Tăng cường công tác kiểm tra, ban hành văn bản quy phạm pháp luật

21/08/2024
Tăng cường công tác kiểm tra, ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, sắp tới, khi sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, sẽ thiết kế một cách cụ thể hơn, chi tiết hóa các hành vi để từ đó rõ hơn các hành vi liên quan đến việc thực hiện chức năng, chức trách của Bộ trưởng, Trưởng ngành liên quan đến công tác kiểm tra, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Chiều 21/8, tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 36, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết năm 2023 đối với nhóm lĩnh vực thứ hai, gồm các lĩnh vực tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát.
Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn tỉnh Đắk Nông) cho biết, qua công tác kiểm tra văn bản của Bộ Tư pháp, vẫn phát hiện rất nhiều văn bản có quy định trái pháp luật và tác động ảnh hưởng nhất định đến đời sống xã hội; quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ, việc tiến tiến hành xem xét, xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, đơn vị liên quan trong quá trình tham mưu, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, ban hành văn bản trái pháp luật ở các cơ quan có văn bản trái pháp luật mới chỉ chủ yếu dừng lại ở mức phê bình, nhắc nhở.
Đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết giải pháp căn cơ để khắc phục tình trạng trên gắn với việc thực hiện Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.
Trả lời đại biểu, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, hoạt động kiểm tra văn bản được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; vừa qua có sửa đổi, bổ sung một số điều thành Nghị định số 59/2024/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, các bộ, ngành có nhiệm vụ tự kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành. Đây là nhiệm vụ thường xuyên theo quy định.
Bộ Tư pháp cũng như các bộ, ngành khác thực hiện kiểm tra như vậy và có thêm việc nữa là giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và đề xuất biện pháp xử lý.
Việc kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật chủ yếu tập trung vào thẩm quyền ban hành và tính hợp pháp, phù hợp của các văn bản và các vấn đề liên quan đến kỹ thuật soạn thảo văn bản.
“Qua số liệu Bộ Tư pháp có được, công tác tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành thực hiện chưa tốt. Ví dụ, năm 2023, trừ Bộ Tư pháp, chỉ có 4 Bộ phát hiện có tổng cộng gần 20 văn bản có các dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc trái pháp luật với các tiêu chí khác nhau như đã báo cáo”, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng cho biết.
Về nguyên nhân, theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Lê Thành Long là do các bộ, các cơ quan cũng chưa chủ động trong thực hiện việc này và cơ chế kiểm tra, giám sát của chúng ta cũng còn mức độ.
Khẳng định Chính phủ ý thức rất rõ về tầm quan trọng của công việc này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng cho biết, sắp tới, khi sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hy vọng sẽ thiết kế một cách cụ thể hơn, chi tiết hóa các hành vi để từ đó rõ hơn các hành vi liên quan đến việc thực hiện chức năng, chức trách của Bộ trưởng, Trưởng ngành liên quan đến công tác ban hành văn bản, kiểm tra, sau đó mới dẫn chiếu sang pháp luật về cán bộ, công chức.
Đồng thời, cần tính toán thêm để thiết kế các chế tài về mặt hành chính tương đương để khi phát hiện có thể xử lý hiệu quả. Khi có dấu hiệu vụ lợi vi phạm thì quy về hình sự. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, làm việc trực tiếp với các cơ quan.
"Cần thực hiện tốt Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật", Phó Thủ tướng, Bộ trưởng nêu rõ.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn tỉnh Bình Thuận) cho rằng, thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về giám định tư pháp tuy được tăng cường nhưng vẫn còn nhiều bất cập như chế độ bồi dưỡng, chính sách đối với người giám định tư pháp còn thấp, lạc hậu, chưa được tháo gỡ. Còn 2/13 bộ, ngành chưa ban hành quy trình giám định, dẫn đến nhiều vụ án, vụ việc chậm đưa ra xử lý và có nguyên nhân từ công tác giám định tư pháp. Đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề trên.
 
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông đặt câu hỏi chất vấn.

Trả lời chất vấn của đại biểu, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, trong số số các nội dung về giám định mà Bộ trưởng đã trả lời UBTVQH lần trước thì chi phí giám định là nội dung tiến triển ít nhất.
“Trong các vụ việc tồn đọng giám định qua thống kê của Bộ Tư pháp và của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì số vụ tồn đọng qua các phiên họp có giảm hơn. Trong ban hành thể chế, số lượng các bộ, ngành ban hành các hướng dẫn, quy định liên quan đến giám định tư pháp thuộc lĩnh vực quản lý của mình cũng tăng lên. Tuy nhiên, chi phí giám định chưa thực hiện được”, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng cho biết.
Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, hiện nay, chi phí giám định thực hiện theo quyết định số 01/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng ban hành năm 2014.
Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tư pháp đã có sơ kết, tổng kết đánh giá, dự kiến trình một Quyết định mới. Trong quá trình thực hiện việc này, chúng ta phải thực hiện Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương, trong đó có lương hoá tất cả các khoản chi và phụ cấp, kể cả các khoản chi đặc thù, thành ra có chậm lại.
“Ý kiến của các bộ, ngành trong Chính phủ đều tương đối thống nhất. Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính đều trả lời như vậy”, Bộ trưởng cho hay.
Pháp lệnh về chi phí tố tụng hiện cũng có những việc quy định chưa rõ về cách thức để chi và xử lý nguồn chi và hoạt động chi.
Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của UBTVQH, Toà án nhân dân tối cao đang trình Pháp lệnh về chi phí tố tụng, trong đó có xử lý một phần về giám định tư pháp. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng đề nghị Toà án nhân dân tối cao đẩy nhanh quá trình hoàn thiện văn bản này, trình UBTVQH xem xét thông qua; cùng với xử lý các vấn đề liên quan đến chính sách tiền lương sẽ có cải thiện hơn.
Tường Minh