Ngày 2/11, Đoàn kiểm tra liên ngành do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng làm Trưởng đoàn đã có buổi kiểm tra công tác pháp chế tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT). Tiếp và làm việc với đoàn có Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cùng lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ.
Công tác pháp chế được triển khai bài bản, hiệu quả
Báo cáo tại buổi kiểm tra cho biết, hàng năm, Lãnh đạo Bộ GTVT đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc nhằm triển khai thực hiện hiệu quả công tác pháp chế tại Bộ.
Về công tác xây dựng pháp luật, các tổ chức pháp chế luôn kịp thời đôn đốc các đơn vị lập kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) để trình Bộ đưa vào chương tình xây dựng VBQPPL hàng năm của Bộ đảm bảo chất lượng, tiến độ. Hiện Bộ GTVT đang tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm tra đối với dự án Luật Đường bộ, chuẩn bị hồ sơ tài liệu để Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6; hoàn thiện hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Đường sắt và Luật Hàng không dân dụng Việt Nam để trình Chính phủ. Dự kiến trong năm 2023 sẽ hoàn thành việc tổng kết Bộ luật Hàng hải Việt Nam và Luật Giao thông đường thủy nội địa Việt Nam.
Thành viên Đoàn kiểm tra đề nghị làm rõ một số nội dung.
Công tác rà soát, hệ thống hóa VBQPPL và pháp điển hệ thống QPPL được thực hiện nghiêm túc. Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành các Quyết định về việc công bố danh mục VBQPPL về GTVT hết hiệu lực thi hành 6 tháng cuối năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 (theo đó có 99 văn bản được công bố hết hiệu lực thi hành). Bộ GTVT đã hoàn thiện và được Chính phủ phê duyệt 05/05 đề mục thuộc Chủ đề số 14 về giao thông, vận tải.
Công tác kiểm tra và xử lý VBQPPL được thực hiện hàng năm theo đúng yêu cầu, kịp thời giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn soạn thảo, ban hành, kiểm tra, xử lý các VBQPPL thuộc lĩnh vực GTVT.
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được Bộ GTVT triển khai tốt, đặc biệt Bộ đã ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Tổ chức truyền thông chính sách lớn có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng VBQPPL giai đoạn 2022-2027.
Các mặt công tác khác như theo dõi thi hành pháp luật, kiểm tra việc thực hiện pháp luật và xử lý vi phạm hành chính; công tác bồi thường nhà nước; công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp… đều được Bộ GTVT thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.
Đồng chí Đỗ Thị Thanh Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp - Phó Trưởng đoàn kiểm tra đưa ra đánh giá về kết quả công tác pháp chế của Bộ GTVT.
Về tình hình thực hiện Luật Ban hành VBQPPL, từ 1/1/2022 đến nay, Bộ GTVT đã tham mưu trình Chính phủ ban hành 11 Nghị định, tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 1 Quyết định; tổ chức pháp chế của Bộ đã thẩm định 95 VBQPPL; tham mưu ban hành 5 Nghị định, ban hành theo thẩm quyền 15 Thông tư theo trình tự, thủ tục rút gọn cùng với đó là tham mưu ban hành một số văn bản theo hình thức một văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ nhiều VBQPPL.
Công tác đánh giá thủ tục hành chính trong xây dựng VBQPPL, thực hiện chỉ số cải thiện chất lượng quy định của pháp luật được Bộ GTVT thực hiện hiệu quả.
Đầu tư các nguồn lực, tránh “chảy máu chất xám”
Bên cạnh kết quả đạt được, Bộ GTVT cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: nguồn lực tài chính bố trí cho công tác pháp chế còn hạn chế; đội ngũ công chức làm công tác pháp chế còn mỏng nên việc kiện toàn còn khó khăn. Do vậy đề nghị Bộ Tư pháp tăng cường tập huấn chuyên môn nhằm nâng cao trình độ kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác pháp chế đồng thời cần bảo đảm thực hiện các quy định chính sách đối với người làm công tác pháp chế để tránh tình trạng “chảy máu chất xám”.
Sau khi nghe báo cáo, thành viên đoàn kiểm tra đã đề nghị làm rõ một số nội dung trong các mặt công tác nêu trên. Đại diện một số đơn vị thuộc Bộ GTVT đã giải đáp, tiếp thu ý kiến của thành viên đoàn.
Phát biểu tại buổi kiểm tra, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm khẳng định Lãnh đạo Bộ luôn dành sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác pháp chế, đặc biệt là công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực GTVT, kiện toàn đội ngũ cán bộ pháp chế. Đánh giá kết quả các mặt công tác pháp chế cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, tuy nhiên theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm, trong quá trình thực hiện còn nhiều tồn tại, vướng mắc. Vì vậy, thông qua buổi kiểm tra toàn diện công tác pháp chế sẽ giúp Bộ GTVT kịp thời nhận diện, điều chỉnh những tồn tại đồng thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ. Lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp các đơn vị thuộc Bộ tiếp thu, giải trình, hoàn thiện báo cáo gửi đoàn kiểm tra theo đúng quy định.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm ghi nhận các ý kiến của thành viên đoàn kiểm tra.
Thay mặt đoàn kiểm tra, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng – Trưởng đoàn đánh giá cao kết quả trong công tác pháp chế mà Bộ GTVT đạt được trong thời gian qua. Trong đó có thể kể đến một số kết quả nổi bật như: Bộ GTVT đã tham mưu, trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực giao thông vận tải; công tác rà soát VBQPPL được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân doanh nghiệp trong áp dụng pháp luật; có nhiều nỗ lực trong cắt giảm thủ tục hành chính; đội ngũ cán bộ pháp chế được chú trọng kiện toàn…
Trong bối cảnh Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, Thứ trưởng đề nghị Bộ GTVT triển khai hiệu quả Nghị quyết 126/NQ-C ngày 14/8/2023 của Chính phủ về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.
Cùng với đó, cần tập trung nguồn lực để đảm bảo tiến độ, chất lượng xây dựng các luật và văn bản quy định chi tiết, tránh chậm, nợ; lưu ý về việc xây dựng, ban hành VBQPPL theo thủ tục rút gọn, bảo đảm chặt chẽ, theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Quan tâm tới việc kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế và nguồn kinh phí dành cho công tác này.
Ngoài ra, đề cập tới vấn đề phân cấp, phân quyền, Thứ trưởng có nêu lên một số phản ánh của địa phương về vấn đề quy hoạch chi tiết các cảng hàng không, quy hoạch hệ thống hạ tầng các điểm dừng nghỉ. Do vậy đề nghị Bộ GTVT cân nhắc, tính toán kỹ tới các nội dung này trong quá trình sửa đổi, hoàn thiện pháp luật để không làm ảnh hưởng tới sự phát triển của địa phương.
K.Quy