Sáng ngày 04/03, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đã chủ trì cuộc họp báo cáo về dự thảo Nghị quyết thí điểm cấp Phiếu Lý lịch Tư pháp.
Báo cáo tại cuộc họp, đồng chí Đỗ Thị Thúy Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Lý lịch Tư pháp quốc gia cho biết: Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, Bộ Tư pháp đã tiếp thu ý kiến thẩm định và chỉnh lý tên gọi của dự thảo Nghị quyết, như sau: Nghị quyết của Quốc hội thí điểm cho một số Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện cấp Phiếu LLTP. Về vấn đề không quy định người nước ngoài là đối tượng điều chỉnh của Nghị quyết trong dự thảo Tờ trình, Bộ Tư pháp thấy rằng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết cần bảo đảm đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 09/7/2023 về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp Phiếu LLTP và Thông báo số 506/TB-VPCP ngày 06/12/2023 của Văn phòng Chính phủ Kết luận Hội nghị lần thứ nhất Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, tiếp thu ý kiến thẩm định, Bộ Tư pháp đã bổ sung tiêu chí để lựa chọn Phòng Tư pháp áp dụng thí điểm để bảo đảm việc thí điểm hiệu quả, có cơ sở đánh giá, tổng kết khi kết thúc thí điểm.
Đồng chí Đỗ Thị Thúy Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Lý lịch Tư pháp quốc gia báo cáo tại cuộc họp.
Về sự phù hợp của nội dung chính sách với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước, Bộ Tư pháp đã rà soát, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước có liên quan, bảo đảm thực hiện đúng Quy định số 69-QĐ/TW ngày 06/7/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ.
Về tính khả thi, tính dự báo của chính sách và các giải pháp thực hiện chính sách, Bộ Tư pháp đã bổ sung tiêu chí lựa chọn Phòng Tư pháp trong Tờ trình, đồng thời, dự thảo Nghị quyết giao Chính phủ quy định tiêu chí cụ thể lựa chọn Phòng Tư pháp áp dụng thí điểm. Dự thảo Nghị quyết đã quy định cụ thể về cơ chế phối hợp giữa Phòng Tư pháp và các cơ quan có liên quan trong tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu LLTP. Bộ Tư pháp đã chỉnh lý dự kiến Nghị quyết, theo đó dự kiến Nghị quyết có hiệu lực sau 06 tháng, kể từ ngày ban hành để bảo đảm đủ thời gian chuẩn bị tổ chức thực hiện.
Ngoài ra, đồng chí cũng đã báo cáo về dự kiến nguồn lực, điều kiện bảo đảm thực hiện chính sách, về đánh giá tác động thủ tục hành chính, về việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, về hồ sơ và trình tự, thủ tục lập đề nghị.
Đại diện một số các đơn vị thuộc Bộ phát biểu tại cuộc họp.
Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị thuộc Bộ đã nhất trí với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm phân cấp việc cấp Phiếu Lý lịch tư pháp cho Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Nghệ An, đồng thời các đồng chí cũng đã trao đổi, đóng góp ý kiến về một số nội dung sau: Mở rộng phạm vi thí điểm cấp Phiếu Lý lịch Tư pháp, ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết các nội dung trong Nghị Quyết, thẩm quyền và trình tự thủ tục cấp, hệ thống, phần mềm dùng để triển khai thí điểm, một số các biểu mẫu và một số các vướng mắc trong kinh phí thực hiện thí điểm và vấn đề phân cấp, phân quyền trong thực hiện thí điểm...
Bộ trưởng Lê Thành Long phát biểu kết luận cuộc họp.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Lê Thành Long chỉ đạo cần phải xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm và việc phối hợp giữa các cơ quan, cần bổ sung thêm về nguồn lực, cơ sở vật chất, chỉnh lý lại hệ thống thông tin, phần mềm phục vụ cho việc thí điểm cấp Phiếu Lý lịch Tư pháp. Đảm bảo quy trình cấp lý lịch tư pháp cho người dân được diễn ra bình thường, đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực phục vụ việc triển khai. Bộ trưởng đề nghị các đơn vị có liên quan nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ Đề nghị trình Chính phủ, xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số nội dung trong Nghị Quyết.
Nam Hải - TTTT