Hôm nay (05/8), Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo về “Mô hình tổ chức và hoạt động hòa giải thương mại”. Tham dự Hội thảo có đồng chí Đỗ Hoàng Yến – Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp, một số chuyên gia pháp luật Hoa Kỳ và Việt Nam cùng đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.
Hòa giải là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp thay thế ngoài Tòa án. Phương thức này ngày càng trở nên phổ biến và được ưa chuộng tại nhiều nước trên thế giới. Hiện nay ở nước ta, Hòa giải đối với các tranh chấp thương mại là vấn đề còn mới mẻ. Hội thảo về Mô hình tổ chức và hoạt động hòa giải thương mại được tổ chức nhằm cung cấp thông tin, trao đổi và thảo luận về mô hình tổ chức, hoạt động hòa giải thương mại ở một số nước trên thế giới. Từ đó, nghiên cứu, thảo luận đưa ra bài học kinh nghiệm để áp dụng vào điều kiện thực tế ở Việt Nam.
Tại Hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh - Phó Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp đã trình bày tham luận của mình về Hòa giải thương mại tại Việt Nam – Thực trạng pháp luật và thực tiễn hoạt động. Bài tham luận nêu lên tổng quan về hòa giải thương mại với tư cách là một biện pháp giải quyết tranh chấp tự nguyện, những ưu thế của việc giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa giải, nghiên cứu bức tranh thực trạng hòa giải thương mại và đề xuất phương hướng phát triển cho dịch vụ hòa giải thương mại tại Việt Nam.
|
|
Ông Clifford Wallace – Thẩm phán cao cấp, nguyên Chánh tòa Phúc thẩm khu vực 9 của Hoa Kỳ đã nhấn mạnh tầm quan trọng và nêu lên các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án mà Hoa Kỳ áp dụng: Trọng tài, Hòa giải, Trung gian, Hòa giải của Tòa. Ông cũng cho biết, theo thống kê tại Hòa Kỳ cứ 10 vụ tranh chấp thương mại thì chỉ có 01 vụ xét xử tại Tòa án. Điều này giảm bớt cả về thời gian và chi phí kiện tụng cho các bên tranh chấp. Riêng về phương thức Trung gian ở Hoa Kỳ không thu phí mà theo nguyên tắc tự nguyện - nghĩa là những người làm Trung gian giải quyết tranh chấp đều tự nguyện (như luật sư hoặc Thẩm phán). Và như vậy, điều đó đã giúp Chính phủ tiết kiệm được phí trung gian.
Các chuyên gia pháp luật Việt Nam và đại biểu đại diện các đơn vị đến tham dự đã trao đổi, thảo luận về hoạt động hòa giải thương mại trên thế giới và những mô hình hợp lý để áp dụng vào điều kiện thực tế tại Việt Nam. Trong đó, một số đại biểu đã có bài phát biểu về pháp luật và thực tiễn hoạt động hòa giải thương mại ở một số nước như: Vương quốc Anh, Pháp và Úc. Đồng thời, đề xuất các mô hình tổ chức, hoạt động hòa giải thương mại ở Việt Nam.
T.D