Hội thảo triển khai Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020

24/08/2011
Hội thảo triển khai Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020
Ngày 05/7/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1072/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020”. Để giới thiệu những nội dung cơ bản của Chiến lược đến các cơ quan, tổ chức có liên quan và trao đổi, thảo luận về các cơ chế, biện pháp nhằm thực thi có hiệu quả Chiến lược, ngày 24/8/2011, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo triển khai Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020.

Tham dự Hội thảo có đại diện Vụ Pháp luật, Văn phòng Chủ tịch nước; Vụ Pháp luật và cải cách tư pháp, Văn phòng Trung ương; Liên đoàn Luật sư Việt Nam; đại diện UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Điện Biên, Thái Nguyên, Hải Phòng; đại diện các Sở Tư pháp, Đoàn Luật sư, tổ chức hành nghề luật sư đã đến dự đông đảo. Bà  Đỗ Hoàng Yến, Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp đã chủ trì Hội thảo.

Hội thảo đã nghe ông Nguyễn Văn Bốn, Phó Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp giới thiệu nội dung cơ bản của Chiến lược và dự kiến Kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020. Trong thời gian qua, đội ngũ luật sư nước ta đã có sự phát triển nhanh chóng về số lượng, chất lượng cũng như tính chuyên nghiệp trong hoạt động hành nghề. Hiện nay, cả nước đã thành lập 62 Đoàn luật sư/ 63 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương với hơn 6.250 luật sư và hơn 3000 người tập sự hành nghề luật sư, hoạt động trong gần 2.750 tổ chức hành nghề luật sư, trong đó có khoảng 10 tổ chức hành nghề luật sư chuyên sâu về kinh doanh, thương mại đầu tư có yếu tố nước ngoài. Chất lượng của đội ngũ luật sư ở nước ta đang từng bước được nâng cao, bước đầu đáp ứng yêu cầu chuyên nghiệp hóa; số lượng vụ việc, khách hàng của luật sư nhiều hơn, đa dạng hơn, phạm vi hoạt động hành nghề của luật sư ngày càng được mở rộng, tỷ lệ khách hàng ở ngoài nước có xu hướng tăng nhanh. Vai trò của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư từng bước được khẳng định, đánh dấu bằng sự ra đời của Liên đoàn Luật sư Việt Nam vào ngày 12/5/2009. Hoạt động nghề nghiệp của luật sư thời gian qua không những đáp ứng nhu cầu giúp đỡ pháp lý ngày càng cao của cá nhân, cơ quan, tổ chức, góp phần tích cực trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, phục vụ tích cực cho công cuộc cải cách tư pháp, mà còn đóng góp tích cực, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

 

   

Bên cạnh những kết quả đạt được, tổ chức và hoạt động luật sư ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế. Số lượng luật sư hiện có so với dân số còn rất thấp và có sự phát triển mất cân đối lớn giữa khu vực thành thị - nông thôn, miền núi - đồng bằng, trung du và vùng sâu, vùng xa có điều kiện kinh tế khó khăn. Chất lượng của đội ngũ luật sư còn nhiều hạn chế, bất cập chưa đáp ứng được yêu cầu của cải cách tư pháp, phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Vị trí vai trò của luật sư trong xã hội và trong tham gia tố tụng còn hạn chế, chưa thực sự được nhìn nhận đúng và đầy đủ theo tinh thần của Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị. Nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò của luật sư trong việc tư vấn, giúp đỡ về mặt pháp lý chưa toàn diện sâu sắc; nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của luật sư còn ít. Hoạt động hành nghề của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư chưa mang tính chuyên nghiệp, số luật sư hành nghề kiêm nhiệm các công việc khác vẫn còn khá cao. Liên đoàn Luật sư Việt Nam mới được thành lập, tuy đã triển khai có kết quả nhiều hoạt động, bước đầu phát huy được vai trò tự quản nhưng vẫn còn trong giai đoạn xây dựng và hoàn thiện tổ chức và phương thức hoạt động.

Mục tiêu tổng quát trong thời gian tới, phát triển đội ngũ luật sư đến năm 2020 có từ 18.000 đến 20.000 luật sư, hành nghề chuyên sâu theo lĩnh vực pháp luật; nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư, chất lượng hoạt động hành nghề luật sư, vị trí, vai trò của luật sư trong hoạt động tố tụng, từng bước phát triển, mở rộng thị trường dịch vụ pháp lý, tạo nền tảng để phát triển nghề luật sư Việt Nam ngang tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Hội thảo còn được nghe các tham luận: Vị trí và trách nhiệm của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong công tác triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nghề luật sư của ông Nguyễn Văn Thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Những giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 của ông Vương Sỹ Mạnh, Trưởng phòng quản lý luật sư, Sở Tư pháp thành phố Hà Nội; Vai trò của doanh nghiệp trong việc thúc đẩy sự phát triển của nghề luật sư trong thời gian tới của bà Trần Thị Hải Yến, Phó Ban pháp chế, Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam và nhiều ý kiến đóng góp, xây dựng của các đại biểu tham dự.

Phát biểu kết thúc Hội thảo, bà Đỗ Hoàng Yến ghi nhận những ý kiến đóng góp quý báu của các đại biểu và hy vọng trong thời gian tới chiến lược phát triển nghề luật sư sẽ gặt hái được nhiều kết quả to lớn.

T/N