỡng do các Trường Cao đẳng Luật tổ chức.
Hình ảnh điểm cầu trực tuyến tại 03 Trường Cao đẳng Luật.
Công tác nghiên cứu khoa học của các Trường được quan tâm thực hiện, gắn kết và bổ trợ cho công tác đào tạo, giảng dạy của Nhà trường. Trong đó điểm nhấn là Trường Cao đẳng Luật miền Bắc đã hoàn thành và đề xuất nghiệm thu 01 đề tài khoa học cấp nhà nước, Trường Cao đẳng Luật miền Nam hoàn thiện và duyệt ngân hàng đề thi theo đề tài nghiên cứu khoa học “Xây dựng ngân hàng đề thi nhằm giảm bớt thủ tục hành chính trong đánh giá kết quả học tập”, tham gia Hội thi thiết bị đào tạo tự làm do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hậu Giang phát động (trong đó, 01 thiết bị đạt giải khuyến khích, 01 thiết bị được cấp giấy chứng nhận tham gia Hội thi). Trường Cao đẳng Luật miền Trung có 01 nhà giáo đạt giải ba, 01 nhà giáo đạt giải khuyến khích viên tham gia hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp cấp tỉnh; có 01 giảng viên tham gia hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc.
Chủ động, khẩn trương, phát huy tinh thần đoàn kết, trí tuệ, cố gắng nỗ lực triển khai nhiệm vụ
Tại Hội nghị, các đại biểu ghi nhận và đánh giá kết quả Học viện Tư pháp và 03 Trường Cao đẳng Luật đã đạt được trong năm 2024. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác như: đẩy mạnh hoạt động hợp tác với các cơ sở đào tạo có uy tín trong và ngoài nước; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và giải quyết công việc; quan tâm hơn nữa đến công tác tổ chức cán bộ, tài chính và cơ sở vật chất...
Các đại biểu phát biểu tại Hội nghị.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao của tập thể Học viện Tư pháp và 03 Trường Cao đẳng Luật, góp phần vào thành công chung của Bộ, ngành Tư pháp.
Thứ trưởng nhấn mạnh, năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, phấn đấu đạt được kết quả cao nhất hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; là năm tập trung tổ chức đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, là năm có nhiều sự kiện trọng đại của Đảng, Nhà nước và của ngành Tư pháp, trong đó có kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp. Bên cạnh đó, các Nghị quyết của Đảng và Nhà nước, nhất là phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp gần đây đã nhấn mạnh nội dung liên quan trực tiếp đến công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật.
Vì vậy, Thứ trưởng đề nghị tập thể và từng cá nhân công chức của các đơn vị chủ động, khẩn trương, phát huy tinh thần đoàn kết, trí tuệ, cố gắng nỗ lực triển khai thực hiện theo nội dung, tiến độ theo kế hoạch. Trong đó, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, cần lưu ý một số nội dung trọng tâm, gồm:
Tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm, đầy đủ các chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Ban Cán sự Đảng về công tác đào tạo, bồi dưỡng, nhất là Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quyết định số 1155/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tiếp tục xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”, Nghị quyết số 153-NQ/BCSĐ ngày 18/12/2024 của Ban Cán sự Đảng về đổi mới và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức của Bộ Tư pháp đến năm 2030, Nghị quyết số 25-NQ/BCSĐ ngày 14/4/2022 và các Đề án thành lập các Trường Cao đẳng Luật của Bộ Tư pháp;
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh phát biểu kết luận Hội nghị.
Đẩy mạnh công tác tuyển sinh, đào tạo, bồi dưỡng theo đúng chức năng, nhiệm vụ của các cơ sở đào tạo gắn với việc nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng. Riêng đối với các Trường Cao đẳng Luật, cần nỗ lực thực hiện công tác tuyển sinh theo hướng đa dạng hóa hình thức quảng bá tuyển sinh, mở rộng nguồn tuyển sinh bền vững, liên thông để tuyển đủ, tuyển đúng sinh viên học trình độ cao đẳng, từng bước giảm quy mô đào tạo trung cấp luật. Các cơ sở đào tạo cần tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học, thường xuyên rà soát cập nhật và hoàn thiện các giáo trình, tài liệu giảng dạy, tăng cường tính thực tiễn, “học đi đôi với hành”; đào tạo kỹ năng nghề gắn với giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức kỷ luật, kỹ năng mềm, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giảng dạy, đào tạo; chú trọng công tác đánh giá, bảo đảm chất lượng đào tạo, bồi dưỡng; tiếp tục thực hiện tốt các chương trình phối hợp đã ký giữa Học viện Tư pháp với Trường Trung cấp Luật;
Tập trung thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và của Bộ về rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của Bộ Tư pháp; chủ động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giảng viên Nhà trường nhằm chuẩn hóa đội ngũ viên chức, đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định; tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục nghề nghiệp; thực hiện tốt công tác tư tưởng, chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, giảng viên của Nhà trường theo quy định. Chuẩn bị và tổ chức thành công Đại hội Chi bộ/Đảng bộ của Học viện và các Trường tiến tới Đại hội Đảng bộ Bộ Tư pháp nhiệm kỳ 2025-2030;
Tổ chức thực hiện tốt phương án tự chủ tài chính và tự chủ đầu tư giai đoạn 2023-2025, quản lý tài chính, tài sản, sử dụng tài sản công theo đúng quy định, hiệu quả, tiết kiệm, xây dựng phương án cải tạo, sửa chữa trụ sở các cơ sở đào tạo để phục vụ tốt cho hoạt động giảng dạy, nghiên cứu của Nhà trường;
Đối với các đơn vị thuộc Bộ, Thứ trưởng đề nghị Vụ Tổ chức cán bộ tiếp tục phát huy vai trò đầu mối trong quản lý các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của các cơ sở đào tạo thuộc Bộ theo đúng chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật và Nghị quyết của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ; hướng dẫn, phối hợp với các Trường và các đơn vị thuộc Bộ có liên quan nghiên cứu, đề xuất các giải pháp sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của Bộ Tư pháp theo đúng chủ trương của Đảng, Chính phủ và của Bộ, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Bộ; hướng dẫn thực hiện tốt công tác tư tưởng, chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, giảng viên của Nhà trường theo quy định. Đồng thời phối hợp với Học viện Tư pháp tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức của Bộ Tư pháp năm 2025 theo đúng tinh thần Nghị quyết số 153-NQ/BCSĐ;
Cục Kế hoạch - Tài chính tiếp tục phối hợp, hướng dẫn Học viện Tư pháp và các Trường Cao đẳng Luật triển khai thực hiện phương án tự chủ tài chính theo đúng Đề án đã được phê duyệt; khẩn trương hoàn thành việc tham mưu quyết toán dự án xây dựng của Trường Cao đẳng Luật miền Bắc, hướng dẫn việc quản lý, sử dụng tài sản, trụ sở của các cơ sở đào tạo theo quy định;
Trường Đại học Luật Hà Nội và các đơn vị thuộc Bộ có liên quan tiếp tục thực hiện tốt các Chương trình phối hợp đã ký, hỗ trợ các Trường Trung cấp Luật trong việc cử giảng viên, xây dựng giáo trình, tài liệu, tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, liên kết đào tạo, tuyển sinh, tham gia các Hội thảo, tọa đàm chuyên môn hoặc tham gia các hoạt động nghiên cứu, tập huấn, bồi dưỡng trong các Chương trình mục tiêu quốc gia do đơn vị được giao chủ trì thực hiện.
Anh Thư - Trung tâm Thông tin