Tăng cường tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện Kiên Giang “bứt phá”

23/04/2024
Tăng cường tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện Kiên Giang “bứt phá”
Chiều ngày 22/4, Đoàn Công tác thành viên Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Kiên Giang về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh theo Quyết định 435 của Thủ tướng Chính phủ.
Tiếp và làm việc với đoàn có ông Lâm Minh Thành – Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: ông Nguyễn Thanh Nhàn và ông Nguyễn Lưu Trung; cùng lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành của tỉnh.
Thừa lệnh Chủ tịch UBND tỉnh, báo cáo với Đoàn công tác, ông Giang Văn Khoa – Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Kiên Giang cho biết, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Kiên Giang trong tháng 3/2024 ổn định và có bước phát triển khá. Theo đó, hầu hết các ngành, lĩnh vực và hoạt động sản xuất kinh doanh của Kiên Giang đều tăng trưởng. Sản xuất lúa vụ Mùa và Đông Xuân gieo trồng vượt 0,8% kế hoạch và tăng 0,9% so cùng kỳ. Sản lượng tôm nuôi tăng 4,2% so cùng kỳ.
 
Quang cảnh buổi làm việc.

Về công tác phòng, chống khô hạn, xâm nhập mặn được triển khai đồng bộ, đảm bảo sản xuất và nước ngọt phục vụ dân sinh, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, xuất khẩu, thu ngân sách tăng so cùng kỳ, khách du lịch, doanh thu du lịch đều tăng so cùng kỳ. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo đảm an toàn thực phẩm được quan tâm thực hiện.
Diện tích nhiễm sâu, bệnh trên lúa Đông Xuân giảm 18.045 ha so tháng trước, tích cực thực hiện các giải pháp về chống khai thác IUU. Tình hình đăng ký kinh doanh, phát triển doanh nghiệp trong quý I/2024 đạt được nhiều kết quả khả quan. Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 1%; số lượng doanh nghiệp сао.
 
Thừa lệnh Chủ tịch UBND tỉnh, ông Giang Văn Khoa – Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Kiên Giang báo cáo trước Đoàn công tác.

Bên cạnh những kết quả đạt được, địa phương cũng còn một số mặt tồn tại, hạn chế. Kiên Giang chịu sự ảnh hưởng biến động kinh tế thế giới, tình trạng lạm phát vẫn còn ở mức cao, căng thẳng chính trị, thiên tai, chi phí vận tải biển cao... làm giảm sức cầu hàng hóa, gây khó khăn cho sản xuất và xuất khẩu. Doanh nghiệp đăng ký mới giảm 15% về vốn đăng ký so cùng kỳ; doanh nghiệp giải thể tăng 15%; doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 37% đều tăng so cùng kỳ.
Đặc biệt, tình hình nắng nóng, khô hạn tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng, thiếu nước dân sinh và phục vụ cho sản xuất. Tình trạng chặt phá cây rừng, lấn chiếm đất rừng, cháy rừng vẫn còn xảy ra, nhất là địa bàn thành phố Phú Quốc. Giá trị giải ngân thấp hơn so cùng kỳ, do các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, các đơn vị tư vấn chờ Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật Đấu thầu năm 2023…
 
Lãnh đạo các Sở, ban, ngành địa phương cùng tiếp Đoàn công tác.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các Sở, Ngành của tỉnh Kiên Giang có nhiều ý kiến trao đổi, trình bày các khó khăn, vướng mắc "nhờ" đoàn công tác hỗ trợ, tháo gỡ để các Sở, Ngành có thể làm tốt công tác tham mưu cho lãnh đạo địa phương. Theo đó, các thành viên đoàn công tác đã lần lượt trình bày, trả lời, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc mà các ngành ở Kiên Giang nêu ra.
Liên quan đến kiến nghị sớm ban hành hướng dẫn trình tự, thủ tục thành lập các Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp vùng và địa phương, bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công thương) cho biết, hiện Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cũng đã thành lập 2 Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp ở phía Bắc và phía Nam.
 
Thành viên Đoàn công tác.

Đối với đề nghị địa phương nghiên cứu các văn bản liên quan để triển khai, cụ thể như quy định tại Thông tư 04/2022 ngày 28/01/2022 của Bộ Công thương hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn về công thương thuộc UBND cấp tỉnh và cấp huyện, trong quá trình triển khai thực hiện còn khó khăn, vướng mắc thì liên hệ trực tiếp Cục Công nghiệp để trao đổi và có phương án tốt nhất.
Đối với những kiến nghị, trao đổi về công tác phòng chống cháy rừng, đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) cho biết, vấn đề cháy rừng ở Kiên Giang có tính nguy cấp rất cao. Với góc nhìn chuyên môn, đại tá Nguyễn Minh Khương đề nghị công an tỉnh hướng dẫn, tổ chức phối hợp tốt công tác phòng chống cháy rừng. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh trong giải pháp phối hợp Sở NN&PTNT.
Theo ông Khương, các vụ cháy rừng có sự tham gia của cảnh sát phòng cháy chữa cháy là chủ yếu. Để giảm nguy cơ, khoanh vùng nhanh nhất cần phát huy lực lượng tại chỗ để chữa cháy kịp thời. Đối với Phú Quốc do chủ yếu là rừng trên núi, hạn chế về nguồn nước nên khi xảy ra cháy rừng, rất khó khăn. Từ đó, công an tỉnh cần tính toán, tham vấn chuyên môn có phương án đề xuất xây dựng hạ tầng nguồn nước để phòng cháy rừng.
 
Các Sở, ngành địa phương trình bày những khó khăn, vướng mắc với Đoàn Công tác.

Cho biết tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành cho biết, Kiên Giang đang cụ thể hóa chủ trương của Trung ương theo Nghị quyết 13 về phát triển ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, tỉnh đã xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công các sở ngành khẩn trương thực hiện. Cụ thể, theo Nghị quyết 13, Kiên Giang có 5 đề án lớn. Tỉnh đang phối hợp với các Bộ, Ngành xây dựng các đề án. Dự kiến trình Thủ tướng phê duyệt trong năm 2024.
Theo ông Thành, tỉnh Kiên Giang đang tập trung nguồn lực tham mưu Chính phủ đấu giá dự án rất lớn. Theo đó, rà soát các căn cứ, quy định pháp luật, xin ý kiến và nhờ sự hỗ trợ của các Bộ ngành, vì đây là vấn đề rất khó, tỉnh đã đưa ra nhiều phương án giải quyết.
 
Ông Lâm Minh Thành – Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cam kết, tiếp thu các ý kiến góp ý của Đoàn công tác để cụ thể hóa trong chỉ đạo điều hành.
 
Thay mặt lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, ông Lâm Minh Thành cảm ơn sự hỗ trợ của các Bộ, Ngành đã giúp Kiên Giang giải quyết những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị trong thời gian qua. Các ý kiến góp ý của Đoàn công tác trao đổi, tỉnh sẽ tiếp thu và cụ thể hóa trong chỉ đạo điều hành đối với các Sở, Ngành. Các kiến nghị của tỉnh sẽ được làm rõ hơn gửi đến Đoàn công tác tổng hợp để báo cáo Chính phủ và các Bộ, ngành hỗ trợ. Trong thời gian tới, Kiên Giang sẽ tập trung thực hiện Nghị quyết 13 về phát triển ĐBSCL và kết luận của Thủ tướng Chính phủ trong đầu tư công, thu ngân sách.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, thời gian qua, vấn đề trả lời kiến nghị, thắc mắc, khó khăn của Kiên Giang được các Bộ, Ngành thực hiện rất tốt, đạt tỷ lệ cao. Đối với các Bộ, Ngành, những dự án luật đang trình chưa thông qua, cố gắng tập trung vào điều khoản chuyển tiếp. Luật đã ban hành, đề nghị các Bộ, Ngành khẩn trương tham mưu ban hành văn bản, quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Đối với các ý kiến trả lời rồi mà địa phương chưa làm được, đề nghị tiếp tục khẩn trương thực hiện. Một số dự án đầu tư còn tồn đọng vì nhiều lý do khác nhau cần nghiên cứu, đề xuất phương án cụ thể, trình bày rõ ràng để cùng nhau tìm cách giải quyết sớm hơn.
Bộ trưởng đề nghị, thời gian tới, địa phương cố gắng, nỗ lực làm những việc lớn, tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, tiến tới Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ tới. Các Bộ, ngành; Trong đó có Bộ Tư pháp sẽ cùng chung tay trong phạm vị chức năng nhiệm vụ để phối hợp với địa phương thực hiện các nhiệm vụ và chương trình mục tiêu quốc gia.
 
Đình Thương - Long Vĩnh