Thứ trưởng Trần Tiến Dũng dự phiên thẩm tra sơ bộ Báo cáo tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết

13/09/2024
Thứ trưởng Trần Tiến Dũng dự phiên thẩm tra sơ bộ Báo cáo tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết
Sáng 10/9, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật tổ chức phiên họp mở rộng thẩm tra sơ bộ Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp.
Tham dự phiên họp có các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật: Nguyễn Trường Giang, Ngô Trung Thành, Trần Hồng Nguyên, Nguyễn Phương Thủy; các Ủy viên Thường trực, Ủy viên Chuyên trách Ủy ban Pháp luật; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao Nguyễn Duy Giảng; đại diện các bộ, ngành có liên quan;…
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, để chuẩn bị nội dung phục vụ Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tháng 9/2024), thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Thường trực Ủy ban Pháp luật tổ chức phiên họp mở rộng để thẩm tra sơ bộ Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024. Tài liệu phiên họp đã gửi tới các vị đại biểu; Báo cáo của Chính phủ được thực hiện công phu, đầy đủ thông tin có kèm theo Phụ lục chi tiết và cơ bản nội dung thể hiện bám sát Đề cương đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ thống nhất ban hành trước đó.
Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng nêu rõ, Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024, đã chỉ đạo quán triệt, chấp hành nghiêm, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, thực chất các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ; yêu cầu tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, các quy định về kinh doanh.
 

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng.
 
Đồng thời, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo giao các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải trực tiếp phụ trách, chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật, thực hiện các nhiệm vụ lập pháp, đẩy mạnh công tác rà soát, hệ thống pháp luật, chú trọng vào lĩnh vực có nhiều vướng mắc, bất cập, kịp thời đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, đáp ứng yêu cầu phản ứng chính sách. Thường trực Chính phủ, Chính phủ tổ chức nhiều cuộc họp, phiên họp về xây dựng pháp luật thảo luận kỹ về các đề nghị xây dựng, hồ sơ dự án luật, nghị quyết. Lãnh đạo Chính phủ tăng cường làm việc trực tiếp với các bộ, ngành, địa phương để cho ý kiến, chỉ đạo về những vấn đề lớn, phức tạp, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong từng dự án luật, dự thảo nghị quyết, chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền các vấn đề phát sinh, cấp bách từ thực tiễn cần có phản ứng chính sách phù hợp.
Nhằm nâng cao kết quả thi hành pháp luật, từ năm 2023 đến nay, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức 03 hội nghị triển khai thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, nhằm sớm đưa các luật, nghị quyết đi vào cuộc sống; giúp cán bộ, công chức, viên chức hiểu đúng, hiểu rõ, nắm chắc, tự tin trong áp dụng pháp luật, khắc phục tình trạng sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cũng thông tin cụ thể về: Kết quả xây dựng, trình dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết; Kết quả xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết; Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; Công tác rà soát, hợp nhất, pháp điển, hệ thống hóa, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; Công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật và kiểm soát thủ tục hành chính;…Cụ thể:
Tại các phiên họp Chính phủ từ tháng 10/2023 đến nay, Chính phủ đã xem xét, cho ý kiến đối với 24 đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết và 21 dự án luật, dự thảo nghị quyết; trình Quốc hội thông qua 26 dự án luật, nghị quyết và cho ý kiến lần đầu đối với 09 dự án luật. Đặc biệt trong năm 2023 và năm 2024 không có tình trạng xin rút các dự án đã có trong Chương trình. 
 

Quang cảnh phiên họp.
 
Tính từ ngày 01/10/2023 đến ngày 01/8/2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ có nhiệm vụ xây dựng, ban hành 262 văn bản. Trong số này có 129 văn bản phải được ban hành để quy định chi tiết các luật đã có hiệu lực và 133 văn bản được ban hành để quy định chi tiết các luật, nghị quyết, nội dung giao quy định chi tiết sẽ có hiệu lực trong thời gian tới. Kết quả cụ thể như sau:
- Đối với 129 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết đã có hiệu lực: Đã ban hành được 108/129 văn bản, còn 21/129 văn bản chưa kịp ban hành.
- Đối với 133 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết có hiệu lực trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã, đang chỉ đạo các bộ soạn thảo, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền. 
So với cùng kỳ các năm trước cho thấy, nhiệm vụ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết là rất lớn, tăng 133 văn bản so với năm 2023, tăng 152 văn bản so với năm 2022. Mặc dù vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng cơ bản đã hoàn thành nhiệm vụ đặt ra, số lượng văn bản chưa kịp ban hành đã giảm so với cùng kỳ các năm trước (số văn bản chưa kịp ban hành chỉ chiếm 16.27%, so với năm 2023 là 24.13%). 
- Theo báo cáo của các bộ, địa phương, kết quả rà soát văn bản trên cả nước trong năm 2023, tổng số văn bản rà soát: 33.061 văn bản, tăng 3.943 văn bản so với năm 2022; Tổng số văn bản đã xử lý sau rà soát: 5.029 văn bản trên tổng số 5.771 văn bản phải xử lý, tăng 938 văn bản so với năm 2022.
Bên cạnh đó, Chính phủ hiện nay đang chỉ đạo thực hiện thêm một số nhiệm vụ để thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội về rà soát hệ thống văn bản và rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống pháp luật, trên cơ sở đó báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV xem xét, ban hành một Luật sửa nhiều Luật để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn….
Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến cơ bản tán thành với những kết quả đạt được trong công tác tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được nêu trong Báo cáo của Chính phủ; đồng thời đánh giá cao sự nỗ lực, trách nhiệm, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nghiêm túc triển khai thực hiện của các Bộ, ngành, địa phương để đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành pháp luật.
Cùng với những kết quả đạt được, các ý kiến cũng chỉ ra một số hạn chế trong thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thời gian qua như: Số lượng dự án luật, dự thảo nghị quyết phải trình ở từng kỳ họp Quốc hội rất lớn; Tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, chưa bảo đảm tính đồng bộ, tính thống nhất giữa các Văn bản quy phạm pháp luật hoặc quy định không rõ ràng, cụ thể, thậm chí cùng một quy định nhưng có nhiều cách hiểu khác nhau gây khó khăn cho công tác thi hành pháp luật.
Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến tại phiên họp thẩm tra để hoàn thiện báo cáo. Đồng thời, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu liên quan đến: kết quả xử lý sau rà soát, kết quả thực hiện kết luận giám sát văn bản quy phạm pháp luật;…
 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.
 
Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, với tinh thần làm việc khẩn trương, trách nhiệm, phiên họp thẩm tra sơ bộ đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra với nhiều ý kiến phong phú, sâu sắc, toàn diện. Báo cáo của Chính phủ đã cơ bản bám sát Đề cương; nội dung thông tin, số liệu đầy đủ, kèm Phụ lục chi tiết;... phản ánh cơ bản toàn diện bức tranh tổng thể tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024. Đồng thời làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu trong công tác hoàn thiện thể chế, chậm ban hành/nợ đọng văn bản; phân tích và chỉ  rõ hơn nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên các lĩnh vực thực hiện;...