Ngày 08/11, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định đề nghị xây dựng dự án Luật Giám định tư pháp (sửa đổi). Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh chủ trì phiên họp.
Nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp
Phát biểu tại phiên họp, đồng chí Lê Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp cho biết: sau 12 năm triển khai thi hành Luật Giám định tư pháp năm 2012 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020), công tác giám định đã có những bước chuyển biến tích cực, ngày càng nề nếp, hiệu quả. Hệ thống các quy định pháp luật về giám định tư pháp ở các lĩnh vực tiếp tục được hoàn thành; đội ngũ người làm giám định tư pháp, hệ thống tổ chức giám định tư pháp tiếp tục được củng cố và phát triển. Hiệu quả hoạt động giám định tư pháp ngày càng được nâng cao; quản lý nhà nước về giám định tư pháp từng bước đổi mới, đi vào chiều sâu và toàn diện hơn.
Đồng chí Lê Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp phát biểu tại phiên họp.
Tuy nhiên, trước yêu cầu ngày càng cao của công cuộc cải cách tư pháp, cải cách hành chính, đấu tranh, phòng, chống tội phạm, nhất là về tham nhũng, kinh tế, công tác giám định tư pháp đã bộc lộ một số vướng mắc như: thiếu đội ngũ giám định viên có trình độ chuyên sâu; khâu trưng cầu, tiếp nhận, thực hiện giám định còn hạn chế; việc quản lý, sử dụng chi phí giám định còn bất cập…
Đồng chí Lê Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp trình bày tóm tắt nội dung Tờ trình.
Vì vậy, việc ban hành Luật Giám định tư pháp (sửa đổi) là cần thiết nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về cải cách tư pháp, đấu tranh, phòng, chống tham nhũng. Đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý mang tính đột phá, phát triển bền vững cho tổ chức, hoạt động giám định tư pháp, góp phần nâng cao chất lượng của hoạt động tố tụng; việc giải quyết các vụ án được kịp thời, khách quan, đúng pháp luật.
Cân nhắc kỹ việc xã hội hoá giám định tư pháp
Tại Hội nghị, các thành viên Hội đồng thẩm định đã trao đổi, thảo luận và cho ý kiến về các nội dung chính sách được đề xuất.
Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm lớn của các thành viên Hội đồng thẩm định là việc mở rộng phạm vi thành lập Văn phòng ở các lĩnh vực mà hoạt động tố tụng và tổ chức, cá nhân trong xã hội có nhu cầu giám định (AND, tài liệu, số khung, số máy…) (hay còn gọi là xã hội hoá giám định tư pháp). Theo đại diện Bộ Công an, nên cân nhắc bỏ quy định trên vì hoạt động giám định trong lĩnh vực pháp y và kỹ thuật hình sự có tính chất nhạy cảm, ảnh hưởng đến hoạt động khách quan của cơ quan tiến hành tố tụng. Do đó, đồng chí đề nghị giữ nguyên phạm vi hoạt động giám định của các tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập để bảo đảm tính khách quan, công bằng, nghiêm minh của cơ quan tiến hành tố tụng; đồng thời bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong các vụ án, vụ việc.
Đại diện Bộ Công an.
Bên cạnh đó, đồng chí cũng đề nghị bỏ nội dung “tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với việc bổ nhiệm giám định viên kỹ thuật hình sự tại các địa phương”. Đồng chí cho biết, công an cấp tỉnh không phải là cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, nên không thể đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm giám định viên tư pháp ở địa phương.
Đại diện Bộ Quốc phòng.
Nhất trí với ý kiến của Bộ Công an, đại diện Bộ Quốc phòng cho rằng, cần đánh giá nhu cầu của xã hội và khả năng đáp ứng của các tổ chức giám định công lập để làm rõ tính khả thi khi đề xuất mở rộng phạm vi hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp ngoài công lập, đặc biệt là đối với lĩnh vực giám định kỹ thuật hình sự. Ngoài ra, đồng chí cũng bày tỏ băn khoăn về vấn đề kinh phí đầu tư và nguồn giám định viên đáp ứng đủ trình độ, năng lực cho các Văn phòng giám định tư pháp ngoài công lập.
Về vấn đề này, Đại tá Hà Quốc Khanh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, chuyên gia trong ngành giám định AND lại cho rằng, việc mở rộng phạm vi thành lập Văn phòng giám định tư pháp là phù hợp với chỉ đạo của Đảng về tăng cường xã hội hoá công tác giám định tư pháp; đồng thời đáp ứng yêu cầu giám định của người tham gia tố tụng, tổ chức, cá nhân trong xã hội. Để đảm bảo tính chính xác của kết quả giám định của Văn phòng giám định tư pháp ngoài công lập, theo đồng chí, cần tăng cường quản lý nhà nước, nhất là kiểm tra, giám sát và chế tài xử lý các vi phạm trong hoạt động giám định tư pháp.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Về thẩm quyền bổ nhiệm giám định kỹ thuật hình sự, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, theo Khoản 1 Điều 9 Luật Giám định tư pháp, chỉ Bộ trưởng Bộ Công an mới được bổ nhiệm giám định kỹ thuật hình sự hoạt động tại các cơ quan ở Trung ương. Quy định này đã gây khó khăn cho các phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Trên thực tế, phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao mới chỉ có 01 giám định viên. Vì vậy, đồng chí đề nghị bổ sung nội dung quy định thẩm quyền của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao được bổ nhiệm và miễn nhiệm giám định viên tư pháp thuộc thẩm quyền quản lý.
Ngoài ra, đồng chí cũng đề nghị sửa đổi phạm vi giám định cho Phòng Giám định kỹ thuật hình sự từ “âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử” thành “giám định về âm thanh, kỹ thuật số điện tử ” cho phù hợp với thực tiễn.
Tăng cường quản lý nhà nước khi thực hiện xã hội hoá giám định tư pháp
Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đánh giá việc ban hành Luật Giám định tư pháp (sửa đổi) là cần thiết, phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng. Tuy nhiên, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát và chỉ quy định trong luật những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội và giao Chính phủ quy định các nội dung chi tiết; đồng thời bám sát quan điểm, chỉ đạo mới của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm và đồng chí Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trong xây dựng pháp luật.
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh phát biểu kết luận phiên họp.
Về việc mở rộng phạm vi thành lập Văn phòng giám định tư pháp; Thứ trưởng nhất trí với đề xuất của cơ quan chủ trì soạn thảo. Đồng thời, Thứ trưởng nhấn mạnh việc mở rộng này nhằm thể chế hoá các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực về tăng cường xã hội hoá giám định tư pháp và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới…; đáp ứng yêu cầu khách quan của thực tiễn. Cơ quan chủ trì cần tiếp tục rà soát, quy định chặt chẽ các nội dung liên quan, đảm bảo việc xã hội hoá giám định tư pháp sẽ khả thi, hiệu quả khi dự thảo Luật được ban hành.
Ngoài ra, Thứ trưởng yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo điều chỉnh tên gọi của 3 chính sách để phù hợp với nội dung, mục đích đề xuất chính sách; rà soát nội dung dự thảo Luật với các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tố tụng như Luật Tổ chức Toà án nhân dân, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên (đang xin ý kiến của Quốc hội)… để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật; đánh giá nguồn lực đảm bảo thực thi luật…
Luật Giám định tư pháp (sửa đổi) sẽ tập trung giải quyết 3 nhóm chính sách lớn. Cụ thể: Củng cố, phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ người giám định tư pháp và tổ chức giám định tư pháp; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám định tư pháp; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, bộ, ngành quản lý chuyên môn và địa phương nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giám định. |
Anh Thư - Trung tâm Thông tin