Mặc dù mới đưa vào thực hiện thí điểm được một năm, thế nhưng Thừa phát lại đã mang lại sự tiện ích và hiệu quả đáng kể. Tổ chức này nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các cấp, các ngành và sự hưởng ứng khá nhiệt tình của nhân dân.
Bước đầu được xã hội đón nhận
Nhằm đánh giá hiệu quả của công tác Thừa phát lại, sáng 24/6, Bộ Tư Pháp và UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị sơ kết về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại. Tại hội nghị này, các đại biểu đã được nghe nhiều báo cáo kết quả, cũng như mổ xẻ nhiều vấn đề còn vướng mắc trong hoạt động Thừa phát lại.
Theo đánh giá của Bộ Tư Pháp, mặc dù mới chỉ trong thời gian hoạt động thí điểm và với số lượng văn phòng không nhiều, nhân lực mỏng, nhưng bước đầu hoạt động Thừa phát lại đã thu được những kết quả khả quan, đáng khích lệ. Người dân bước đầu làm quen với việc lập vi bằng, tạo lập chứng cứ của các Thừa phát lại để có cơ sở bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong tố tụng và thực hiện các giao dịch.
Hoạt động Thừa phát lại cũng đã góp phần đảm bảo các hoạt động tư pháp được nhanh hơn, đúng pháp luật, hạn chế tình trạng quá tải trong công việc của các cơ quan tòa án và thi hành án dân sự tại TP.HCM.
Mặc dù số lượng công việc mà các văn phòng thừa phát lại thực hiện chưa nhiều so với “núi” công việc của thành phố nhưng nó đã thể hiện được tính ưu việt của mình. Tổng doanh thu mà các văn phòng Thừa phát lại thu được trong vòng một năm qua là gần 4,5 tỷ đồng, trong đó lập vi bằng chiếm tới 83%, còn ba mảng khác chỉ chiếm 17%. Nhiều đại biểu nhận định trong thời gian tới doanh thu của các văn phòng Thừa phát lại sẽ khả quan hơn.
Đánh giá về kết quả bước đầu thực hiện thí điểm mô hình này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính cho biết: Đây là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Dù mới thành lập, nhưng bước đầu đã có hiệu quả nhất định. Các văn phòng đã thực hiện khá tốt nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên để Thừa phát lại hoạt động thành công thì cần có sự chỉ đạo, quan tâm sâu sát của các cấp, các ngành. Đặc biệt phải làm cho nhân dân hiểu sâu, rộng. Khi người dân hiểu thì họ sẽ có sự lựa chọn các dịch vụ nào tiện lợi nhất cho mình.
Đồng tình với đánh giá này, ông Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM đã đánh giá cao ý nghĩa của việc ra đời mô hình Thừa phát lại. Theo Phó Bí thư Nguyễn Văn Đua, Thừa phát lại đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân, nên bước đầu người dân dã đón nhận nồng nhiệt. Nó góp phần thực hiện chủ trương xã hội trong cải cách thủ tục hành chính nói chung và cải cách tư pháp nói riêng. Chắc chắn Thừa phát lại sẽ hoạy động ngày một hiệu quả, thành công.
Nhiều, nhưng chưa lắm thực quyền
Theo quy định thì các văn phòng Thừa phát lại có những quyền như: tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của các tổ chức, cá nhân; xác lập các vi bằng - văn bản có giá trị chứng cứ trong tố tụng và các quan hệ pháp lý khác theo yêu cầu của các tổ chức, cá nhân; tống đạt các văn bản của Tòa án, Cục Thi hành án dân sự, Chi cục Thi hành án dân sự và các văn bản khác theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân; tư vấn pháp luật về hoạt động xác minh điều kiện thi hành án, tổ chức thi hành án...
Với những quyền hành đó, nhiều người cho rằng Thừa phát lại có khá nhiều lợi thế. Tuy nhiên một số phát biểu tại hội nghị vẫn phàn nàn rằng nhìn thì có vẻ nhiều lợi thế, nhưng đi vào thực tế thì còn khá nhiều vấn đề cần có thời gian xem xét. Đại diện văn phòng Thừa phát lại quận Bình Thạnh cho biết: Hiện nay các văn phòng Thừa phát lại vẫn chủ yếu là lập vi bằng, còn lại việc thi hành án và các việc khác còn quá ít.
Sở dĩ có điều này bởi các nguyên nhân như: một số Tòa án, Chi cục Thi hành án chưa giao văn bản tống đạt, hoặc chỉ giao một vài văn bản cho có lệ mà chưa quán triệt ý nghĩa của chủ trương giao văn bản cho văn phòng Thừa phát lại thực hiện tống đạt. Ngành Thi hành án vẫn chưa sẵn sàng chia sẻ công việc của mình cho Thừa phát lại. Nhiều cơ quan còn đưa ra lý do là họ chỉ cung cấp kết quả xác minh cho cơ quan Nhà nước chứ chưa cung cấp cho Thừa phát lại nên gây khó khăn cho hoạt động của mô hình non trẻ này…
Nói về những khó khăn trong công tác Thừa phát lại, bà Ngô Minh Hồng Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM cho biết: Bên cạnh những mặt lợi thế, thì Thừa phát lại vẫn còn rất nhiều khó khăn như: doanh nghiệp bảo hiểm còn e ngại trong việc cung cấp dịch vụ bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho Thừa phát lại; chi phí tống đạt văn bản, giấy tờ còn thấp nên các văn phòng phải bù lỗ; quy định pháp luật trong một số văn bản chưa thống nhất với chế định pháp luật về Thừa phát lại… Bà Hồng cũng kiến nghị nhiều vấn đề như: cần nâng cao công tác thông tin tuyên truyền; đề nghị Bộ Tư Pháp và Tòa án nhân dân Tối cao chỉ đạo các cơ quan Thi hành án dân sự và Tòa án chuyển giao văn bản tống đạt cho Thừa phát lại thực hiện…
Phát biểu tổng kết Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã đánh giá cao vị trí, vai trò của thừa phát lại và những kết quả đạt được trong một năm thực hiện thí điểm vừa qua.
Thay mặt lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã tiếp thu các kiến nghị nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để Thừa phát lại hoạt động hiệu quả hơn. Bộ trưởng cũng cho biết sẽ trình lên Chính phủ cho kéo dài thời gian thực hiện thí điểm Thừa phát lại đến năm 2014 và mở rộng thêm các văn phòng khác trên địa bàn TP.HCM và một số thành phố trực thuộc trung ương khác.
Với 5 văn phòng Thừa phát lại được thành lập ở các quận như Tân Bình, Bình Thạnh, quận 1, quận 5 và quận 8, trong thời gian qua mặc dù còn rất mới lạ với người dân, thế nhưng các văn phòng này cũng đã giải quyết được một lượng công việc khá lớn.
Cụ thể, các văn phòng đã ký hợp đồng dịch vụ tống đạt văn bản với 23 Tòa án, 25 cơ quan Thi hành án và thực hiện tống đạt trên 14.000 văn bản với tổng chi phí thu được trên 300 triệu đồng. Các văn phòng cũng đã lập gần 2.000 vi bằng với tổng số tiền 3,7 tỷ đồng; đã xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự với 66 vụ việc.
Đặc biệt nhất là đã có 25 vụ việc được người dân nhờ các văn phòng Thừa phát lại thi hành án trực tiếp, thay vì phải nhờ đến cơ quan Thi hành án của Nhà nước như trước đây. |
Theo phapluatvn.vn