Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh làm việc với Đồng Nai: “Đồng Nai là điển hình của công tác PBGDPL”

13/09/2024
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh làm việc với Đồng Nai: “Đồng Nai là điển hình của công tác PBGDPL”
Tiếp tục chương trình làm việc của Đoàn kiểm tra của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) Trung ương, chiều 12/9/2024, Đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Đồng Nai do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh – Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương làm trưởng đoàn.
Thành viên của đoàn có ông Nguyễn Lam – Phó Trưởng ban Ban Dân vận Trung ương, đại diện Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam; ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); đại diện các Bộ Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam…Tiếp và làm việc với đoàn có ông Nguyễn Sơn Hùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, bà Võ Thị Xuân Đào – Giám đốc Sở Tư pháp, lãnh đạo các sở, ban, ngành của Đồng Nai.

Triển khai đồng bộ, kịp thời các nội dung của PBGDPL
Tại buổi làm việc, Bà Nguyễn Thị Kim Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Đồng Nai đã báo cáo kết quả hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh Đồng Nai năm 2023 và 06 tháng đầu năm 2024. Theo báo cáo, hiện nay, Hội đồng phối hợp PBGDPL gồm 58 thành viên, các thành viên đã tập trung triển khai các nội dung theo kế hoạch của Chủ tịch UBND tỉnh và của Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh. Cụ thể, thực hiện 12.195 cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật trực tiếp với 855.307 lượt người tham dự; biên soạn, cấp phát miễn phí 1.137.454 bản tài liệu; tổ chức 204 cuộc thi, hội thi tìm hiểu pháp luật với 751.662 lượt thi...
 
Toàn cảnh buổi làm việc chiều 12/9.

Sở TN&MT đã tổ chức 13 hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường cho 1.443 người, tổ chức phổ biến Luật Đất đai năm 2024 cho 1.266 người. Tương tự, Sở KHĐT tổ chức 4 hội nghị tập huấn chính sách mới đến các doanh nghiệp, hợp tác xã với hơn 880 lượt người tham dự. Đoàn Luật sư tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho hơn 2.300 lượt người, tư vấn và trợ giúp pháp lý cho 420 lượt người.
Với vai trò là Thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh, hằng năm, Sở Tư pháp đã tham mưu xây dựng các kế hoạch, hướng dẫn công tác PBGDPL cho Hội đồng. Đồng thời ban hành các văn bản thực hiện, báo cáo công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở và chuẩn tiếp cận pháp luật…
 
Bà Võ Thị Xuân Đào – Giám đốc Sở Tư pháp Đồng Nai phát biểu tại buổi làm việc.

Trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, Sở Tư pháp đã thực hiện biên tập nội dung, in ấn và phát hành 37.500 tờ gấp tuyên truyền về lý lịch tư pháp, dịch vụ công trực tuyến và 14.000 áp - phích tuyên truyền về lý lịch tư pháp, bản sao điện tử,… cấp phát đến UBND cấp huyện, cấp xã, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Sở cũng vận hành hiệu quả trang Thông tin PBGDPL tỉnh Đồng Nai, thường xuyên cập nhật các tin, bài về các quy định pháp luật mới, các sự kiện, hoạt động PBGDPL trên địa bàn tỉnh.
Hiện tại, đội ngũ công chức làm công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh là 3.347 người (bao gồm: 309 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 350 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 2.688 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã).

Nhiều mô hình tuyên truyền mới
Về tình hình ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL, theo báo cáo,Chủ tịch UBND Đồng Nai đã chỉ đạo Sở Tư pháp xây dựng Trang thông tin điện tử PBGDPL tỉnh tại địa chỉ http://pbgdpl.dongnai.gov.vn và đi vào hoạt động từ tháng 3/2021. Song song đó, trong năm 2023 và năm 2024, Sở Tư pháp đã tổ chức 02 cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến thu hút hơn 697.505 lượt thi. Đáng chú ý là cuộc thi trực tuyến về định danh điện tử cho học sinh, sinh viên.
Về tình hình triển khai thực hiện 6 Chương trình, Đề án về PBGDPL của Chính phủ, bộ ngành, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường triển khai thực hiện các chương trình, đề án theo chỉ đạo của Trung ương.
 
Ông Phan Hồng Nguyên – Phó Cục trưởng Cục PBGDPL, Bộ Tư pháp báo cáo kết quả kiểm tra tại huyện Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai) sáng cùng ngày.

Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Thị Kim Hương, công tác PBGDPL đã hình thành nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả được các cơ quan, địa phương của tỉnh triển khai thời gian qua như: tổ chức các cuộc thi trực tuyến; tuyên truyền, PBGDPL bằng hình thức trực tuyến, sân khấu hóa; mô hình “Pháp luật cho mọi người”, xây dựng các câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”, “Nông dân với pháp luật”… Đặc biệt, tỉnh Đồng Nai tổ chức bình chọn và vinh danh Chương trình “Gương sáng pháp luật Đồng Nai” năm 2024 vào Ngày Pháp luật Việt Nam (09/11).
Hiện trên địa bàn tỉnh có 929 tổ hòa giải với 5.395 hòa giải viên. Trong 2 năm qua tiến hành kiểm tra thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở lồng ghép với kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại 14 lượt đơn vị cấp huyện và 50 lượt đơn vị cấp xã. Bên cạnh đó, thực hiện thí điểm mô hình "Một Tổ hòa giải có ít nhất 01 luật gia" tại huyện Long Thành và TP Biên Hòa. Các tổ hòa giải đã tiếp nhận 1.739 vụ việc yêu cầu hòa giải. Trong đó hòa giải thành: 1.584 vụ (đạt tỷ lệ 91,3%).

Bảy nhiệm vụ trọng tâm
Đánh giá chung về công tác PBGDPL của tỉnh Đồng Nai, báo cáo nêu rõ công tác PBGDPL đã thực sự trở thành nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Có sự tham gia, vào cuộc của các cấp, các ngành; cơ bản bảo đảm được quyền thông tin về pháp luật của công dân. Nguồn lực và các điều kiện bảo đảm cho công tác PBGDPL được quan tâm hơn. Nội dung tuyên truyền, phổ biến có trọng tâm, trọng điểm, hình thức và biện pháp PBGDPL được lựa chọn phù hợp với địa bàn và đối tượng. Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong công tác tuyên truyền, phổ biến tiếp tục được chú trọng và triển khai rộng rãi.
 
Thành viên Đoàn kiểm tra trao đổi ý kiến với địa phương.

Bên cạnh những mặt tích cực, theo báo cáo, công tác PBGDPL còn một số điểm tồn tại, hạn chế. Đội ngũ làm công tác PBGDPL tuy đông về số lượng, nhưng năng lực không đồng đều. Việc xã hội hóa công tác PBGDPL còn gặp nhiều khó khăn, công tác vận động, huy động các lực lượng xã hội nhất là kinh phí từ các tổ chức, cá nhân phục vụ công tác chưa cao. Năng lực trình độ của đội ngũ hòa giải viên mặc dù đã được tăng cường bồi dưỡng nhưng chưa đồng đều, chưa thu hút được đội ngũ người có hiểu biết về pháp luật tham gia làm hòa giải viên ở cơ sở.
Nhìn nhận hoạt động PBGDPL của Đồng Nai trong thời gian qua, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sơn Hùng khẳng định, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn xác định công tác PBGDPL là khâu đầu tiên đưa pháp luật vào cuộc sống. Có nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân mới xây dựng được tinh thần thượng tôn pháp luật và tạo môi trường xã hội an toàn, bền vững. Những vấn đề hạn chế, tồn tại trong công tác PBGDPL của tỉnh, ông Nguyễn Sơn Hùng thay mặt UBND tỉnh tiếp thu các ý kiến của đoàn kiểm tra, khắc phục hạn chế để làm tốt hơn trong các năm sau.
 
Ông Nguyễn Sơn Hùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai ghi nhận, tiếp thu ý kiến của Đoàn kiểm tra.

Phát biểu chỉ đạo trong buổi kiểm tra, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh - Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương – đã đánh giá cao những nỗ lực của Đồng Nai trong công tác PBGDPL. “Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành về PBGDPL được cả hệ thống chính trị Đồng Nai quan tâm. Sở Tư pháp đã triển khai các kế hoạch đầy đủ, đồng bộ”, Thứ trưởng nói. Thay mặt Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương, ông Nguyễn Thanh Tịnh ghi nhận những thành tựu của công tác PBGDPL của Đồng Nai.
Thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh đề nghị tỉnh Đồng Nai tiếp tục phát huy hơn nữa trong công tác PBGDPL tại địa phương, tập trung vào bảy nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trước hết là phát huy tối đa cơ cấu hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh. Từng thành viên cần có đánh giá kết quả hoạt động của mình.
Tiếp theo, Thứ trưởng cũng lưu ý với Đồng Nai cần triển khai các Đề án về PBGDPL và tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ quản lý ở cấp trung ương, trong đó tập trung 02 Đề án của lực lượng công an (Theo Quyết định số 1739/QĐ-TTg ngày 18/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với vận động quần chúng nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở của lực lượng Công an nhân dân giai đoạn 2021 – 2027”) và lực lượng quân đội (Theo Quyết định số 1371/QĐ-TTg ngày 30/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về “Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác PBGDPL, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021-2027”).
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đề nghị nhiệm vụ tiếp theo là xác định tổ chức các hoạt động PBGDPL cần căn cứ nhu cầu của người dân, các vấn đề được quan tâm để thông tin, truyền thông, phổ biến, kịp thời; PBGDPL cho đối tượng đặc thù bằng hình thức phù hợp (PBGDPL cho công nhân, người lao động qua các App)
Bên cạnh đó, Hội đồng PBGDPL tỉnh cần gắn công tác PBGDPL, hoà giải ở cơ sở với công tác dân vận, tuyên giáo. Đồng thời tiếp tục quan tâm hơn nữa việc xây dựng lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên, hòa giải viên cơ sở. Đặc biệt chú ý đổi mới phương pháp, nội dung tuyên truyền, phổ biến, vấn đề kỹ năng, nghiệp vụ để nêu rõ được ý nghĩa, mục đích, tác động của pháp luật đến người dân.
Song song với các nhiệm vụ trên, theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh, Đồng Nai cũng cần tăng cường tự kiểm tra công tác PBGDPL đối với cấp huyện. Triển khai hiệu quả bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả PBGDPL của địa phương.
Năm 2023: các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện 8.677 cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật trực tiếp với 586.266 lượt người tham dự; tổ chức 172 cuộc thi, hội thi tìm hiểu pháp luật với 719.001 lượt thi; cấp phát 958.297 bản tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật các loại. 6 tháng đầu năm 2024: các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện 3.518 cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật trực tiếp với 269.041 lượt người tham dự, tổ chức 32 cuộc thi tìm hiểu pháp luật, thu hút 32.661 lượt người thi; cấp phát 179.157 tài liệu tuyên truyền, đăng tải hơn 1.921 tin, bài tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên các Cổng/Trang Thông tin điện tử.
 
Doãn Khởi – Khánh Toàn