Ngày 9/10, Bộ Tư pháp tổ chức họp Tổ biên tập xây dựng dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Thứ trưởng Trần Tiến Dũng, Phó trưởng Ban soạn thảo, Tổ trưởng Tổ biên tập chủ trì cuộc họp.
Tham dự cuộc họp có thành viên tổ biên tập, nhà khoa học, các chuyên gia đến từ các bộ, ngành liên quan.
Tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Trần Anh Đức đã báo cáo tiến độ soạn thảo và kết quả chỉnh lý dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL).
Theo ông Trần Anh Đức, thực hiện chỉ đạo của Thứ trưởng Trần Tiến Dũng, Phó trưởng Ban soạn thảo, Tổ trưởng Tổ biên tập, Thường trực Tổ biên tập đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị đề xuất nội dung dự thảo Luật. Hiện tại, Thường trực tổ biên tập đã nhận được 14/14 ý kiến của các cơ quan, đơn vị.
Ngày 4/10 vừa qua, Thường trực tổ biên tập đã họp góp ý kiến dự thảo Luật và trên cơ sở đó nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật. Kết quả đã có Dự thảo 1 với 18 Chương, 166 điều. Trong đó, Chương I quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; hệ thống VBQPPL; nguyên tắc xây dựng, ban hành và tổ chức thi hành VBQPPL; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức cá nhân trong xây dựng, ban hành VBQPPL; phản biện xã hội... Chương II quy định thẩm quyền ban hành và nội dung của từng loại VBQPPL trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Chương III đến Chương XI quy định về trình tự, thủ tục ban hành từng loại VBQPPL; xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn…
Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Trần Anh Đức đã báo cáo tiến độ soạn thảo và kết quả chỉnh lý dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Cũng theo Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, những nội dung mới của Dự thảo Luật so với Luật hiện hành gồm: Bổ sung phạm vi điều chỉnh một số quy định về “tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật”, bảo đảm gắn kết với xây dựng, ban hành VBQPPL; bỏ thẩm quyền ban hành VBQPPL của cấp xã; Bổ sung rõ hơn quy định về phản biện xã hội, trong đó đưa ra nội dung phản biện, hình thức phản biện, phương pháp phản biện xã hội; Bổ sung nội dung quy định ban hành VBQPPL thuộc bí mật nhà nước; Bổ sung trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ, công chức, người làm công tác xây dựng pháp luật liên quan đến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong công tác xây dựng pháp luật…
Tại cuộc họp, các thành viên đã đóng góp ý kiến để hoàn thiện các quy định trong Dự thảo báo cáo. Trong đó, nhiều thành viên đồng tình với việc cần có quy định về trình tự, thủ tục ban hành VBQPPL thuộc bí mật nhà nước, không nên bỏ thẩm quyền ban hành VBQPPL của cấp xã, trách nhiệm người đứng đầu. Ngoài ra, thành viên khác còn góp ý về nội dung các chương, thẩm quyền ban hành VBQPPL; khái niệm…
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến góp ý của các thành viên Tổ biên tập, chuyên gia, nhà khoa học đối với dự thảo Luật. Thứ trưởng đề nghị Tổ biên tập trong thời gian tới cần tập trung xây dựng các điều khoản cụ thể của dự thảo Luật, điều chỉnh kết cấu dự thảo Luật đảm bảo ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng, với tinh thần chung là định hướng xây dựng các đạo luật với những điều khoản mang tính nguyên tắc, đã chín, đã rõ, không quy định quá chi tiết, cụ thể các điều khoản.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng kết luận cuộc họp.
Cần đảm bảo việc thể chế hóa Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật vào dự thảo Luật, quy định cụ thể trách nhiệm của các chủ thể, đồng thời thiết kế các trường hợp loại trừ; cần thiết kế các điều khoản để kiểm soát việc quy định thủ tục hành chính tại các văn bản quy phạm pháp luật, trách nhiệm nêu rõ các quy định về phân cấp, phân quyền khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan soạn thảo.
Đối với việc bảo đảm kinh phí và nguồn lực cho công tác xây dựng và thi hành VBQPPL, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đề nghị cần tập trung xây dựng cơ chế, chế độ đặc thù cho người làm công tác xây dựng pháp luật, chính sách thu hút các chuyên gia, nhà khoa học, gắn với từng giai đoạn của quy trình xây dựng pháp luật.
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng đề nghị Tổ biên tập tập trung soạn thảo các điều khoản về giải thích từ ngữ, áp dụng pháp luật, hiệu lực trở về trước… tại dự thảo Luật; yêu cầu Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luât, Tổ biên tập đẩy nhanh tiến độ, thiết kế, tổ chức các buổi làm việc tập trung để đảm bảo tiến độ soạn thảo, hoàn thiện dự thảo Luật./.