Đề xuất quy định đặc thù trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch HCM

15/11/2023
Đề xuất quy định đặc thù trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch HCM
Sáng 15/11, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định đề nghị xây dựng dự án Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh chủ trì phiên họp. Thiếu tướng Đinh Quốc Hùng, Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng và Đại tá Phạm Hải Trung, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - Trưởng ban Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng dự.
Hoàn thiện mô hình tổ chức, chức năng của các lực lượng làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng
Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Quốc phòng cho biết Khu Di tích Lăng là nơi mà Nhân dân Việt Nam từ thế hệ này đến thế hệ khác đến thăm, viếng, tỏ lòng biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, trung thành, quyết tâm đi theo con đường cách mạng do Người vạch ra, nhằm xây dựng thành công một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Nhiều Nguyên thủ quốc gia các nước và các đoàn khách quốc tế khi sang thăm Việt Nam đều đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ sự tôn kính Người cũng như thể hiện tình cảm trân trọng đối với đất nước, con người Việt Nam. Đây chính là biểu tượng cho những di sản vô giá về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người; vì vậy, việc giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng có ý nghĩa hết sức to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân Việt Nam.
 

Đại tá Phạm Hải Trung, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - Trưởng ban Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh​ trình bày tóm tắt nội dung Tờ trình.

Đồng chí cho biết thêm, trong những năm qua, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng luôn quan tâm theo dõi, chỉ đạo và đã có những đánh giá tích cực về kết quả thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng, như: Thông báo số 14-TB/TW ngày 04/12/1969 thông báo quyết định của Bộ Chính trị về giữ gìn thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng mộ của Người; Thông báo số 14-TB/TW ngày 11/7/1976 của Bộ Chính trị về tổ chức bảo đảm nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, quản lý Lăng và Quảng trường Ba Đình;...
Tuy nhiên, quá trình thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng đã đặt ra một số nội dung, yêu cầu đòi hỏi phải điều chỉnh, bổ sung như cần có cơ chế đặc thù trong đầu tư nghiên cứu khoa học, công nghệ bảo quản thi hài và mua sắm, duy tu, bảo dưỡng trang thiết bị công trình Lăng; mô hình tổ chức của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cần được hoàn thiện về phương thức, mô hình, quy mô, tổ chức trong văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao;...
Vì vậy, việc xây dựng Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng hướng tới mục tiêu thể chế hóa bằng Pháp lệnh để quy định tính đặc thù trong thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng; hoàn thiện mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và mối quan hệ công tác của các lực lượng làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng; cơ chế huy động, đảm bảo các nguồn lực thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng.
Cân nhắc lựa chọn hình thức ban hành văn bản quy phạm pháp luật phù hợp
Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng đã trao đổi, thảo luận và cho ý kiến về nội dung dự thảo Tờ trình và các chính sách được đề xuất. Theo đó, đại diện Bộ Tài chính đề nghị Bộ Quốc phòng bổ sung, làm rõ cơ sở lựa chọn hình thức văn bản quy phạm pháp luật là Pháp lệnh, vì theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật thì Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh để quy định những vấn đề được Quốc hội giao. Bên cạnh đó, đồng chí đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ chức năng, nhiệm vụ của lực lượng làm nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng; hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các ban, bộ, ngành, địa phương trong quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng.
 

Đại diện Bộ Tài chính.·

Về chế độ chính sách đối với lực lượng làm nhiệm vụ tại Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí đề nghị Bộ Quốc phòng làm rõ trong tờ trình Chính phủ về cơ sở đề xuất chế độ chính sách áp dụng cho các đối tượng làm nhiệm vụ tại Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh có tính đến yêu cầu xây dựng hệ thống thang bảng lương theo vị trí việc làm để thực hiện cải cách tiền lương đầy đủ theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành TW Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
 

Đại diện Bộ Nội vụ.

Nhất trí với ý kiến của Bộ Tài chính, đại diện Bộ Nội vụ đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung thêm nội dung đánh giá và làm rõ nguồn nhân lực để đảm bảo không làm tăng tổ chức bộ máy và biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo đúng tinh thần các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 khoá XII (Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 và Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả).
Đối với chính sách 3, đồng chí cho biết, các lực lượng làm nhiệm vụ tại Ban Quản lý Lăng đang được hưởng chế độ phụ cấp đặc thù theo Quyết định số 28/2013/QĐ-TTg ngày 19/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, đồng chí đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, biên tập bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và theo định hướng tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII khi cấp có thẩm quyền quyết định triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương.
 

Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ.

Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đánh giá cao các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định và sự chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng của cơ quan chủ trì soạn thảo. Tuy nhiên, dự thảo Tờ trình chưa làm rõ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn về sự cần thiết ban hành Pháp lệnh. Vì vậy, để làm nổi bật hơn tính chất, tầm quan trọng của nhiệm vụ này, đồng thời làm cơ sở cho cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định về cần thiết ban sự hành Pháp lệnh, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng các đường lối, chủ trương của Đảng, các quy định của Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan cũng như tình hình thực tiễn giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian qua.
 

Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh kết luận phiên họp.

Về hình thức văn bản, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo căn cứ vào quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và nội dung các chính sách dự kiến của văn bản để cân nhắc đề xuất hình thức văn bản quy định về vấn đề này cho phù hợp.
Ngoài ra, Thứ trưởng đã cho ý kiến cụ thể về chế độ chính sách đối với lực lượng làm nhiệm vụ tại Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; cơ chế đặc thù đối với quản lý, bảo vệ công trình Lăng;…
 
Dự án Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh gồm 3 chính sách: (1) Hoàn thiện thể chế pháp luật về quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; (2) Hoàn thiện pháp luật về hoạt động quản lý đối với các công trình, di tích thuộc Khu Di tích Lăng; hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của lực lượng làm nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng; (3) Hoàn thiện pháp luật về bảo đảm nguồn lực; chế độ, chính sách cho các lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng.
Anh Thư - Trung tâm Thông tin