Đây là đề nghị của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng tại Hội nghị sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2024 của Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật và Vụ Con nuôi vào ngày 25/7.
Nhiều chuyển biến tích cực trong công tác nuôi con nuôi trong nước và nước ngoài
Đồng chí Phan Đăng Kiên, Phó Vụ trưởng Vụ Con nuôi cho biết, đến thời điểm hiện tại, các nhiệm vụ công tác của Vụ đã được triển khai thực hiện, bảo đảm về chất lượng và tiến độ theo đúng Kế hoạch. Trong công tác quản lý nhà nước lĩnh vực nuôi con nuôi, Vụ chú trọng triển khai đồng bộ công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế; triển khai thi hành có hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản chỉ đạo của cấp có thẩm quyền trong lĩnh vực nuôi con nuôi. Vụ cũng đang nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi và Nghị định số 24/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP; trong đó tập trung đơn giản hoá thủ tục hành chính, giấy tờ công dân, đảm bảo ứng dụng và khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ thực hiện các thủ tục hành chính về nuôi con nuôi trên môi trường mạng…
Đồng chí Đặng Trần Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Con nuôi phát biểu tại Hội nghị.
Đối với công tác con nuôi trong nước, Vụ tiếp tục quan tâm đến công tác hướng dẫn nghiệp vụ đăng ký nuôi con nuôi trong nước dưới nhiều hình thức khác nhau, đảm bảo kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh ở địa phương. Nhờ đó, công tác nuôi con nuôi trong nước đã có những chuyển biến tích cực. Trong 6 tháng đầu năm, các địa phương đã giải quyết 1.210 trường hợp nuôi con nuôi trong nước, tăng 52 trường hợp (tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2023), trong đó có một số địa phương có tỷ lệ nuôi con nuôi trong nước nhiều như: Hà Nội, Nghệ An, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Thành phố Hồ Chí Minh, An Giang.
Đối với công tác con nuôi nước ngoài, với việc áp dụng quy trình nghiệp vụ giải quyết hồ sơ con nuôi nước ngoài mới được ban hành tháng 7 năm 2023 (kèm theo Quyết định số 439/QĐ-CN), công tác kiểm tra, thẩm định hồ sơ tiếp tục được cải tiến, rút gọn thời gian giải quyết và bảo đảm quy trình thực hiện nhiệm vụ phù hợp với mô hình tổ chức của Vụ. Tính đến ngày 30/6/2024, Vụ giải quyết được 138 trường hợp con nuôi nước ngoài, so với cùng kỳ năm 2023 tăng 46 trường hợp (tỷ lệ tăng 50%). Kết quả này cho thấy những nỗ lực của Vụ và những chuyển biến tích cực từ các địa phương đối với công tác này. Bên cạnh đó, Vụ đã nỗ lực trong phối hợp với các cơ quan Trung ương về nuôi con nuôi quốc tế của các nước nơi con nuôi thường trú và Sở Tư pháp địa phương nơi đã giải quyết việc nuôi con nuôi nước ngoài xác minh để có thể trả lời các đề nghị của cha mẹ nuôi và con nuôi.
Các công tác khác như: thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan Trung ương về con nuôi quốc tế; tổ chức cán bộ, hành chính tổng hợp; ứng dụng công nghệ thông tin; Đảng – Đoàn thể… đều đạt kết quả đáng ghi nhận.
Đồng chí Phan Đăng Kiên, Phó Vụ trưởng Vụ Con nuôi báo cáo tóm tắt kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2024.
Trong 6 tháng cuối năm 2024, Vụ sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm sau: Phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định về nuôi con nuôi; xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 21/2011/TT-BTP ngày 21/11/2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc quản lý Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam và Thông tư số 11/2021/TT-BTP ngày 28/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 21/2011/TT-BTP ngày 21/11/2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc quản lý Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam; nghiên cứu, đề xuất xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động theo kế hoạch thực hiện các khuyến nghị của Bộ công cụ ngăn ngừa và xử lý các hành vi trái pháp luật trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế…
Công tác xây dựng pháp luật đảm bảo hiệu quả, chất lượng, đúng tiến độ
Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Đỗ Thị Thanh Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, Vụ đã triển khai đầy đủ các nhiệm vụ thường xuyên, bám sát các nhiệm vụ tại Kế hoạch của Ban cán sự Đảng, Kế hoạch của các thành viên Ban cán sự Đảng, Kế hoạch của Bộ Tư pháp và Kế hoạch của Vụ đã được phê duyệt đảm bảo hiệu quả, đúng tiến độ, chất lượng, tiết kiệm và khả thi. Theo đó, trong công tác xây dựng pháp luật, Vụ đã tổng kết, đánh giá thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) và đang xây dựng dự án Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi); hoàn thành xây dựng dự án Luật Thủ đô và đang hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ triển khai thi hành Luật Thủ đô trên cơ sở ý kiến góp ý của các bộ, ngành, UBND Thành phố; hoàn thành xây dựng Nghị định số 59/2024/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành VBQPPL đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ và Nghị định số 56/2024/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế…
Đồng chí Trần Anh Đức, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật phát biểu tại Hội nghị.
Trong công tác chính sách pháp luật, Vụ đã tham mưu, giúp Lãnh đạo Bộ trình Chính phủ 08 Tờ trình về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình năm 2024; tham mưu Lãnh đạo Bộ Tư pháp ký 08 báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả công tác ban hành văn bản quy định chi tiết; tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ ban hành 02 quyết định ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết. Bên cạnh đó, Vụ cũng chú trọng thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV…
Ngoài ra, các công tác: pháp chế, đánh giá tác động, kiểm soát thủ tục hành chính; Đảng – Đoàn thể… đều bám sát mục tiêu, tiến độ đã đặt ra.
Đồng chí Đỗ Thị Thanh Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật báo cáo tóm tắt kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2024.
Trong 6 tháng cuối năm 2024, Vụ sẽ tiếp tục tập trung tổ chức các hoạt động nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi) bảo đảm tiến độ, chất lượng; triển khai kịp thời, có hiệu quả Luật Thủ đô, Nghị định số 56/2024/NĐ-CP và Nghị định số 59/2011/NĐ-CP; tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7. Đồng thời theo dõi, đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình 2024; xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết sẽ thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV…
Chủ động, quyết tâm, bàn làm không bàn lùi trong thực hiện nhiệm vụ công tác
Tại Hội nghị, đại diện các phòng, ban thuộc 2 Vụ và đại diện một số đơn vị thuộc Bộ đã thảo luận về kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2024; đồng thời nêu ra một số khó khăn, vướng mắc về biên chế, nguồn nhân lực. Trên cơ sở đó, các đại biểu đề xuất giải pháp để triển khai hiệu quả công tác trong 6 tháng cuối năm như tiếp tục quan tâm kiện toàn tổ chức, thu hút nhân lực; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; quan tâm ủng hộ các hoạt động của Đoàn Thanh niên…
Các đại biểu phát biểu tại Hội nghị.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đánh giá hai đơn vị đã có nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo, linh hoạt; qua đó hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đặc biệt trong bối cảnh khối lượng công việc ngày càng nhiều, yêu cầu về tiến độ, chất lượng ngày càng cao.
Điểm lại một số kết quả nổi bật trong công tác của hai đơn vị, Thứ trưởng đề nghị trong thời gian tới, lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động tiếp tục nâng cao tinh thần làm việc, sự nhiệt huyết, đam mê, tình yêu với ngành, với nghề; chủ động, quyết tâm trong thực hiện công tác như Thủ tướng Chính phủ đã nói “chỉ bàn làm, không bàn lùi”; phát huy trí tuệ của cá nhân, của tập thể; không đùn đẩy, sợ trách nhiệm, dám nghĩ dám làm.
Đối với Vụ Con nuôi, Thứ trưởng yêu cầu Vụ khẩn trương rà soát, tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương để tăng số lượng giải quyết việc nuôi con nuôi; đảm bảo quy trình nuôi con nuôi đúng quy định pháp luật, tránh tình trạng lạm dụng việc nuôi con nuôi. Bên cạnh đó, Vụ cần tiếp tục tăng cường công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong theo dõi quá trình nhận, nuôi con nuôi, từ đó xây dựng cơ sở dữ liệu về nuôi con nuôi; tăng cường công tác quản lý nuôi con nuôi thông qua việc tổ chức các đoàn kiểm tra, tập huấn tại địa phương; đồng thời nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Nuôi con nuôi và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
Thứ trưởng Trần Tiến Dũng phát biểu kết luận Hội nghị.
Đối với Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Thứ trưởng yêu cầu Vụ khẩn trương hoàn thiện đề nghị xây dựng dự án Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi) và xây dựng dự thảo Luật bảo đảm tiến độ, chất lượng; chủ động phối hợp với các đơn vị xây dựng pháp luật và Cục Công nghệ thông tin nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác xây dựng pháp luật như phần mềm chuyển đổi giọng nói thành văn bản, trợ lý ảo trong rà soát văn bản... Đồng thời, Thứ trưởng cũng đề nghị Vụ nghiên cứu tổ chức diễn đàn pháp luật hàng năm để kết nối các chuyên gia, nhà khoa học, người làm thực tiễn, hiệp hội ngành, hàng với Bộ, ngành Tư pháp để thảo luận các vấn đề mới phát sinh mà pháp luật hiện nay chưa có sự điều chỉnh; cùng với đó, sớm hoàn thiện và trình Lãnh đạo Bộ ban hành Quyết định sửa đổi Quyết định 2410/QĐ-BTP về quy chế thẩm định. Trong công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, Thứ trưởng lưu ý Vụ cần chú trọng việc cắt giảm tối đa thủ tục hành chính trong văn bản của các Bộ, ngành, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; tăng cường phân cấp, phân quyền.
Ngoài ra, Thứ trưởng đề nghị Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng Bộ phối hợp với hai đơn vị, quan tâm đảm bảo các điều kiện về biên chế, kinh phí. Vụ Con nuôi và Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật cần quan tâm việc kiện toàn tổ chức, biên chế; nghiên cứu sử dụng linh hoạt các biện pháp, cơ chế tổ chức, điều phối cán bộ, công chức; tăng cường công tác bồi dưỡng, đào tạo để đảm bảo nguồn nhân lực cho đơn vị.
Anh Thư - Trung tâm Thông tin