Tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật về trọng tài, hòa giải thương mại

08/11/2023
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật về trọng tài, hòa giải thương mại
Ngày 8/11, Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Pháp đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Các phương pháp giải quyết tranh chấp thay thế – quan điểm và thực tiễn so sánh giữa Việt Nam và Pháp”. Tham dự và phát biểu khai mạc Hội thảo có Ngài Olivier BROCHET, Đại sứ nước Cộng hòa Pháp tại Việt Nam; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi.
Năm 2023 kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp (1973 - 2023), 10 năm ngày hai nước nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược (2013 - 2023). Trên chặng đường 50 năm qua, mối quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp Việt Nam - Pháp ngày càng bền chặt, toàn diện, phong phú, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực trong đó, có hợp tác về pháp luật và tư pháp được đánh dấu bằng sự kiện ký Hiệp định giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CH Pháp về hợp tác pháp luật và tư pháp năm 1993. 
 
 
Từ đó đến nay, quan hệ hợp tác giữa Bộ Tư pháp hai nước ngày càng được tăng cường và củng cố, phát triển thực chất và đi vào chiều sâu. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam, 10 năm ngày hai nước nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược, 30 năm ngày hai nước ký hợp tác về pháp luật và tư pháp, hai bên đã tổ chức một số hoạt động để chào mừng sự kiện này, trong đó, có chuyến thăm và làm việc của Đoàn Công tác Bộ Tư pháp Pháp tại Việt Nam. Nhân dịp này hai bên phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề nêu trên.
 
 
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi cho biết: Trên thế giới, phương thức giải quyết tranh chấp thương mại bằng hòa giải, trọng tài thương mại được sử dụng phổ biến nhất là tại các nước có nền kinh tế phát triển với nhiều ưu điểm vượt trội như tiết kiệm thời gian, chi phí, đảm bảo bí mật riêng tư, giữ quan hệ đối tác sau khi giải quyết tranh chấp.... Hòa giải và trọng tài ngày càng được các bên tranh chấp, đặc biệt là các doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn.
Tại Việt Nam, trong thời gian qua, nhiều văn bản luật đã có quy định về phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, hòa giải thương mại như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Chứng khoán, Luật Trọng tài thương mại năm 2010 và Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24/2/2017 của Chính phủ về hòa giải thương mại được ban hành góp phần hoàn thiện khung pháp luật về giải quyết tranh chấp ngoài tòa án. Bên cạnh đó, các văn bản này đã được triển khai và đạt được kết quả bước đầu, số lượng tổ chức và số vụ việc đang dần có xu hướng gia tăng; phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, hòa giải thương mại được người dân và cộng đồng doanh nghiệp biết, quan tâm và đón nhận ngày càng nhiều. Điều này góp phần vào nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh quốc gia trong tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam. 
 

 
Trong bối cảnh đất nước bước sang giai đoạn mới, thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số, xây dựng nhà nước pháp quyền, hội nhập quốc tế, trước nhu cầu thực tiễn về giải quyết tranh chấp đầu tư, kinh doanh, thương mại, việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật về trọng tài, hòa giải thương mại đảm bảo phù hợp với thực tiễn giải quyết tranh chấp của Việt Nam và thông lệ quốc tế đã và đang được quan tâm thực hiện. Hiện nay, hồ sơ đề nghị Luật sửa đổi bổ sung Luật Trọng tài thương mại đang được xây dựng trình Chính phủ, trình Quốc hội, Nghị định số 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại đang được tiến hành tổng kết thì việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động trọng tài, hòa giải thương mại, nhất là đối với quốc gia có hoạt động trọng tài, hòa giải phát triển như Pháp là rất cần thiết. 
“Việc tổ chức Hội thảo hôm nay có ý nghĩa rất quan trọng và là dịp để diễn giả hai nước trao đổi về pháp luật và thực tiễn về giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, hòa giải thương mại, đồng thời cũng là cơ hội để Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về trọng tài, hòa giải thương mại nói riêng và hệ thống pháp luật nói chung”, Thứ trưởng nói.
 
 
Tiếp đó, đã diễn ra Phiên thảo luận thứ nhất về Hòa giải thương mại (pháp luật và thực tiễn hòa giải thương mại tại Việt Nam), Phiên thảo luận thứ hai về Trọng tài thương mại (pháp luật và thực tiễn về trọng tài thương mại, kinh nghiệm của Pháp về xử lý tài sản trong bối cảnh thu hồi nợ hòa giải và tư pháp)…
 
Bảo Ngọc