Trợ giúp pháp lý góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội ở Đồng Nai

27/10/2023
Trợ giúp pháp lý góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội ở Đồng Nai
Chiều ngày 27/10, Đoàn kiểm tra liên ngành của Hội đồng Phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý (TGPL) trong hoạt động tố tụng ở Trung ương do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng – Phó Chủ tịch Hội đồng làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Đồng Nai về công tác phối hợp về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng trên địa bàn tỉnh.
Tiếp đoàn có đồng chí Võ Tấn Đức – Quyền Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Võ Thị Xuân Đào – Giám đốc sở Tư pháp, Chủ tịch hội đồng liên ngành về Trợ giúp pháp lý tỉnh Đồng Nai cùng đại diện các sở, ban, ngành tham dự.
 
Đại diện Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng tỉnh Đồng Nai báo cáo tại buổi làm việc.

Báo cáo với đoàn kiểm tra liên ngành về việc triển khai Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC (Thông tư liên tịch số 10) và Quyết định số 306/QĐ-HĐPH ngày 10/3/2023 của Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng ở Trung ương ban hành Kế hoạch phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng năm 2023, đồng chí Phan Quang Tuấn – Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch hội đồng TGPL tỉnh cho biết 3 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 10, số vụ việc cơ quan tố tụng chuyển đến Trung tâm TGPL là ngày càng tăng cả số lượng vụ việc và chất lượng. Việc quy định rõ trách nhiệm trong hoạt động tố tụng, tạo bước đột phá trong công tác phối hợp nhận diện đối tượng yêu cầu TGPL, tăng số vụ TGPL.
Theo báo cáo, công tác phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện nội dung Thông tư liên tịch số 10 và các quy định của pháp luật về TGPL được thực hiện đầy đủ tại các đơn vị được kiểm tra. Lãnh đạo các cơ quan tố tụng đã có sự quan tâm chỉ đạo đến công tác phối hợp TGPL trong việc quán triệt đến cán bộ điều tra, điều tra viên, kiểm sát viên, thư ký, thẩm phán, cán bộ tiếp công dân về công tác phối hợp về TGPL. Công an tỉnh, TAND tỉnh, VKSND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo chi tiết, cụ thể việc thực hiện Thông tư liên tịch số 10.
 
Đồng chí Võ Thị Xuân Đào – Giám đốc sở Tư pháp, Chủ tịch hội đồng liên ngành về Trợ giúp pháp lý tỉnh Đồng Nai

Cụ thể, việc giải thích, hướng dẫn cho người bị tạm giam, tạm giữ, các đương sự khác trong vụ án hình sự, vụ án dân sự, cho các đối tượng được thụ hưởng chính sách TGPL miễn phí được thực hiện đầy đủ. Đặc biệt, đối với các vụ án hình sự có đối tượng được TGPL, các điều tra viên, cán bộ điều tra giải thích cho người bị tạm giữ, bị can về quyền được mời người bào chữa theo quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự, việc giải thích được thể hiện tại biên bản trong hồ sơ, đảm bảo tất cả các vụ án thụ lý đều được tư vấn và giải thích trong hồ sơ vụ án. Bên cạnh đó, việc giải thích các đối tượng là nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi liên quan trong vụ án dân sự, hành chính, hôn nhân gia đình đã được thẩm phán, thư ký cán bộ tòa án giải thích cho các đương sự.
Song song đó, giám thị trại tạm giam, trưởng nhà tạm giữ đã chủ động bố trí cho trợ giúp viên pháp lý, luật sư ký hợp đồng tiếp xúc với người bị tạm giam, tạm giữ, bị can, bị cáo theo quy định của pháp luật; bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự trong vụ án hình sự theo quy định của Luật tố tụng và Luật TGPL.
Một điểm quan trọng là việc ghi tên của trợ giúp viên, luật sư ký hợp đồng vào bản án, quyết định của tòa án được thực hiện theo đúng mẫu hướng dẫn của TAND Tối cao. Các văn bản tố tụng đều được sao gửi cho các đối tượng TGPL và người thực hiện TGPL được biết.
 
Công tác TGPL tại Đồng Nai còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Như vậy, theo báo cáo các cơ quan tố tụng đã tạo điều kiện thuận lợi cho người thực hiện TGPL đồng thời đánh giá, ghi nhận vai trò của trợ giúp viên pháp lý khi tham gia tố tụng, góp phần khách quan trong việc giải quyết các vụ án, thực hiện TGPL cho đối tượng giúp tiến độ xét xử các vụ án nhanh hơn.
Bên cạnh những ưu điểm, công tác TGPL còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Theo báo cáo của Hội đồng phối hợp liên ngành đã triển khai phổ biến Thông tư liên tịch số 10 đến các ngành, thành viên từ năm 2018 đến nay nhưng vẫn còn một số bộ phận điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán chưa nắm rõ về hoạt động phối hợp trong quá trình thụ lý giải quyết các vụ án. Do vậy, chưa chủ động giới thiệu đối tượng được trợ giúp đến Trung tâm TGPL Nhà nước.
 
Thành viên Đoàn kiểm tra Hội đồng phối hợp liên ngành TW trao đổi về một số về công tác TGPL

Một số vụ việc trợ giúp viên pháp lý đã được cử tham gia tố tụng từ giai đoạn điều tra đến khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử thì đối tượng trên 18 tuổi nên có một số thẩm phán không triệu tập trợ giúp viên pháp lý tham gia phiên tòa, vì vậy ảnh hưởng đến quyền được TGPL của đối tượng.
Đi vào cụ thể những tồn tại vướng mắc, báo cáo còn chỉ ra nhiều bất cập cụ thể, như: sự khác biệt trong việc nhận thức về thời điểm yêu cầu TGPL của các cơ quan tố tụng; công tác phối hợp giữa các ngành ở cấp huyện, cơ sở, có nơi có lúc chưa thực hiện tốt; đội ngũ trợ giúp viên tại chi nhánh chưa chủ động nắm thông tin; đội ngũ người tiến hành tố tụng chưa thật sự tâm huyết với hoạt TGPL….
 
Đoàn kiểm tra ghi nhận sau hơn 5 năm triển khai Thông tư liên tịch số 10, công tác TGPL trong hoạt động tố tụng trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả.

Đánh giá chung về Đồng Nai, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng ghi nhận, với vị trí trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đồng thời là “cửa ngõ” của đô thị lớn nhất cả nước, trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng sản phẩm quốc nội (GRDP) tăng 8.52%. Thu hút 1.800 nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn FDI đã đầu tư đến nay lên tới 33 tỷ USD (xếp thứ 4 cả nước). Thu ngân sách trên địa bàn tăng 12% so với cùng kỳ (đạt 59.650,5 tỷ đồng, đạt 108% dự toán). Trong sự phát triển đó có đóng góp của ngành Tư pháp.
Nói riêng về công tác TGPL, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đánh giá: “Trong những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Đồng Nai, sau hơn 5 năm triển khai Thông tư liên tịch số 10, công tác TGPL trong hoạt động tố tụng trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận”.
Theo Thứ trưởng, ngay sau khi Thông tư liên tịch số 10 được ban hành, các ngành thành viên của Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng tại địa phương đã tích cực chủ động quán triệt trong ngành, đặc biệt là cơ quan tiến hành tố tụng. Các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh đã có văn bản chỉ đạo việc thực hiện Thông tư 10 cho ngành mình trong phạm vi tỉnh.
Kết quả, số vụ việc tham gia tố tụng tăng nhanh qua các năm (năm 2022 Trung tâm TGPL hoàn thành 365 vụ việc tham gia tố tụng, 9 tháng đầu năm 2023 hoàn thành 482 vụ việc, tăng 30%), cùng với đó chất lượng vụ việc tham gia tố tụng ngày càng tăng (năm 2022 có 51 vụ việc thành công, 9 tháng đầu năm 2023 đã có 143 vụ). Đồng thời, Sở Tư pháp và ngành toà án đã chủ động trong việc triển khai thực hiện Chương trình phối hợp giữa TAND Tối cao và Bộ Tư pháp về người thực hiện TGPL trực tại TAND, kết hợp triển khai trực tại trụ sở Toà án và trực qua điện thoại.
 
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng chụp hình lưu niệm cùng Hội đồng liên ngành về Trợ giúp pháp lý tỉnh Đồng Nai

Thứ trưởng Trần Tiến Dũng nhận xét, so với các địa phương trong khu vực thi đua các tỉnh Đông Nam Bộ, số vụ việc do các các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Đồng Nai chuyển gửi đến Trung tâm trong 2022 là 416 vụ việc (cơ quan công an: 342; toà án: 48; viện kiểm sát: 26, xếp hạng 1/7 tỉnh. Đồng thời, số vụ việc tham gia tố tụng kết thúc của Trung tâm TGPL tỉnh Đồng Nai xếp hạng 1/7 tỉnh trong khu vực thi đua (năm 2022 có 390 vụ).
“Hoạt động tham gia tố tụng của các trợ giúp viên pháp lý đã góp phần quan trọng trong việc xác định sự thật khách quan của vụ án, từ đó bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL. Các kết quả của TGPL góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội tại tỉnh”, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng nói.
Nhằm nâng cao hiệu quả của công tác phối hợp về TGPL trong hoạt động tố tụng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đề nghị Thường trực Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Đồng Nai quan tâm, chỉ đạo và quán triệt sâu sắc hơn nữa về công tác TGPL đối với hệ thống chính trị trong tỉnh, các cơ quan tiến hành tố tụng theo tinh thần của các Bộ luật, Luật tố tụng, Luật TGPL, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, Thông tư liên tịch số 10 và các văn bản pháp luật về TGPL. Mặt khác, trong phạm vi thẩm quyền của mình nghiên cứu có thể có cơ chế đặc thù cho việc phát triển TGPL tại địa phương phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và phù hợp với quy định pháp luật.
Thứ trưởng cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ban, ngành UBND cấp huyện, xã trong quá trình giải quyết vụ việc liên quan đến công dân, nếu phát hiện công dân thuộc diện được TGPL, có trách nhiệm giải thích, hướng dẫn và giới thiệu đến Trung tâm TGPL để họ kịp thời được tiếp cận với dịch vụ TGPL miễn phí của Nhà nước. Đồng thời quan tâm, tạo điều kiện đảm bảo kinh phí, nhân lực cho hoạt động TGPL, bố trí kinh phí để Trung tâm thực hiện lắp đặt điểm cầu thành phần phục vụ phiên tòa trực tuyến và kinh phí triển khai nội dung TGPL trong các chương trình mục tiêu quốc gia có hiệu quả.