Ngày 9/4, UBND thành phố Hà Nội tổ chức họp tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 31 và ý kiến của Đại biểu Quốc hội chuyên trách tại Hội nghị lần thứ 5.
Đồng chủ trì cuộc họp có Phó Chủ tịch thường trực UBND Thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy và Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng.
Cuộc họp tập trung vào các cơ chế, chính sách, quy định của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) về cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị; quản lý, sử dụng không gian ngầm.
Theo báo cáo tại cuộc họp, về tái thiết đô thị, khoản 6, Điều 20 được đề xuất chỉnh lý thành “Trường hợp không lựa chọn được chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo quy định của pháp luật về nhà ở thì UBND thành phố Hà Nội có thẩm quyền tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất sau khi thống nhất nội dung dự án với các chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất và được từ 2/3 tổng số chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất trong phạm vi ranh giới dự án trở lên đồng thuận. Số tiền thu được từ việc đấu giá quyền sử dụng đất được phân bổ trên cơ sở diện tích nhà ở, đất ở hợp pháp cho từng chủ sở hữu nhà ở, người sử dụng đất theo phương án bồi thường đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt”.
Nội dung trên đã bổ sung thêm biện pháp so với quy định của Luật Nhà ở (hiện nay Luật Nhà ở 2023 không quy định trường hợp sau khi nhà nước tổ chức đấu thầu mà không thành công nếu các chủ sở hữu nhà chung cư, người sử dụng đất không lựa chọn chủ đầu tư). Việc quy định phải được “tất cả các chủ sở hữu nhà chung cư, người sử dụng đất trong phạm vi ranh giới dự án đồng thuận” để đảm bảo tính khả thi của việc “đấu giá” đất trong phạm vi dự án.
Điều 29 về Phát triển nhà ở bổ sung 1 khoản, cụ thể: Việc phát triển nhà ở tái định cư thực hiện trên nguyên tắc: UBND thành phố Hà Nội có thẩm quyền bố trí phương án tái định cư cho các hộ dân căn cứ trên số lượng căn hộ được xác định trong văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội của cơ quan có thẩm quyền.
Các chủ đầu tư dự án nhà ở quy định tại điểm a khoản này có trách nhiệm bán nhà ở cho các hộ dân thuộc đối tượng tái định cư do UBND thành phố thông báo trước khi bán cho các đối tượng theo quy định.
Đến thời điểm các dự án quy định tại điểm a khoản này đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản mà UBND thành phố không có nhu cầu bố trí tái định cư thì chủ đầu tư được thực hiện bán, cho thuê, cho thuê mua cho các đối tượng khác theo quy định. HĐND thành phố Hà Nội quy định chi tiết khoản này.
Theo thành phố Hà Nội, việc đề xuất chính sách linh hoạt trong dự thảo Luật để thành phố chủ động tạo lập quỹ nhà tái định cư phục vụ công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm trên địa bàn với nhu cầu tái định cư ngày càng lớn do phát triển các công trình hạ tầng khung (giao thông, môi trường, xử lý nước thải…) và nâng cấp đô thị từ huyện lên quận. Đồng thời khi thực hiện biện pháp tạo lập quỹ nhà tái định cư theo chính sách này sẽ giảm đáng kể gánh nặng cho ngân sách thành phố trong việc đầu tư phát triển mới các dự án nhà tái định cư.
Về quản lý, sử dụng không gian ngầm (Điều 19 dự thảo luật), thành phố Hà Nội quan điểm thống nhất quản lý toàn bộ không gian xây dựng ngầm theo phân cấp, theo phân lớp độ sâu. Chính phủ quy định phân lớp độ sâu không gian ngầm để quản lý, quy định độ sâu cho phép khai thác sử dụng và độ sâu cần được cấp phép sử dụng. UBND thành phố quy định việc thu tiền sử dụng không gian ngầm. Cùng với đó, thành phố tiếp thu, chỉnh lý và bổ sung các nội dung phù hợp với quy định tại Luật Phòng thủ dân sự và Luật Quốc phòng theo hướng khuyến khích nghiên cứu xây dựng công trình ngầm đáp ứng yêu cầu tham gia phòng thủ dân sự và mục đích quốc phòng.
Tại cuộc họp, đại diện các Bộ, cơ quan ngang bộ, các Sở, ngành của Hà Nội cùng các chuyên gia đã cùng trao đổi, góp ý để chỉnh lý, hoàn thiện các nội dung nêu trên đảm bảo khả thi, phù hợp thực tiễn.
Góp ý tại cuộc họp, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng cho rằng các nội dung về quản lý, sử dụng không gian ngầm cơ bản đã thống nhất, song cần tính toán về nguyên tắc phân lớp độ sâu và nên để Chính phủ quy định nội dung này.
“Quy định theo hướng từng khu vực có độ nông sâu bao nhiêu, phụ thuộc địa chất, tôi nghĩ là khó. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy hầu hết các nước phân chia không gian ngầm làm 3 tầng, chúng ta có thể tham khảo điều này”, Thứ trưởng cho biết.
Kết thúc cuộc họp, Phó Chủ tịch thường trực UBND Thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn khẳng định thành phố sẽ nghiên cứu tiếp thu các ý kiến đóng góp; đồng thời yêu cầu một số Sở, ngành của Hà Nội tiến hành đánh giá tác động một số nội dung tại dự thảo Luật để tiếp tục chỉnh lý hoàn thiện, đảm bảo phù hợp, khả thi.
Bảo Ngọc