Chiều 14/6, dưới sự chủ trì của Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật của Bộ Tư pháp.
Báo cáo tại Hội nghị cho biết, công tác xây dựng pháp luật (XDPL) và tổ chức thi hành pháp luật (THPL) của Bộ Tư pháp thời gian qua đạt nhiều kết quả. Trong đó, về định hướng xây dựng, hoàn thiện thể chế, Bộ đã tham mưu giúp Chính phủ xây dựng và triển khai thực hiện Kết luận, Chỉ thị, Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác XDPL và THPL, tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 12/5/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới;
Tham gia xây dựng và góp ý hoàn thiện đối với Đề án kiểm soát quyền lực, lợi ích nhóm trong XDPL và Đề án kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; Tham mưu, giúp Chính phủ xây dựng báo cáo đánh giá thực trạng và kiến nghị đổi mới, hoàn thiện quy trình XDPL gửi Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đổi mới, hoàn thiện quy trình XDPL chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả của Đảng đoàn Quốc hội.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu tại Hội nghị.
Về công tác lập đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm và theo dõi tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, công tác lập đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được thực hiện bài bản, khoa học hơn; các Nghị quyết về Chương trình được các đại biểu Quốc hội thông qua với tỷ lệ biểu quyết cao (trên 90%). Từ năm 2023 đến nay, Chính phủ đã tổ chức 14 phiên họp chuyên đề về XDPL, tại các phiên họp này, Bộ Tư pháp đều có báo cáo đánh giá về việc tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định đối với từng đề nghị, dự án, dự thảo luật, pháp lệnh của các Bộ, cơ quan ngang Bộ trình.
Hay về công tác theo dõi THPL, hàng năm, Bộ đều tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình THPL trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành. Trên cơ sở Kế hoạch theo dõi tình hình THPL đã được phê duyệt, các Bộ, ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch tình hình THPL của Bộ, ngành, địa phương mình.
Qua xem xét các báo cáo và kiểm tra, điều tra, khảo sát tại một số địa phương, Bộ Tư pháp nhận thấy các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp đã triển khai thực hiện các hoạt động theo dõi tình hình THPL theo đúng quy định của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP. Kết quả theo dõi tình hình THPL đã được các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tổng hợp vào trong báo cáo định kỳ hằng năm gửi về Bộ Tư pháp để theo dõi, tổng hợp…
Thời gian tới, các thành viên Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tư pháp tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao công tác XDPL, góp ý, thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), theo dõi THPL, kịp thời có ý kiến chỉ đạo định hướng, bảo đảm công tác này ngày càng chất lượng, hiệu quả, góp phần thiết thực hơn nữa vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tiếp tục quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức thực hiện công tác XDPL và tổ chức theo dõi THPL các quy định theo chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng. Nghiên cứu, hoàn thiện các quy định của Luật Ban hành VBQPPL…
Đối với công tác xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành VBQPPL thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp, đề nghị các đơn vị được giao chủ trì triển khai thực hiện theo đúng nhiệm vụ được giao. Trong đó, đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng văn bản; thực hiện đầy đủ các quy trình theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL; thực hiện việc báo cáo, xin ý kiến Bán Cán sự Đảng theo đúng trình tự, thủ tục đã được hướng dẫn tại Hướng dẫn số 463- HD/BCSĐ ngày 16/3/2023 hướng dẫn một số nội dung, trình tự, thủ tục báo cáo, xin ý kiến Ban Cán sự Đảng trong công tác xây dựng VBQPPL và điều ước quốc tế do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo…
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đánh giá cao chất lượng của đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật cũng như sự tự rèn luyện nâng cao năng lực chuyên môn và tinh thần cống hiến. Thẳng thắn chỉ ra những điểm còn tồn tại, vướng mắc trong công tác xây dựng văn bản VBQPPL, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đề nghị các đơn vị cần rà soát lại quy trình điều hành, làm việc; Tăng cường trách nhiệm quản lý, huy động trí tuệ tập thể trong công tác xây dựng văn bản; Bổ sung thêm đội ngũ các chuyên gia làm thực tiễn, có kiến thức về kinh tế, kỹ thuật, an sinh xã hội… để tham gia vào quá trình xây dựng các văn bản pháp luật chuyên ngành; Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng; khuyến khích công chức, viên chức, người lao động học tập, nâng cao kiến thức, chuyên môn…
Thứ trưởng Trần Tiến Dũng cũng đề nghị các đơn vị cần tăng cường nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xây dựng pháp luật. Trong đó, nghiên cứu Phần mềm thẩm định chuyển hóa giọng nói thành văn bản hỗ trợ công tác họp thẩm định văn bản; Nâng cấp Phần mềm quản lý văn bản, chỉ đạo điều hành; Đồng thời, thiết lập các kênh chia sẻ, lấy ý kiến của cộng đồng, người dân trên mạng xã hội...
Đồng quan điểm về việc cần tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong công tác xây dựng, THPL, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhận định, quy trình xây dựng VBQPPL đã văn minh, hiện đại nhưng cần tiếp tục đảm bảo sự phù hợp, khả thi trong bối cảnh khối lượng công việc nhiều, chất lượng công việc đòi hỏi ngày càng cao. Thứ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị tiếp tục nhận thức tốt hơn về công tác này, đồng thời lưu ý việc cử cán bộ tham gia vào các ban soạn thảo xây dựng luật ngay từ giai đoạn đầu.