Ngày 21/11, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp Hội đồng khoa học Bộ với chủ đề “Nhận diện những vấn đề đặt ra đối với sự phát triển của Bộ, ngành Tư pháp (tập trung sâu vào công tác xây dựng và thi hành pháp luật) trên cơ sở các phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư thời gian gần đây và Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp. Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh chủ trì phiên họp. Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc và Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh cùng dự.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh cho biết, đất nước ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để bước vào Kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Để hiện thực hoá mục tiêu này, trong thời gian qua, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã có nhiều phát biểu chỉ đạo quan trọng về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy.
Những nội dung này không chỉ là những chỉ đạo ở tầm cao chiến lược đối với công tác xây dựng, thi hành pháp luật mà còn đặt ra thách thức, yêu cầu Bộ, ngành Tư pháp phải đưa ra những giải pháp mang tính đột phá để làm tốt hơn nhiệm vụ “quản lý nhà nước về xây dựng và thi hành pháp luật”, cải thiện một cách thực sự chất lượng pháp luật, đồng thời bảo đảm thi hành pháp luật hiệu quả.
Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh phát biểu tại phiên họp.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng đã gợi mở một số nội dung để các đại biểu trao đổi, thảo luận như: đổi mới tư duy về quy trình xây dựng pháp luật; cách thức xây dựng Chương trình xây dựng pháp luật hằng năm; giải pháp nâng cao chất lượng các chính sách và chất lượng pháp luật. Bộ trưởng mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học tham dự phiên họp sẽ có nhiều ý tưởng, hiến kế để xác định thật đúng và trúng những vấn đề đặt ra cùng các giải pháp thiết thực để đưa công tác xây dựng, thi hành pháp luật nói chung và công việc của Bộ, ngành Tư pháp nói riêng lên tầm cao mới. Qua đó khẳng định mạnh mẽ, thực chất và sắc nét hơn vai trò, vị thế của Bộ, ngành Tư pháp trong tiến trình tận dụng mọi cơ hội đưa đất nước phát triển trong Kỷ nguyên mới như yêu cầu của đồng chí Tổng Bí thư và các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Theo Báo cáo nghiên cứu bước đầu, qua các bài viết liên quan đến lĩnh vực xây dựng, hoàn thiện thể chế nói chung, xây dựng, hoàn thiện pháp luật, thi hành pháp luật nói riêng, đồng chí Tổng Bí thư đã đánh giá những thành tựu đạt được và chỉ ra những tồn tại, hạn chế; từ đó nêu rõ 5 nhóm nhiệm vụ mà Bộ, ngành Tư pháp cần tập trung làm tốt.
Để làm tốt những nhiệm vụ này, Báo cáo đã chỉ ra một số vấn đề cần tập trung nhận diện. Đó là: làm sáng tỏ nội hàm của “quản lý nhà nước về xây dựng pháp luật” và “quản lý nhà nước về thi hành pháp luật”; xác định “kiến trúc sư trưởng” của hệ thống pháp luật; vấn đề đổi mới tư duy xây dựng pháp luật; yêu cầu tổ chức lại công tác xây dựng pháp luật, chuyên nghiệp hóa công tác xây dựng pháp luật; kinh nghiệm của quốc tế; tăng cường trách nhiệm của các cấp ủy Đảng trong xây dựng và thi hành pháp luật; phát triển hệ thống dịch vụ pháp lý, hệ thống hỗ trợ pháp lý, hệ thống trợ giúp pháp lý cùng hệ thống giải quyết tranh chấp ngoài tòa án; năng lực và tiêu chuẩn của người làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật; ứng dụng thành tựu công nghệ số, trí tuệ nhân tạo trong xây dựng, thi hành pháp luật.
Tại phiên họp, các đại biểu đã cho ý kiến về những vấn đề đặt ra đối với sự phát triển của Bộ, ngành Tư pháp (tập trung sâu vào công tác xây dựng và thi hành pháp luật) trên cơ sở các bài phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư thời gian gần đây và Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp. Cụ thể, các đại biểu đề xuất quá trình xây dựng pháp luật phải gắn với khoa học và thực tiễn; đồng thời không để xảy ra lợi ích nhóm, tác động pháp luật; sắp xếp tổ chức bộ máy, xác định rõ trách nhiệm trong từng khâu, từng cấp xây dựng pháp luật…
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu tại phiên họp.
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, trong các bài chỉ đạo gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhiều lần đề cao tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và hệ thống pháp luật; đồng thời nhấn mạnh việc phải xử lý hài hòa mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý bằng pháp luật. Vì vậy, Bộ, ngành Tư pháp cần tập trung nghiên cứu, thể chế hoá những chỉ đạo này. Bên cạnh đó, Thứ trưởng đã điểm lại một số hạn chế, vướng mắc trong công tác hoàn thiện thể chế đã được Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ ra tại buổi làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp. Theo Thứ trưởng, một trong những giải pháp khắc phục là phải nâng cao vai trò của cấp uỷ Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật, đặc biệt là xây dựng chính sách.
Thứ trưởng cũng yêu cầu phải đổi mới tư duy để xây dựng quy trình lập pháp, lập quy rõ ràng, có sự phân công công việc, trách nhiệm cụ thể; nâng cao vai trò của Bộ Tư pháp trong xây dựng và thi hành pháp luật; đổi mới quy trình xây dựng Chương trình xây dựng pháp luật hằng năm bám sát thực tiễn phát triển của Việt Nam và thể chế hoá đầy đủ, đúng đắn, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng…
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu tại phiên họp.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đánh giá những vấn đề được nêu ra tại phiên họp đều rất quan trọng đối với Bộ, ngành Tư pháp; đồng thời khẳng định bối cảnh mới sẽ mở ra nhiều cơ hội để tăng cường vai trò của Bộ, ngành trong giai đoạn tới. Vì vậy, Thứ trưởng đề nghị Hội đồng Khoa học Bộ tiếp tục phát huy vai trò của mình và tiếp tục đóng góp ý kiến đối với những vấn đề khó, mang tính chuyên sâu.
Kết luận phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh ghi nhận những ý kiến tâm huyết, chuyên môn trong việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp trong thời gian tới. Bộ trưởng nhấn mạnh việc sắp xếp, tổ chức bộ máy phải theo đúng tinh thần của Tổng Bí thư Tô Lâm; đó là đoàn kết, quyết tâm cao, dũng cảm; hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung. Bộ trưởng cũng lưu ý các nghiên cứu, đề xuất sắp xếp, tổ chức bộ máy phải dựa trên nguyên lý cơ bản, tuy nhiên lựa chọn phương án thì phải cân nhắc thêm kinh nghiệm quốc tế, truyền thống lịch sử, điều kiện thực tế đất nước và yêu cầu trong thời đại mới.
Về Hội đồng khoa học Bộ, Bộ trưởng đề nghị Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý, với tư cách là Thường trực Hội đồng, tiếp tục rà soát, cân nhắc bổ sung thêm những thành viên là các chuyên gia có kiến thức, kinh nghiệm, tâm huyết, có tinh thần xây dựng. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu Hội đồng nghiên cứu xây dựng cơ chế hoạt động theo định kỳ, đột xuất để phát huy hơn nữa vai trò của mình trong các công việc của Bộ, ngành Tư pháp.
Một số hình ảnh khác:
Anh Thư - Trung tâm thông tin