Vừa qua, Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV - Vòng thi khu vực miền Nam tổ chức tại Tây Ninh đã thành công tốt đẹp, chính thức khép lại vòng thi cấp khu vực, các đội thi chuẩn bị cho Vòng thi toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội đầu tháng 11 tới đây.
Đến nay, Vòng thi khu vực phía Bắc; khu vực Miền Trung Tây Nguyên, khu vực phía Nam (vòng thi Khu vực) của Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV được tổ chức lần lượt tại các tỉnh, TP: Hải Phòng, Khánh Hòa, Tây Ninh đã thành công tốt đẹp. Với tinh thần làm việc khẩn trương, công tâm, khách quan, Ban Tổ chức đã lựa chọn được các gương mặt đi tiếp vào vòng thi toàn quốc. 15 đội thi đại diện cho 3 khu vực gồm: Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thái Nguyên, Ninh Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Đồng Nai và Tây Ninh đã giành vé đi tiếp vào vòng thi toàn quốc.
Phần thi tiểu phẩm của đội Khánh Hòa
Ngoài các giải chính thức, Ban tổ chức còn trao thêm nhiều giải trao cho các đội tham gia Hội thi như Đội thi có phần thi giới thiệu ấn tượng nhất; Đội thi có phần thi tiểu phẩm hấp dẫn nhất; Đội thi hòa giải khéo; Hòa giải viên cao tuổi nhất; Hòa giải viên trẻ tuổi nhất; Hòa giải viên là cán bộ mặt trận cơ sở xuất sắc nhất. Bên cạnh các giải thưởng của Ban Tổ chức Hội thi, để động viên khích lệ các hòa giải viên tham dự Hội thi, với vai trò là đơn vị giúp việc Ban Tổ chức Hội thi, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp quyết định trao các giải phụ cho các đội thi; Giải có kinh nghiệm hay trong công tác hòa giải ở cơ sở; Giải khán giả yêu thích nhất…
Theo Kế hoạch, đối tượng tham dự thi phải là hòa giải viên được công nhận theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở, đã đạt giải cao tại Hội thi Hòa giải viên giỏi của các tỉnh, thành phố hoặc hòa giải viên xuất sắc, tiêu biểu được lựa chọn đại diện cho địa phương mình. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chọn 01 đội thi tham gia tranh tài. Về hình thức thi: Thi tập thể theo đội dưới hình thức sân khấu hóa. Mỗi đội thi tham gia 03 phần thi: phần thi giới thiệu, phần thi lý thuyết và phần thi tiểu phẩm. Nội dung thi: Các kỹ năng hòa giải của hòa giải viên; Pháp luật về hòa giải ở cơ sở; Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo Hiến pháp năm 2013; Quy định pháp luật trong một số lĩnh vực liên quan đến công tác hòa giải ở cơ sở, như: dân sự, hôn nhân và gia đình, đất đai, nhà ở, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, bảo vệ môi trường, phòng chống tham nhũng, tiêu cực…
Với thiết kế này các đội thi có thể thỏa sức sáng tạo ở tất cả các phần thi và thực tế qua vòng thi khu vực có thể thấy, vòng thi này diễn ra sôi nổi ở tất cả các phần thi của các đội thi đại diện đến từ mọi miền của tổ quốc. Nhiều phần thi được dàn dựng công phu, nhận được sự đánh giá cao của Ban Tổ chức cũng như khan giả tham dự. Các đội thi đã mang đến Hội thi nét đặc sắc trong văn hóa vùng miền, sự phát triển kinh tế xã hội, tiềm năng du lịch…của địa phương. Trong những kết quả đó có sự đóng góp của những người làm công tác hòa giải, công việc thầm lặng nhưng nhiều ý nghĩa. Hội thi được sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan báo chí từ TW đến địa phương. Các phần dự thi tại Hội thi được livestream trên trang Fanpage Facebook của Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật đã giúp thu hút đông đảo sự theo dõi của khán giả trong cả nước, giúp lan tỏa rộng rãi ý nghĩa và thông điệp của công tác hòa giải tới cộng đồng.
Theo Bộ Tư pháp, tính đến ngày 31/12/2022 cả nước có 86.414 tổ hòa giải với 540.740 hòa giải viên. Trung bình mỗi năm, các tổ hòa giải trên cả nước tiến hành hòa giải trên 100.000 vụ, việc tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, đạt tỷ lệ hòa giải thành trên 80%. Nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về ý nghĩa, vai trò của công tác này; biểu dương, vinh danh và tạo sân chơi giao lưu chia sẻ kinh nghiệm cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, đến nay, Bộ Tư pháp đã tổ chức thành công 3 Hội thi hòa giải viên giỏi toàn quốc. Những năm qua, với chủ trương tăng cường quyền làm chủ của người dân trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm tới giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa giải ở cơ sở, yêu cầu công tác này cần phải được tiếp tục quan tâm, đổi mới và phát huy hiệu quả hơn nữa. Việc tăng cường nâng cao hiệu quả hoạt động cơ sở góp phần thiết thực thực hiện nhiệm vụ được đặt ra tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII: “Phát huy đúng vai trò giám sát, phản biện xã hội, các hình thức tự quản của cộng đồng, các phương thức hòa giải cấp cơ sở” và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023: “Chú trọng làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở gắn với công tác dân vận, tích cực vận động quần chúng nhân dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hạn chế việc khiếu nại, tố cáo không đúng quy định”.