Bộ Tư pháp họp báo Quý III/2024: Nhiều kết quả nổi bật trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số

07/10/2024
Bộ Tư pháp họp báo Quý III/2024: Nhiều kết quả nổi bật trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số
Ngày 07/10, Bộ Tư pháp tổ chức họp báo thường kỳ về công tác tư pháp Quý III/2024. Đồng chí Đỗ Xuân Quý, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của Bộ chủ trì họp báo.
Theo Báo cáo tại buổi họp báo, trong Quý III/2024, Bộ Tư pháp đã triển khai toàn diện, đầy đủ và đảm bảo tiến độ các nhiệm vụ được giao và đã đạt được nhiều kết quả đáng chú ý.
Xây dựng nhiều dự án Luật quan trọng
Bộ Tư pháp đã trình 03/03 văn bản, đề án theo Chương trình, kế hoạch công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt đối với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, nhằm xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, ổn định, minh bạch, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh. Hiện nay, Bộ đang tập trung hoàn thiện dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8; xây dựng Luật Thi hành án dân sự, đề nghị xây dựng Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), đề nghị xây dựng Luật Luật sư (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật Giám định tư pháp (sửa đổi). Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã có ý kiến thẩm định đối với 06 đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và 48 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (Từ ngày 22/6/2024 đến 23/9/2024).
 

Đồng chí Đỗ Xuân Quý, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của Bộ.

Rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật
Thực hiện nhiệm vụ của Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ tiến hành rà soát đối với các VBQPPL với trọng tâm là: “rà soát, xử lý các vướng mắc có tính chất cấp bách tại một số luật nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô” theo đúng tinh thần tại Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 05/6/2024, Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 18/6/2024 của Chính phủ. Trên cơ sở các báo cáo rà soát của Bộ Tư pháp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu xây dựng 03 dự án luật sửa đổi, bổ sung 12 luật nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông các nguồn lực, giải quyết, khắc phục các điểm nghẽn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đời sống của nhân dân. Hiện nay, 03 dự án luật này đã đang được các Bộ xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8 theo quy trình một kỳ họp (tháng 10/2024).
Kết quả THADS về việc và về tiền đều tăng cao
Công tác thi hành án dân sự (THADS), theo dõi thi hành án hành chính (THAHC) thời gian qua tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực, kết quả THADS về việc và về tiền cao nhất từ trước đến nay. Cụ thể, về việc, đã thi hành xong hơn 621.568 việc, tăng 45.901 việc (tăng 7,97%) so với cùng kỳ năm 2023; đạt tỉ lệ 83,86% (tăng 0,62%) so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn 0,61% so với chỉ tiêu của Tổng cục giao trên 83,25%.
Về tiền, thi hành xong 117.349 tỷ 257 triệu 059 nghìn đồng, tăng 27.843 tỷ 730 triệu 309 nghìn đồng (tăng 31,11%) so với cùng kỳ năm 2023; đạt tỉ lệ 51,46% (tăng 5,01%) so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn 5,01% so với chỉ tiêu của Tổng cục giao trên 46,45%.
Kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là 9.211 việc với hơn 22.000 tỷ đồng.
Về kết quả thi hành án hành chính, trong 12 tháng năm 2024, tổng số bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính có nội dung phải thi hành là 1.973 bản án, tăng 599 bản án so với cùng kỳ năm 2023 (tăng 73.7%). Số bản án Tòa án đã ra quyết định buộc THAHC là 652 bản án.
Kết quả, các cơ quan hành chính nhà nước đã thi hành xong 896/1.973 bản án, quyết định (tăng 314 bản án, quyết định so với cùng kỳ năm 2023); số bản án bị hủy, hoãn, tạm đình chỉ thi hành: 11 bản án; số bản án đang tiếp tục thi hành: 1.066 bản án, chủ yếu là các bản án mới phát sinh trong năm 2023 và năm 2024.
Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp được vinh danh Cơ quan Nhà nước chuyển đổi số xuất sắc 
Công tác chuyển đổi số của Bộ, ngành Tư pháp có những chuyển biến tích cực. Đặc biệt, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp được vinh danh Cơ quan Nhà nước chuyển đổi số xuất sắc với sản phẩm Hệ thống đăng ký trực tuyến về biện pháp bảo đảm bằng động sản tại Lễ trao Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards 2024 (VDA) được tổ chức vào ngày 04/10/2024. Kết quả này đã đánh dấu kết quả nỗ lực không ngừng của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm nói riêng và Bộ Tư pháp nói chung trong việc cung cấp dịch vụ công với chất lượng cao, hiệu quả nhất cho người dân, doanh nghiệp.
Trong công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Bộ Tư pháp tiếp tục hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Đề án “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử”; ban hành nhiều văn bản quán triệt, đôn đốc địa phương trong việc triển khai số hoá sổ hộ tịch; phối hợp các cơ quan có liên quan hỗ trợ địa phương kết nối, tích hợp chia sẻ dữ liệu giữa Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh với Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch điện tử dùng chung của Bộ Tư pháp để bảo đảm việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ liên thông điện tử liên quan đến khai sinh, khai tử theo đúng quy định.
Trong hoạt động cấp Phiếu lý lịch tư pháp, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Công an ban hành Quy trình thực hiện thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) trên ứng dụng định danh quốc gia (VNeID) để triển khai thực hiện thí điểm trên toàn quốc từ ngày 01/10/2024 tới ngày 30/6/2025; phối hợp hướng dẫn địa phương để kết nối Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh/thành phố với Ứng dụng VNeID và Phần mềm Quản lý lý lịch tư pháp dùng chung của Bộ Tư pháp. Đến nay, có 63/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện kết nối, trong đó, có 48/63 tỉnh/thành phố đã thử nghiệm thành công về kỹ thuật, trong đó có 05 địa phương đã hoàn thành việc quét an toàn, an ninh, bảo mật thông tin để sẵn sàng thực hiện thí điểm cấp Phiếu LLTP trên Ứng dụng định danh quốc gia VNeID, các tỉnh đã thử nghiệm thành công còn lại đang thực hiện kiểm thử toàn trình, chuẩn bị đánh giá an toàn thông tin… Đây là bước tiến quan trọng trong quá trình thực hiện chuyển đổi số quốc gia, giúp nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, giảm thiểu thời gian, chi phí và giấy tờ không cần thiết, đồng thời tăng cường tính minh bạch và an toàn thông tin.
Diễn đàn “Kinh doanh và Pháp luật” sẽ được tổ chức vào ngày 09/10/2024.
Tại buổi họp báo, đồng chí Lê Vệ Quốc - Cục trưởng Cục Phổ biến giáo dục pháp luật đã thông tin về chủ đề, thời gian, địa điểm, thành phần tham dự và quá trình chuẩn bị cho Diễn đàn “Kinh doanh và Pháp luật” năm 2024. Theo đó, Diễn đàn sẽ được tổ chức vào ngày 09/10/2024 với chủ đề “Chung tay tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp”. Nội dung Diễn đàn tập trung thảo luận hai vấn đề lớn gồm: Các vướng mắc pháp lý về trình tự, thủ tục các dự án đầu tư có sử dụng đất và giải pháp tháo gỡ; các vướng mắc pháp lý về thuế và giải pháp tháo gỡ.
 

Đồng chí Lê Vệ Quốc - Cục trưởng Cục Phổ biến giáo dục pháp luật.

Đồng chí hy vọng Diễn đàn sẽ là cơ hội để cơ quan nhà nước lắng nghe các ý kiến phản ánh từ phía cộng đồng doanh nghiệp, kịp thời nắm bắt, nhận diện những vướng mắc pháp lý, khó khăn, cản trở từ quá trình tổ chức thực hiện, từ đó, đưa ra các giải pháp tháo gỡ, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Phát động Giải Báo chí toàn quốc về ngành Tư pháp lần thứ nhất
Cũng tại buổi họp báo, đồng chí Trần Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam đã cung cấp thông tin về Giải Báo chí toàn quốc về ngành Tư pháp lần thứ nhất.
 

Đồng chí Trần Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam.

Giải báo chí nhằm khẳng định vị trí, vai trò, những đóng góp to lớn của Bộ, ngành Tư pháp trong 80 năm xây dựng và trưởng thành đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là dấu ấn của Bộ, ngành trong công tác hoàn thiện thể chế, thi hành pháp luật, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Đồng thời góp phần phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, những người làm công tác báo chí trong việc phát hiện, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình hay, sáng kiến tốt trong công tác tư pháp…
Đối tượng tham dự Giải gồm tất cả các công dân Việt Nam không vi phạm đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, Luật báo chí, Luật sở hữu trí tuệ và các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Tác phẩm tham dự Giải báo chí thuộc tất cả các thể loại báo chí viết về công tác Tư pháp trên toàn quốc (trừ tin và ảnh), được đăng từ ngày 01/5/2023 đến ngày 30/5/2025 trên các loại hình báo in và báo điện tử của các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động. Mỗi tác giả, nhóm tác giả được gửi tối đa 03 tác phẩm tham dự Giải. Số tác giả của một nhóm tác giả không quá 07 người.
 

Đồng chí Nguyễn Thắng Lợi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự.

Tại buổi họp báo, công tác Thi hành án dân sự (kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng…), việc cấp lý lịch tư pháp trên VNeID;... được các phóng viên, nhà báo đặc biệt quan tâm.
Trả lời câu hỏi về thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, đồng chí Nguyễn Thắng Lợi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) cho biết, mảng THADS trong các vụ án kinh tế, tham nhũng nói riêng và công tác THADS nói chung luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Tổng Cục THADS đã thực hiện đồng bộ các giải pháp như hoàn thiện thể chế; đổi mới, quyết liệt, sát sao trong công tác chỉ đạo điều hành; tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra giám sát; chú trọng tăng cường nguồn lực về con người, cơ sở vật chất; tăng cường chức danh tư pháp, chấp hành viên thực hiện nhiệm vụ… Nhờ đó, kết quả THADS năm 2024 về việc và về tiền cao nhất từ trước đến nay và đồng đều, toàn diện trên tất cả các mặt: án tín dụng ngân hàng, án tham nhũng kinh tế, án hành chính,… Đồng chí cho biết trong thời gian tới, Tổng cục sẽ tiếp tục khắc phục khó khăn, chủ động, quyết liệt thực hiện các giải pháp nói trên. Ngoài ra, đồng chí cũng cung cấp thông tin thi hành án đối với 1 số vụ việc cụ thể như: tập đoàn Tân Hoàng Minh, tập đoàn FLC…
 

Đồng chí Đỗ Thị Thúy Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp.

Về tình hình thực hiện cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh quốc gia VNeID, đồng chí Đỗ Thị Thúy Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp cho biết, sau thời gian thực hiện thí điểm tại thành phố Hà Nội và tỉnh Thừa Thiên Huế (từ ngày 22/4/2024), việc cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID đã nhận được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, tại 2 tỉnh, thành phố thí điểm, trên 70% yêu cầu cấp phiếu của người dân đã được thực hiện trên VNeID. Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Chính phủ đã cho phép triển khai thí điểm trên toàn quốc từ ngày 1/10/2024.
Để đảm bảo tiến độ thí điểm toàn quốc, Bộ Tư pháp đã xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể; đồng thời phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an ban hành quy trình thí điểm cấp phiếu VneID trên toàn quốc và gửi văn bản hướng dẫn tới 63 tỉnh, thành phố. Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp, Bộ Công an và các cơ quan tư pháp địa phương sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp như điều chỉnh một số tính năng trên phần mềm và các dịch vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu; tổ chức tập huấn kỹ thuật; kiểm thử toàn trình; thực hiện rà quét an toàn... để đảm bảo sự kết nối thông suốt của hệ thống cấp phiếu lý lịch tư pháp. Qua đó nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, giảm thiểu thời gian, chi phí và giấy tờ không cần thiết, tăng cường tính minh bạch và an toàn thông tin.
 







Đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp trả lời các câu hỏi được phóng viên, nhà báo, các cơ quan báo chí quan tâm
 
Anh Thư