Chiều 9/8, Đoàn công tác của Bộ Tư pháp do Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Sở Tư pháp tỉnh Khánh Hòa về việc triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (NNPQXHCN) Việt Nam trong giai đoạn mới.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Đảng ta ban hành một Nghị quyết chuyên đề của Trung ương về xây dựng và hoàn thiện NNPQXHCN Việt Nam, với mục tiêu 5 quan điểm chỉ đạo, 8 đặc trưng của NNPQXHCN Việt Nam và 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
Theo đó, Nghị quyết định hướng tiếp tục xây dựng và hoàn thiện NNPQXHC Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; có hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán; thượng tôn hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân…
Ngày 12/5/2023 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW. Nghị quyết số 77/NQ-CP của Chính phủ xác định 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ và các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước từ Trung ương tới địa phương phải thực hiện để thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung, yêu cầu của Nghị quyết số 27-NQ/TW thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước.
Toàn cảnh buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp tỉnh Khánh Hòa đã báo cáo tình hình triển khai các nhiệm vụ được giao, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của ngành Tư pháp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa trong việc triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương và Nghị quyết số 77/NQ-CP của Chính phủ như: công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức về NNPQXHCN Việt Nam trên địa bàn tỉnh; việc tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật trên địa bàn tỉnh; đổi mới tổ chức và hoạt động của ngành Tư pháp, xây dựng nền hành chính phục vụ nhân dân, chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả thuộc phạm vi trách nhiệm của sở, ngành Tư pháp; đổi mới công tác và nâng cao hiệu quả công tác bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp…
Đặc biệt, từ thực tiễn công tác của mình, nhiều cán bộ tư pháp ở Khánh Hòa đã chia sẻ những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các Nghị quyết kể trên; đồng thời đề xuất, kiến nghị hướng khắc phục. Các thành viên trong Đoàn công tác cũng đã trao đổi, tìm hiểu thêm những vấn đề còn chưa rõ.
Qua theo dõi và nghe các ý kiến trao đổi, thảo luận, thay mặt Đoàn công tác, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh:
Thứ nhất, công tác tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết số 77/NQ-CP ở tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều đổi mới theo hướng chủ động, bám sát nhiệm vụ trọng tâm, kịp thời cụ thể hóa các định hướng lãnh đạo, chỉ đạo mới của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và của Bộ Tư pháp trong việc thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu được nêu trong Nghị quyết số 77/NQ-CP.
Lãnh đạo Sở Tư pháp tỉnh Khánh Hòa trao đổi tại buổi làm việc.
Thứ hai, với vai trò đầu mối tổ chức triển khai Nghị quyết số 77/NQ-CP, Sở Tư pháp đã phát huy tích cực trong việc chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ được phân công, nhất là việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức về NNPQXHCN Việt Nam cho các cơ quan, tổ chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật trên địa bàn tỉnh để đưa pháp luật vào cuộc sống, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội.
Thứ ba, Sở Tư pháp đã chủ động đổi mới tổ chức và hoạt động của sở, ngành Tư pháp. Thứ trưởng đánh giá cao về một số giải pháp chỉ đạo, điều hành mới đã mang lại hiệu quả trong công tác cải cách hành chính, phục vụ nhân dân của ngành Tư pháp Khánh Hòa.
Thứ tư, việc đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp của Sở Tư pháp trong thời gian qua đã thực sự góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định cho đời sống xã hội và phát triển kinh tế, hôi nhập quốc tế tại địa phương.
Thứ năm, Thứ trưởng đánh giá cao các mô hình, giải pháp đã và đang được sở, ngành Tư pháp Khánh Hòa triển khai. Các mô hình này thực sự đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong công tác tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của sở, ngành Tư pháp, qua đó mang lại niềm tin của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước tại địa phương.
Thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đề nghị lãnh đạo Sở Tư pháp Khánh Hòa quan tâm, thực hiện tốt một số nội dung.
Cụ thể, có kế hoạch đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phố biến, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân về NNPQXHCN và yêu cầu, nhiệm vụ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện NNPQXHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.
Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo ngành Tư pháp Khánh Hòa.
Tiếp tục cải tiến, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, giúp người dân thực hiện nhanh hơn, hiệu quả hơn; tham mưu các giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành hiến pháp và pháp luật trên địa bàn tỉnh; tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, đề xuất xử lý theo quy định đối với những văn bản quy phạm, quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp với thực tiễn.
Công tác tổ chức bộ máy, cán bộ tổ chức bộ cần được quan tâm chú trọng, cùng với đó gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả; xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức thi hành pháp luật; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, áp dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao; coi trọng đúng mức công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật, bảo đảm thượng tôn hiến pháp và pháp luật trong các cơ quan, tổ chức và người dân.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp và trợ giúp pháp lý phục vụ nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; nâng cao năng lực của hệ thống dịch vụ pháp lý, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý để người dân, doanh nghiệp dễ tiếp cận pháp luật, quản trị rủi ro và bảo đảm an toàn pháp lý.
Chủ động tham mưu giúp HĐND, UBND tỉnh hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến hoạt động tư pháp thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao; theo dõi và kịp thời hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu triển khai thực hiện Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 12/5/2023 của Chính phủ.
Một số mô hình, giải pháp đang được ngành Tư pháp Khánh Hòa triển khai và mang lại lợi ích thiết thực cho công dân như: Giải pháp rút ngắn thời gian giải quyết đối với thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp; hỗ trợ người dân nộp hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến; bố trí đội ngũ công chức, viên chức và người lao động thường xuyên tham gia hỗ trợ bộ phận một cửa trong công tác hướng dẫn, khuyến khích người dân tham gia nộp hồ sơ trực tuyến; phối hợp với ngành giáo dục tại địa phương nhằm đưa các nội dung về hiến pháp và NNPQXHCN Việt Nam vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng trong hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.