Khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi)

06/01/2025
Khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi)
Chiều 05/01, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cùng các Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh, Trần Tiến Dũng nghe báo cáo về dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Tại cuộc họp, đồng chí Trần Anh Đức, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật đã thông tin tình hình thực hiện triển khai nhiệm vụ “tham mưu xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), trình Chính phủ trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp bất thường tháng 02/2025”.
Nghị quyết số 27-NQ/TW, ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, tại buổi làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp, chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đều nhấn mạnh về việc đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, trong đó đề ra nhiệm vụ cần khẩn trương sửa đổi Luật Ban hành VBQPPL. Ngày 03/01/2024, Bộ chính trị đã cho ý kiến đối với Đề án đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật bảo đảm chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả do Đảng đoàn Quốc hội trình. Kết luận của Bộ Chính trị về định hướng đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật ở nước ta đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới là cơ sở chính trị quan trọng để xây dựng dự án Luật này.  
 
 
Với tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, phân định rõ thẩm quyền lập pháp và lập quy, luật chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội, dự thảo Luật quy định ngắn gọn theo hướng: 
(i) Chỉ quy định chi tiết trong dự thảo Luật này trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành VBQPPL của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; 
(ii) Đối với các VBQPPL liên tịch, VBQPPL của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chính quyền địa phương, dự thảo Luật chỉ quy định nguyên tắc, loại hình VBQPPL mà các chủ thể được phép ban hành và giao Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định chi tiết trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành VBQPPL liên tịch, Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành VBQPPL của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền địa phương; 
(iii) Đối với các VBQPPL của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, quy định hiện hành tương đối ngắn gọn, quá trình thực hiện không phát sinh khó khăn, vướng mắc. Do đó, dự thảo Luật kế thừa và quy định về quy trình xây dựng, ban hành các loại văn bản này trong Luật để áp dụng trực tiếp mà không cần thiết phải giao quy định chi tiết. 
 

 
Dự thảo Luật có quy định về quy trình xây dựng: Có xây dựng định hướng lập pháp nhiệm kỳ; có Chương trình lập pháp hằng năm; phân định rõ quy trình chính sách và soạn thảo: Chính sách do các bộ xây dựng, đề xuất và Chính phủ xem xét, thông qua. Đơn giản hoá quy trình tăng tính chủ động, linh hoạt, rõ ràng, minh bạch, kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. (1) Quy định thực hiện quy trình 02 giai đoạn (xây dựng chính sách và soạn thảo) đối với: (i) luật mới; (ii) luật, pháp lệnh thay thế; (iii) luật sửa đổi, bổ sung 1 số điều luật liên quan quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản; việc hạn chế quyền; tội phạm và hình phạt; chính sách dân tộc, tôn giáo; các bộ luật về dân sự, hình sự, lao động. (2) Luật, pháp lệnh còn lại và các nghị quyết thực hiện quy trình soạn thảo không cần thực hiện quy trình chính sách, hồ sơ đang ký đơn giản đưa vào Chương trình lập pháp hằng năm và sau đó soạn thảo. Quy định về việc chịu trách nhiệm đến cùng của các cơ quan trình: Quy định, phân định rõ vị trí, vai trò và trách nhiệm của Chính phủ và Quốc hội trong quy trình xây dựng pháp luật. Theo đó, Chính phủ làm đúng vai là cơ quan trình dự án luật và chịu trách nhiệm đến cùng với dự án luật do mình trình; Quốc hội là cơ quan lập pháp, có quyền thông qua hoặc không thông qua dự án luật do Chính phủ trình. Bên cạnh đó, nhằm nâng cao tính chủ động và trách nhiệm đến cùng, bảo đảm được tính liên tục trong suốt quá trình xây dựng dự án, từ đề xuất, soạn thảo, trình cho đến khâu chỉnh lý dự thảo, đồng thời, bảo đảm tốt hơn việc thi hành luật sau khi được Quốc hội thông qua, dự thảo Luật quy định cơ quan trình chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan thẩm tra và các cơ quan có liên quan trong việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội để chỉnh lý dự thảo luật; nâng cao vai trò, giá trị báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp.
 

Toàn cảnh cuộc họp.
 
Tại cuộc họp, các đại biểu đã cho ý kiến cụ thể về nội dung dự thảo Luật như:  cần quy định cụ thể hơn khái niệm quy phạm pháp luật; dự thảo luật cần thiết kế cơ chế thuê chuyên gia, tổ chức độc lập thực hiện đánh giá tác động chính sách; xem xét kỹ lưỡng hơn nội dung thẩm định chính sách, dự thảo VBQPPL; tính toán hơn các trường hợp được ban hành văn bản theo trình tự thủ tục rút gọn, thủ tục đặc biệt; cần đẩy mạnh hơn nữa việc phân cấp, phân quyền trong luật này; làm rõ khái niệm giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật; các hình thức văn bản của Chính phủ…
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật trong việc phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện dự thảo luật. Bên cạnh đó, Bộ trưởng yêu cầu Vụ tiếp tục rà soát, chỉnh lý nội dung dự thảo luật, dự thảo Tờ trình, trong đó tập trung hoàn thiện các nội dung về: (1) dự kiến chương trình lập pháp hằng năm; (2) ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn; trình tự, thủ tục đặc biệt; (3) tham vấn trong xây dựng chính sách, phân cấp, trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; (4) cơ chế thuê chuyên gia, tổ chức độc lập trong đánh giá tác động chính sách; (5) giải thích, hướng dẫn áp dụng VBQPPL và (6) phân loại các nội dung xin ý kiến tương ứng với từng loại chủ thể đối với chính sách và dự thảo VBQPPL. 
Ngoài ra, Bộ trưởng đề nghị Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật chuẩn bị các nội dung phục vụ cuộc họp Ban soạn thảo lần thứ nhất dự án Luật, và báo cáo các vấn đề nêu trên để xin ý kiến Ban soạn thảo trước khi đăng tải, lấy ý kiến đối với dự thảo Luật.