Thời gian qua công tác chuyển đổi số của Bộ, ngành Tư pháp, đặc biệt dữ liệu số năm 2023, đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đáng trân trọng như trong kết nối chia sẻ dữ liệu; khai thác dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp; phát triển hạ tầng dữ liệu số; số hóa dữ liệu. Với nỗ lực và quyết tâm chính trị cao, trong năm 2023, Bộ Tư pháp đã có nhiều điểm nhấn quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số của Bộ, ngành Tư pháp.
Theo thống kê, hiện nay, Bộ Tư pháp có 31 hệ thống thông tin đang hoạt động phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Bộ, hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của các đơn vị thuộc Bộ, điển hình nhất là 16 hệ thống quy mô từ Trung ương đến địa phương trong đó có 02 hệ thống thông tin quan trọng với quy mô, phạm vi triển khai rộng trên 63 tỉnh/thành, số lượng hàng nghìn tài khoản người dùng, hàng triệu dữ liệu gia tăng liên tục. Một số hệ thống thông tin có số lượng người dùng lớn như: Hệ thống thông tin đăng ký, quản lý hộ tịch khoảng 50.000 tài khoản, hơn 81,7 triệu dữ liệu; Phần mềm thống kê ngành Tư pháp có khoảng 20.000 tài khoản; Hệ thống thông tin lý lịch tư pháp khoảng hơn 21 triệu dữ liệu.
Bộ trưởng Lê Thành Long cùng các Thứ trưởng Bộ Tư pháp dự Hội nghị Báo cáo kết quả triển khai ứng dụng Công nghệ thông tin chuyển đổi số của Ngành Tư pháp
Hiện tại, 63/63 địa phương đã triển khai kết nối liên thông dữ liệu giữa Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh với Hệ thống thông tin Đăng ký, quản lý hộ tịch, trung bình hàng tháng có khoảng 12,2 triệu giao dịch; 46/63 địa phương đã triển khai kết nối liên thông dữ liệu giữa Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh với Hệ thống thông tin lý lịch tư pháp, trung bình hàng tháng có khoảng 1,7 triệu giao dịch.
Một dịch vụ đứng thứ 2/10 dịch vụ được khai thác nhiều nhất trên Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia trong năm 2023
Theo đánh giá của Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin truyền thông trong 10 dịch vụ được khai thác nhiều nhất trên Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia trong năm 2023, Bộ Tư pháp có 2 dịch vụ, một là dịch vụ gửi hồ sơ, đồng bộ trạng thái xử lý, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) về hộ tịch dạng điện tử hiện đứng thứ hai với 101.562.508 giao dịch và dịch vụ Gửi hồ sơ, đồng bộ trạng thái xử lý, trả kết quả TTHC cấp Phiếu Lý lịch tư pháp đứng thứ tám với 33.862.206 giao dịch. Đặc biệt, trong tháng 6 tỷ lệ giao dịch thành công chỉ là 60 % thì đến cuối năm tỷ lệ giao dịch thành công lên đến 99% và không còn tình trạng quá tải hệ thống.
Bộ Tư pháp cũng đã triển khai giải pháp cấp bản điện tử Giấy khai sinh và Trích lục khai tử theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 05/CT-TTg, phục vụ liên thông đối với 02 nhóm TTHC được triển khai toàn quốc là Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi và Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi dự Hội nghị triển khai công tác công nghệ thông tin năm 2023
Bên cạnh đó, 63/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện số hoá trên Phần mềm hộ tịch số hóa 158, trong đó 54/63 tỉnh thành phố đã số hóa và đẩy dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, trong đó 07 địa phương đã hoàn thành. Số Sổ hộ tịch đã được số hóa là 2.524.892 sổ với gần 50 triệu dữ liệu, trong đó, đã cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử trên 36 triệu dữ liệu.
Bước tiến quan trọng trong hoạt động cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên môi trường mạng
Nhằm đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp, thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 09/07/2023 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh cải cách hành chính về cấp Phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, Bộ Tư pháp đã giao cho các đơn vị chuyên môn triển khai nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng giải pháp triển khai thí điểm cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNEID cho công dân trên địa bàn Thừa Thiên Huế.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh dự Diễn đàn "Chuyển đổi số trong ngành tư pháp"
Quy trình cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử VneID thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông; Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế. Đến nay, Bộ Tư pháp đã thực hiện kiểm thử và hoàn thiện quy trình kết nối, tích hợp dữ liệu phục vụ cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử VNeID. Đây là bước tiến quan trọng trong hoạt động cấp Phiếu lý lịch tư pháp, hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng, người dân có thể yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp mọi lúc, mọi nơi thông qua điện thoại thông minh hoặc máy tính có kết nối internet mà không cần giấy tờ, không cần đến trực tiếp các cơ quan có thẩm quyền.
Đoàn công tác của Ban chỉ đạo Chuyển đổi số ngành Tư pháp làm việc tại Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế
Năm 2023, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Tư pháp được hợp nhất từ Cổng Dịch vụ công của Bộ Tư pháp và Hệ thống một cửa điện tử của Bộ Tư pháp. Nhiều chức năng đã được bổ sung trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ như: ký số công cộng dành cho tổ chức, cá nhân thực hiện ký số đối với các thủ tục có yêu cầu ký số vào biểu mẫu, tờ khai điện tử tương tác; quy trình số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; kết nối Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh với Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Nỗ lực bảo đảm cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động chuyển đổi số
Hiện nay, cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động chuyển đổi số của Bộ Tư pháp được triển khai tập trung, thống nhất tại Trung tâm Dữ liệu điện tử của Bộ, ứng dụng công nghệ điện toán đám mây đảm bảo cho 31 hệ thống thông tin hoạt động.
Việc cài đặt, cấu hình, tích hợp toàn bộ các trang thiết bị của Dự án “Đầu tư hạ tầng Trung tâm dữ liệu điện tử Bộ Tư pháp” đã hoàn thành nhằm bổ sung hạ tầng, tăng cường năng lực xử lý, lưu trữ và bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng đáp ứng yêu cầu triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin, Phần mềm ứng dụng của Bộ, ngành Tư pháp; Đặc biệt đã ưu tiên bố trí, đảm bảo hạ tầng cho trong việc triển khai hiệu quả 02 nhóm thủ tục hành chính liên thông theo yêu cầu, tiến độ của Tổ công tác triển khai Đề án 06 Chính phủ, Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch, Lý lịch tư pháp.
Quyền Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Phạm Quang Hiếu báo cáo kết quả triển khai ứng dụng CNTT, chuyển đổi số của Ngành Tư pháp
Bên cạnh đó, an toàn, an ninh quốc gia là 01 trong 06 nhiệm vụ trọng tâm quốc gia của Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Bộ Tư pháp đã xác định bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trên môi trường số của Bộ, ngành Tư pháp là một trong những nhiệm vụ ưu tiên trong quá trình chuyển đổi số, Bộ Tư pháp đã tổ chức các Hội thảo diễn tập thực chiến đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng tại Bộ Tư pháp nhằm nâng cao nhận thức về an ninh, an toàn thông tin mạng đối với cán bộ quản lý tại các cơ quan, đơn vị; Giúp các lực lượng chuyên trách đánh giá quy trình, kế hoạch, phương án ứng cứu, từ đó hiệu chỉnh phù hợp hơn với thực tế để tăng cường khả năng phản ứng khi có sự cố xảy ra.
An Như thực hiện
(Số liệu thống kê cuối tháng 12/2023)