Đây là đề nghị của Thứ trưởng Mai Lương Khôi tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2024 của Cục Công nghệ thông tin (CNTT) vào ngày 07/8/2024.
Báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thị Thái Nguyên, Phó Chánh văn phòng Cục cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ, đặc biệt là Thứ trưởng phụ trách, tập thể công chức, viên chức, người lao động Cục CNTT đã tập trung triển khai bài bản, đúng quy định, hiệu quả các nhóm nhiệm vụ theo tiến độ kế hoạch công tác năm 2024 đề ra, đảm bảo chất lượng, đặc biệt có những nhiệm vụ chưa được cấp kinh phí Cục cũng đã chủ động nghiên cứu.
Hướng tới thành lập Mạng lưới Chuyển đổi số của Bộ Tư pháp
Cụ thể, với vai trò thường trực giúp việc cho Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số, Cục CNTT đã tham mưu Bộ Tư pháp đề xuất với Bộ Thông tin và Truyền thông một số nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Đề án “Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số từ Trung ương đến địa phương”. Đồng thời yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ bố trí bộ phận hoặc đầu mối thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số tại đơn vị để thành lập Mạng lưới Chuyển đổi số của Bộ Tư pháp; thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị khai thác, sử dụng hiệu quả việc kết nối, liên thông dữ liệu.
Toàn cảnh Hội nghị.
Bên cạnh đó, Cục CNTT đã tham mưu Ban Chỉ đạo chuyển đổi số ngành Tư pháp tổ chức Tọa đàm “Thúc đẩy triển khai các nhiệm vụ ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước” nhằm tập huấn, bồi dưỡng thêm kiến thức cơ bản về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước và trao đổi, thảo luận các giải pháp thúc đẩy triển khai các dự án, hoạt động ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước của Bộ Tư pháp và Hội nghị Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số ngành Tư pháp nhằm đánh giá công tác triển khai ứng dụng CNTT, chuyển đổi số của Bộ, ngành Tư pháp, các yêu cầu, thách thức trong thời gian tới.
Đồng chí Phạm Quang Hiếu, Quyền Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin phát biểu tại Hội nghị.
Về triển khai Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Tư pháp, Cục CNTT đã chủ động nghiên cứu, khảo sát các quy trình nghiệp vụ, dữ liệu, hiện trạng ứng dụng CNTT tại các đơn vị thuộc Bộ và tổ chức tập huấn, hướng dẫn khai thác, tuân thủ về Kiến trúc Chính phủ điện tử, Chính phủ số của Bộ Tư pháp, tổng hợp thông tin, xây dựng Dự thảo Đề cương Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Tư pháp phiên bản 3.0 hỗ trợ kịp thời các đơn vị đánh giá hiện trạng, đề xuất nhu cầu hoạt động ứng dụng CNTT và dự án đầu tư CNTT giai đoạn 2026-2030.
Nâng cấp, phát triển, mở rộng các hệ thống thông tin, phần mềm ứng dụng trong hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp
Công tác triển khai, quản lý, vận hành các nền tảng, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và ứng dụng CNTT cũng được Cục CNTT đặc biệt chú trọng. Bên cạnh việc tiếp tục vận hành ổn định các nền tảng, hệ thống thông tin, phần mềm ứng dụng, Cục CNTT đã phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ nghiên cứu nâng cấp, phát triển, mở rộng các hệ thống thông tin, phần mềm ứng dụng trong hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp.
Đồng chí Tạ Thành Trung, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin phát biểu tại Hội nghị.
Cụ thể, Cục đã phối hợp với Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực triển khai thủ tục “Đăng ký kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân trực tuyến” tại Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã, tại Thành phố Hồ Chí Minh, qua trục LGSP của Bộ và Trục NDXP của Bộ Thông tin và truyền thông; phối hợp với các đơn vị chuyên môn của Bộ, và đơn vị chuyên môn của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Tư pháp thành phố Hà Nội và Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VneID; phối hợp hướng dẫn, đôn đốc Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm kết nối Hệ thống đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm với Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số (EMC)…
Các công tác: xây dựng, triển khai văn bản, đề án, kế hoạch, dự án; triển khai Dự án "Đầu tư hạ tầng Trung tâm Dữ liệu điện tử Bộ Tư pháp"; thông tin điện tử; quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu số; phát triển, vận hành hạ tầng số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng... đều đảm bảo chất lượng và tiến độ theo kế hoạch.
Đẩy mạnh truyền thông các kết quả ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số Bộ, ngành Tư pháp
Trên cơ sở những kết quả đạt được, cùng với việc thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, trong 6 tháng cuối năm 2024, Cục CNTT sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như:
Xây dựng và trình Lãnh đạo Bộ ban hành Kế hoạch chuyển đổi số, ứng dụng CNTT, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng của Bộ, ngành Tư pháp năm 2025.
Đồng chí Nguyễn Thị Thái Nguyên, Phó Chánh văn phòng Cục báo cáo kết quả công tác 6 tháng đầu năm.
Tổ chức khai thác, sử dụng hiệu quả Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Tư pháp, phiên bản 3.0, hướng tới Chính phủ số trong hoạt động tham mưu đề xuất triển khai các hoạt động ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, cũng như trong công tác thẩm định, thẩm tra, góp ý nhằm đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, kế thừa và phát huy lâu dài các hoạt động ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong Bộ, ngành Tư pháp.
Triển khai nhiệm vụ về chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số; phát triển kinh tế số, xã hội số tạo điều kiện triển khai đồng bộ, hiệu quả chuyển đổi số Bộ, ngành Tư pháp; kiểm tra, đánh giá về chuyển đổi số, đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng và việc duy trì dữ liệu hàng năm theo quy định của Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước tại một số đơn vị thuộc Bộ, Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương...
Tại Hội nghị, các đại biểu đánh giá cao kết quả đạt được trong 06 tháng đầu năm cũng như sự nỗ lực của Cục Công nghệ thông tin trong bối cảnh các điều kiện về nguồn lực nhân sự, tài chính còn gặp nhiều khó khăn nhưng đã hoàn thành phần lớn các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch. Trong 6 tháng cuối năm, các đồng chí mong muốn Cục tiếp tục bám sát các nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp, đặc biệt là các nhiệm vụ liên quan đến chuyển đổi số, ứng dụng CNTT; quan tâm, kịp thời quán triệt các văn bản của Đảng, các nghị quyết của Ban cán sự Đảng về CNTT để tổ chức triển khai thực hiện; tăng cường phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động chuyên môn của đơn vị...
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Mai Lương Khôi đánh giá cao sự chủ động, tinh thần trách nhiệm của Cục CNTT trong thực hiện các nhiệm vụ công tác; qua đó tạo sự chuyển biến tích cực trong hoạt động ứng dụng CNTT của Bộ, ngành Tư pháp.
Thứ trưởng Mai Lương Khôi phát biểu kết luận Hội nghị.
Thứ trưởng cho biết, các thách thức, khó khăn trong ứng dụng CNTT, chuyển đổi số còn nhiều, cùng với đó là yêu cầu về xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số ngày càng cao. Vì vậy, Thứ trưởng đề nghị Cục nâng cao hơn nữa công tác tham mưu cho Lãnh đạo Bộ trong chỉ đạo, quản lý, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ ứng dụng CNTT; chủ động nghiên cứu các giải pháp và tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, các đơn vị thuộc Bộ để đẩy mạnh chuyển đổi số trong Bộ, ngành Tư pháp.
Đồng thời, Thứ trưởng cũng đề nghị Cục tăng cường truyền thông về ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, đặc biệt là các bài học, kết quả thành công của Bộ, ngành, địa phương; kịp thời báo cáo Lãnh đạo Bộ tiến độ thực hiện Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử; tham mưu tổ chức Hội nghị về đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chuyển đổi số…
Cùng ngày, Thứ trưởng Mai Lương Khôi đã nghe Cục CNTT báo cáo về Danh mục đầu tư dự án CNTT với sự tham dự của đại diện các đơn vị thuộc Bộ có liên quan.
Một số hình ảnh tại Hội nghị:
Anh Thư - Trung tâm Thông tin