Không ngừng vun đắp quan hệ đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt -Lào trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp

12/07/2024
Không ngừng vun đắp quan hệ đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt -Lào trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp
Nhận lời mời của đồng chí Thongloun Sisoulith, Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Chủ tịch nước CHDCND Lào, đồng chí Tô Lâm, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam cùng Đoàn đại biểu cấp cao nước CHXHCN Việt Nam đã có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Lào từ ngày 11-12/7/2024. Bộ Tư pháp vinh dự có đại diện (Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc) tham gia Đoàn công tác của Chủ tịch nước.
Ký kết Chương trình hợp tác năm 2024 với Bộ Tư pháp Lào
Vào sáng ngày 11/7/2024, ngay sau Lễ đón và Hội đàm chính thức, trước sự chứng kiến của 2 nguyên thủ đã diễn ra Lễ trao các văn kiện hợp tác được ký trong khuôn khổ chuyến thăm, trong đó có Chương trình hợp tác năm 2024 giữa Bộ Tư pháp nước CHXHCN Việt Nam và Bộ Tư pháp nước CHDCND Lào do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam Nguyễn Khánh Ngọc và Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lào Ketsana Phommachan tiến hành trao. Điểm nhấn của Chương trình hợp tác là hai Bộ Tư pháp cam kết tổ chức Hội nghị tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới lần thứ 6 tại Lào vào Quý IV năm 2024 nhằm đánh giá tình hình thực hiện Kết luận Hội nghị tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới lần thứ 5 tổ chức tại Việt Nam (tháng 8/2022) trên các lĩnh vực như quốc tịch, hộ tịch, thi hành án dân sự, phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, đào tạo nguồn nhân lực pháp luật, tương trợ tư pháp về dân sự...Ngoài ra, hai Bộ Tư pháp cam kết tổ chức các hội thảo, tọa đàm khoa học về ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính và cung cấp dịch vụ công, tư pháp quốc tế; thúc đẩy hợp tác đào tạo, bồi dưỡng pháp luật; khuyến khích hợp tác tư pháp giữa các địa phương của hai nước và phối hợp ủng hộ nhau trên các diễn đàn, cơ chế đa phương về pháp luật và tư pháp. Việc ký Chương trình hợp tác 2024 tiếp tục là minh chứng cho quyết tâm của hai Bộ Tư pháp trong việc triển khai một cách có hiệu quả thực chất Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Tư pháp hai nước giai đoạn 2021-2025, qua đó tháo gỡ các vấn đề còn vướng mắc giữa hai Bên trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh tại mỗi nước.

Chào Bộ trưởng Tư pháp Lào Phayvy SIBOUALYPHA
 
 
Vào chiều cùng ngày, đồng chí Phayvy SIBOUALYPHA, ủy viên BCH Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Bộ trưởng Tư pháp nước CHDCND Lào đã dành thời gian tiếp thân mật đồng chí Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc. Chúc mừng đồng chí Lê Thành Long, Bộ trưởng Tư pháp mới được Quốc hội phê chuẩn và Chủ tịch nước phê chuẩn giữ cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, đồng chí Bộ trưởng Tư pháp Lào cảm ơn sự hỗ trợ quý báu, chân tình mà Bộ Tư pháp Việt Nam đã dành cho Bộ Tư pháp Lào trong suốt thời gian qua, trong đó đặc biệt là hoàn thành Dự án ODA hỗ trợ Học viện Tư pháp quốc gia Lào và hỗ trợ Lào xây dựng được một số văn bản quy phạm pháp luật quan trọng mà gần đây nhất là Luật Thi hành án dân sự. Về quốc tịch, đồng chí Bộ trưởng Tư pháp Lào vui mừng thông báo trên cơ sở Kết luận của Hội nghị tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới lần thứ 5 tổ chức tại Việt Nam vào tháng 8/2022, đến nay phía Lào đã cơ bản giải quyết xong việc nhập quốc tịch Lào với các trường hợp người Việt Nam di cư tự do và đang cư trú tại Lào có tên trong Danh sách được Trưởng Đoàn đại biểu biên giới hai nước phê duyệt. Số ít còn tồn đọng là do đương sự đã mất, không tìm được địa chỉ, bị trùng tên hoặc mất năng lực hành vi dân sự. Trong thời gian tới, đồng chí Bộ trưởng Tư pháp Lào đề nghị Bộ Tư pháp Việt Nam (i) hỗ trợ thực thi Luật Thi hành án dân sự mới, tập trung vào vận hành hệ thống thi hành án dân sự theo ngành dọc (trước đây là Phòng Thi hành án dân sự thuộc Sở Tư pháp). Hiện nay Bạn chỉ mới vận hành được mô hình mới này ở 5 tỉnh; (ii) tập trung tổ chức thành công Hội nghị tư pháp các tính có chung đường biên giới hai nước vào Quý IV năm nay và mong muốn được đón đồng chí Lê Thành Long, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tư pháp Việt Nam thăm Lào kết hợp tham dự Hội nghị này. Về thành phần dự Hội nghị ngoài các tỉnh có chung đường biên giới, các tỉnh đang có quan hệ kết nghĩa, đồng chí Bộ trưởng cũng gợi ý có thể mời thêm các tỉnh khác có quan tâm, ví dụ như các tỉnh đang trong quá trình thiết lập quan hệ kết nghĩa; (iii) xem xét hỗ trợ Bộ Tư pháp Lào trong thực hiện các nhiệm vụ theo phân công của Ban Chỉ đạo sửa đổi Hiến pháp Lào 2015; (iv) tiếp tục hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực pháp luật, trước mắt là tiếp tục hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ giảng viên Học viện Tư pháp quốc gia Lào (Học viện mới được giao nhiệnm vụ đào tạo thạc sỹ luật chuyên ngành dân sự, kinh tế tuy nhiên trình độ của giảng viên Lào chưa đáp ứng); (v) cuối cùng là xem xét tiếp tục hỗ trợ một dự án ODA cho Bộ Tư pháp Lào (nhu cầu ưu tiên cụ thể Bạn sẽ gửi phía Việt Nam trong thời gian sớm nhất).
Đồng tình với các ý kiến của Bộ trưởng Tư pháp Lào, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc khẳng định quyết tâm của Lãnh đạo Bộ Tư pháp Việt Nam luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Tư pháp Lào trong khả năng của mình. Thứ trưởng cũng thông tin thêm việc Chính phủ Việt Nam mới thành lập Tổ công tác rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm này cho Lào tham khảo. Ngoài ra Thứ trưởng cũng gợi ý Bộ Tư pháp Lào nên quan tâm hơn nữa đến lĩnh vực pháp luật quốc tế và hợp tác quốc tế nhằm xử lý tốt các vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình hội nhập. Về dự án ODA mới, Thứ trưởng đề nghị phía Lào sớm gửi đề xuất chính thức, trên cơ sở đó Bộ Tư pháp Việt Nam sẽ nghiên cứu kỹ để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét.

Hội đàm với đồng chí Thứ trưởng Bộ Tư pháp
 
 
Kết thúc buổi chào Bộ trưởng Tư pháp Lào, đồng chí Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc và đồng chí Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lào Ketsana Phommachan đã tiến hành hội đàm. Hai Bên thông báo cho nhau kết quả công tác tư pháp 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm; bàn sâu hơn các giải pháp nhằm thực hiện các ý kiến gợi ý của đồng chí Bộ trưởng Phayvy SIBOUALYPHA. Đồng chí Nguyễn Khánh Ngọc cũng nêu thêm một số vấn đề như (i) Phía Lào chậm cấp giấy xác nhận tình trạng độc thân dẫn đến tồn đọng hơn 800 hồ sơ kết hôn giữa công dân 2 nước khu vực biên giới; (ii) phía Lào chậm thực hiện các yêu cầu ủy thác tư pháp ảnh hưởng đến công tác xét xử của Tòa án Việt Nam; (iii) theo Thỏa thuận hợp tác giữa hai Chính phủ năm 2024 thì Bộ Tư pháp Việt Nam được cấp kinh phí tổ chức  1 khóa đào tạo 1 tháng cho 15 cán bộ tư pháp của Lào về thi hành án dân sự và công tác tư pháp khác, đề nghị phía Lào sớm gửi đề xuất nhu cầu cụ thể để tổ chức  lớp đúng tiến độ; (iii) hai Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ hơn trong các cơ chế hợp tác đa phương như Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp ASEAN; Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp ASEAN - Nhật Bản và G7 nhằm đảm bảo tốt nhất lợi ích quốc gia.
Đồng tình với các ý kiến của Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng Ketsana Phommachan mong muốn tiếp tục nhận được sự chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ và phối hợp kịp thời từ Bộ Tư pháp Việt Nam trước mắt nhằm tổ chức thành công Hội nghị tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới lần thứ 6.
 
 
Có thể nói các hoat động tiếp xúc song phương của Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nói trên đã góp phần đáng kể vào thành công chung của chuyến thăm cấp Nhà nước tới Lào của Chủ tịch nước Tô Lâm, thúc đẩy mạnh mẽ hơn quan hệ hợp tác đoàn kết đặc biệt Việt Lào trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp để gặt hái nhiều thành quả thiết thực, hiệu quả với phương châm “giúp Bạn là giúp mình” như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
Vụ Hợp tác quốc tế