Sáng 21/11, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Báo cáo tóm tắt Công tác thi hành án năm 2023.
1.388 bản án, quyết định THAHC có hiệu lực pháp luật
Về công tác thi hành án dân sự, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, năm 2023, Chính phủ tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo Bộ Tư pháp triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự (THADS), thi hành án hành chính (THAHC) được Quốc hội giao; công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động THADS được tập trung chỉ đạo thực hiện thường xuyên, quyết liệt với nhiều giải pháp thiết thực; thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các vụ án lớn, phức tạp.
Theo đó, công tác THADS đạt tỉ lệ 83,24% số vụ việc có điều kiện thi hành.
Năm 2023, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được duy trì và thực hiện có hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có rà soát, hệ thống hóa văn bản pháp luật về thi hành án dân sự.
Đến nay, việc rà soát các văn bản trong lĩnh vực thi hành án dân sự cơ bản được hoàn thiện, trên cơ sở đó, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp chủ động trong việc xây dựng Luật Đấu giá tài sản để làm rõ tính đặc thù của bán đấu giá tài sản trong thi hành án; có ý kiến đối với nhiều vấn đề lớn trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng,…
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác THADS vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục. Đó là, số việc thi hành án chuyển kỳ sau còn nhiều, các khoản thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng chưa cao, đơn thư khiếu nại, tố cáo về THADS có chiều hướng tăng.
Nguyên nhân do một số quy định về THADS bất cập, quan điểm áp dụng pháp luật trong một số trường hợp còn khác nhau. Tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế phải xử lý ở nhiều địa phương, tính chất pháp lý phức tạp. Số việc và tiền thụ lý mới tăng cao so với các năm trước trong khi nguồn lực bảo đảm cho công tác THADS chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Đối với công tác THAHC, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết: Chính phủ đã chỉ đạo tổng kết thực tiễn thi hành Luật Tố tùng hành chính (TTHC) năm 2015 và tổng kết việc thực hiện Chỉ thị số 26/TC-TTg ngày 15/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chấp hành pháp luật TTHC và THAHC, trên cơ sở đó sẽ nghiên cứu, có báo cáo đề xuất, kiến nghị tiếp tục hoàn thiện về TTHC và THAHC.
Kết quả THAHC, các cơ quan THADS đã thực hiện theo dõi 1.388 bản án, quyết định có hiệu lực có nội dung phải thi hành, trong đó, ban hành văn bản thông báo tự nguyện thi hành án gửi người phải thi hành án đối với 769 vụ việc; tổ chức làm việc với người phải thi hành án trong 718 vụ việc; đăng tải công khai 553 quyết định buộc THAHC của Tòa án; có văn bản kiến nghị người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với 135 vụ việc. Đến nay, đã thi hành xong 582 bản án, quyết định (tăng 153 bản án, quyết định so với năm 2022).
Về hoạt động Thừa phát lại, Bộ trưởng Lê Thành Long nêu rõ, có tổng số 194 Văn phòng Thừa phát lại. Các Văn phòng Thừa phát lại trên cả nước đã tống đạt được 828.275 văn bản, lập 90.741 vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án 09 việc, thụ lý tổ chức thi hành án 05 vụ việc, doanh thu đạt hơn 173 tỷ đồng.
Triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác THA
Báo cáo về công thác THAHS, Bộ trưởng cho biết, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế đã được Chính phủ đã ban hành 08 Nghị định; Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, ban hành 07 Thông tư liên tịch; sửa đổi, bổ sung và ban hành 27 Thông tư theo quy định của Luật thi hành án hình sự (THAHS) năm 2019. Bộ Quốc phòng xây dựng, ban hành 01 Thông tư.
Các nhiệm vụ của công tác THAHS như thi hành án phạt tù; công tác giáo dục, cải tạo, tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân; công tác xét, đề nghị tạm đình chỉ, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện; công tác THAHS tại cộng đồng; công tác thi hành biện pháp tư pháp; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo... được thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến và tập huấn Luật THA hình sự năm 2019 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật chưa cao. Công tác quản lý giam giữ phạm nhân ở một số trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ còn xảy ra sơ hở dẫn đến phạm nhân lợi dụng trốn, vi phạm nội quy cơ sở giam giữ. Một số cán bộ, chiến sĩ vi phạm quy trình, chế độ công tác phải xử lý kỷ luật, xử lý hình sự.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng báo cáo trước Quốc hội về một số nhiệm vụ trọng tâm, kiến nghị giải pháp chủ yếu. Đối với công tác THADS, THAHC, Thừa phát lại, cần tiếp tục cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, Nhà nước, Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại các Hội nghị, phiên họp; Chỉ thị số 04-CT/TW; Kết luận số 05-KL/TW. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế về THADS, THAHC, chỉ đạo hoàn thiện dự thảo các văn bản pháp luật trình Quốc hội xem xét, ban hành.
Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS, THAHC theo Nghị quyết số 96/2019/QH14 và Nghị quyết số 16/2021/QH15. Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật TTHC, kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về việc chấp hành pháp luật TTHC và THAHC.
Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về THADS, THAHC; tăng cường tự kiểm tra, kiểm tra công vụ, nội bộ, xác định trách nhiệm của người đứng đầu; thực hiện các biện pháp quyết liệt, hiệu quả trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Bảo đảm kinh phí hoạt động, cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc cho cơ quan THADS. Quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong THADS.
Về công tác THAHS, tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội, tổ chức thi hành nghiêm minh các bản án, quyết định của Tòa án và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, Nhà nước, văn bản pháp luật có liên quan.
Chỉ đạo Cơ quan THAHS trong Công an nhân dân phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các cấp và chỉ đạo hướng dẫn, kiểm tra Công an cấp xã trong việc quản lý, giám sát, giáo dục và tạo điều kiện giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện... chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, tích cực học tập, lao động, ổn định cuộc sống...
Tổ chức giam giữ, quản lý chặt chẽ các loại đối tượng theo quy định pháp luật, không để xảy ra bất ngờ. Thực hiện đúng quy trình trong tuần tra, canh gác, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động trốn, chống phá, phạm tội mới... hạn chế thấp nhất các trường hợp phạm nhân chết không do bệnh lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục cải tạo phạm nhân.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đề nghị Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, HĐND, Mặt trận Tổ quốc các cấp tiếp tục quan tâm, tăng cường giám sát theo thẩm quyền đối với công tác THADS, THAHC, THAHS, Thừa phát lại.
Quốc hội tiếp tục chỉ đạo, thể chế hoá các định hướng về công tác thi hành án tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Đề nghị TANDTC chỉ đạo TAND các cấp tiếp tục phối hợp có hiệu quả với cơ quan THADS; kịp thời giải quyết các yêu cầu đính chính, giải thích bản án và các kiến nghị của cơ quan THADS theo quy định; thụ lý yêu cầu phân chia tài sản chung của đương sự trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế...; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để hướng dẫn giải quyết những vướng mắc phát sinh trong tổ chức thi hành án tử hình, THAHS tại cộng đồng...
Đại biểu Lê Hữu Trí (Đoàn Khánh Hòa) phát biểu thảo luận, sáng 21/11
Kết quả thi hành xong về việc và tiền đều tăng
Báo cáo thẩm tra về công tác thi hành án năm 2023 của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, năm 2023, hoạt động của Cơ quan THADS đã có nhiều chuyển biến tích cực. Kết quả thi hành xong về việc và về tiền đều tăng; các vụ án về kinh tế, tham nhũng, đã thu tăng trên 4.415 tỷ đồng (tăng 27,62%) so với cùng kỳ; công tác phối hợp tổ chức thi hành nghĩa vụ tài sản đối với phạm nhân tại các trại giam đạt kết quả tích cực. Tuy nhiên, số lượng án có điều kiện thi hành tồn đọng chuyển kỳ sau còn ở mức cao; việc thu hồi khoản nợ cho các tổ chức tín dụng còn chậm,...
Về hoạt động Thừa phát lại, hiện nay, cả nước hiện có 194 Văn phòng Thừa phát lại, được thành lập tại 49 tỉnh, thành phố với 416 Thừa phát lại đang hành nghề (tăng 51 Văn phòng). Tuy nhiên, hoạt động thừa phát lại vẫn còn hạn chế, nhất là về xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án.
Về công tác thi hành án hình sự, Ủy ban Tư pháp nêu rõ, năm 2023, số lượng người bị kết án phạt tù tăng mạnh, Bộ Công an đã tăng cường công tác chỉ đạo, triển khai công tác quản lý, giáo dục và thực hiện đầy đủ các chính sách đối với phạm nhân. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, kiểm soát tại một số trại giam còn sơ hở nên vẫn có tình trạng phạm nhân cất giấu, sử dụng vật cấm tại nơi giam giữ; số phạm nhân chết do tai nạn lao động, chết do tự sát, số phạm nhân vi phạm kỷ luật và bị xếp loại cải tạo “kém” đều tăng.
Thảo luận về công tác THADS, THAHC, đại biểu Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) đánh giá cao kết quả THADS trong năm qua, đồng thời cũng chỉ rõ một số tồn tại hạn chế như số bản án, quyết định hành chính đã có hiệu lực, chưa thi hành xong vẫn còn nhiều; chưa có trường hợp nào cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước bị xử lý trách nhiệm do chậm thi hành án.
Do đó, đại biểu Lê Hữu Trí đề nghị cần khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật còn vướng mắc, bất cập; có biện pháp mạnh mẽ hơn nữa xem xét trách nhiệm các trường hợp không chấp hành án hành chính và cả trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan.