Thực hiện Quyết định số 1707/QĐ-BTP ngày 17/9/2024 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản, trong các ngày 09/10/2024 và 10/10/2024, Đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Tư pháp do Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh làm Trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản tại Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bình Định. Thành phần Đoàn kiểm tra gồm đại diện Bộ Tư pháp (Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật) và đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Thuỷ sản, Cục Kiểm ngư).
Tiếp và làm việc với Đoàn kiểm tra có đồng chí Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đại diện một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tư pháp), UBND một số huyện, thành phố thuộc tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đã phát biểu về mục đích, yêu cầu, nội dung kiểm tra và những vấn đề cần lưu ý trong quá trình kiểm tra. Thứ trưởng nhấn mạnh, trong bối cảnh toàn hệ thống chính trị đang vào cuộc thực hiện các biện pháp tăng cường phòng, chống các hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU) nhằm sớm gỡ Thẻ vàng của EC, thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản; Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 22/4/2024 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động và Kế hoạch của Chính phủ triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, để tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến khai thác IUU, việc kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản (tập trung là các hành vi liên quan đến khai thác IUU) là rất cần thiết.
Đại diện UBND tỉnh Bình Định cho biết, thời gian qua, công tác phòng, chống khai thác IUU luôn được Lãnh đạo UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, trực tiếp chỉ đạo quyết liệt. UBND tỉnh đã ban hành 02 Kế hoạch, 09 văn bản chỉ đạo có nội dung liên quan đến công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm trong lĩnh vực thủy sản, đặc biệt là các hành vi vi phạm quy định về khai thác IUU; giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu, triển khai thi hành các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, thanh tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm về khai thác IUU; tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phổ biến pháp luật, hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ trong lĩnh vực này. Từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/8/2024, các cơ quan có thẩm quyền (các cơ quan thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh) đã ban hành 107 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Tuy nhiên, hiện nay, tình hình tàu cá Bình Định vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn xảy ra, có dấu hiệu gia tăng hơn so với năm 2023.
Trên cơ sở báo cáo do đại diện UBND tỉnh Bình Định trình bày và kết quả kiểm tra sơ bộ một số hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính do Chủ tịch UBND tỉnh (hoặc cấp phó được giao quyền) và các chức danh thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra quyết định, Đoàn kiểm tra đã có những nhận định sơ bộ về kết quả kiểm tra hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính. Kết quả kiểm tra hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính cho thấy, nhìn chung, các hồ sơ được kiểm tra đã được lập đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền; việc áp dụng chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm về cơ bản theo đúng quy định. Tuy nhiên, kết quả thực hiện công tác này tại UBND tỉnh Bình Định vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định. Vì vậy, để thực hiện mục tiêu sớm gỡ “Thẻ vàng”, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đề nghị Lãnh đạo tỉnh Bình Định cần tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo, điều hành.
Đồng thời phải xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, tiếp tục quán triệt sâu rộng tới Lãnh đạo các đơn vị thuộc UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, đơn vị có liên quan, bảo đảm nhận thức đầy đủ, thống nhất về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng, sự cấp thiết trong công tác chống khai thác IUU; đi sâu tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân, đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tập trung nguồn lực tổ chức thi hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh cần chủ động, phối hợp trao đổi thông tin, tổng hợp khó khăn, vướng mắc, bất cập trong việc áp dụng các quy định pháp luật xử lý vi phạm hành chính về chống khai thác IUU (đặc biệt là các quy định tại Nghị định số 38/2024/NĐ-CP ngày 05/4/2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản), kịp thời gửi văn bản cho Bộ chủ quản và Bộ Tư pháp để phối hợp giải quyết. Trong trường hợp cần thiết, có thể tổ chức họp liên ngành để trực tiếp trao đổi, thảo luận, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn phát sinh.
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh một lần nữa nhấn mạnh, công tác phòng, chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách hàng đầu, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thuỷ sản. Là địa phương có lượng tàu đông đảo, ngành thủy sản phát triển và là một trong những trụ cột của nền kinh tế địa phương, Bình Định cần tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, quyết tâm thực hiện mục tiêu gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của EC trong năm 2024.