Thẩm tra Báo cáo Kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Nghị quyết số 101

12/10/2023
Thẩm tra Báo cáo Kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Nghị quyết số 101
Chiều 12/10, Tại Nhà Quốc hội, đồng chí Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đã chủ trì phiên họp thẩm tra về Báo cáo Kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15. Tham dự phiên họp có Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; đại diện Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.
Rà soát VBQPPL chỉ rõ các nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, vướng mắc
Tại phiên họp, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính Phủ, Bộ trưởng Lê Thành Long đã nêu tóm tắt Báo cáo Kết quả rà soát hệ thống VBQPPL thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Bộ trưởng cho biết, việc rà soát được thực hiện đối với các VBQPPL trong hệ thống pháp luật, trọng tâm là 22 lĩnh vực theo yêu cầu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15. Quá trình rà soát đảm bảo sự phối hợp giữa các cơ quan của Chính phủ với các cơ quan của Quốc hội; các nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, những vấn đề vướng mắc, bất cập hoặc có sơ hở được tổng hợp trên cơ sở sự thống nhất giữa cơ quan, tổ chức rà soát, kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực mà văn bản đó điều chỉnh. 
 

Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính Phủ, Bộ trưởng Lê Thành Long nêu tóm tắt Báo cáo Kết quả rà soát hệ thống VBQPPL thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15
 
Theo đó, tổng số văn bản đã được rà soát là 523 văn bản, gồm 76 luật, nghị quyết, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, 230 nghị định của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 217 VBQPPL khác do các cơ quan trung ương ban hành. Kết quả rà soát cho thấy, trong 22 lĩnh vực trọng tâm, có 16 văn bản có quy định mâu thuẫn, chồng chéo; có 104 văn bản có quy định bất cập hoặc vướng mắc. Đối với các văn bản không thuộc 22 lĩnh vực trọng tâm, có 5 văn bản có quy định bất cập, vướng mắc được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiến nghị, đề xuất; đối với các văn bản thuộc lĩnh vực khác, qua rà soát có 99 nội dung có bất cập, vướng mắc trong các lĩnh vực khác được phản ánh, kiến nghị…
 

Đại diện các cơ quan tham dự phiên họp
 
Theo báo cáo, kiến nghị, đề xuất tới các Bộ, cơ quan ngang Bộ tiếp tục nghiên cứu, sử dụng kết quả rà soát tại Báo cáo là nguồn dữ liệu đầu vào phục vụ cho nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong thời gian tới; xem xét, thực hiện các phương án xử lý đối với nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập đã được phát hiện qua rà soát; tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các quy định rà soát VBQPPL đã được quy định tại Luật Ban hành VBQPPL 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và các văn bản hướng dẫn thi hành; tăng cường công tác thẩm tra, giám sát của Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội trong việc xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; đổi mới, hoàn thiện chế định giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật; quan tâm tăng cường chất lượng, số lượng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật,...
 
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng, ban hành văn bản, bảo đảm chất lượng
 
 
Báo cáo tổng hợp ý kiến thẩm tra của các cơ quan Quốc hội, đồng chí Đỗ Đức Hiển, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, phần lớn VBQPPL bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, đóng góp tích cực vào quá trình đổi mới, xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, qua rà soát cho thấy, vẫn còn tình trạng quy định của pháp luật có mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, chưa cụ thể; ngôn ngữ sử dụng trong văn bản chưa đáp ứng yêu cầu “chính xác, phổ thông”, “rõ ràng, dễ hiểu” theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật dẫn đến việc hiểu, áp dụng không thống nhất, gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện pháp luật, ảnh hưởng đến tính ổn định của hệ thống pháp luật. 
Về cơ bản, các cơ quan của Quốc hội tán thành với đánh giá về những mặt tích cực, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân được nêu tại Báo cáo của Chính phủ. Tuy nhiên, để có thể hạn chế, từng bước giải quyết một cách dứt điểm tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc, bất cập, không phù hợp thực tiễn trong các văn bản quy phạm pháp luật như trong thời gian vừa qua thì cần nhận thức, phân tích đúng tình hình, chỉ ra được những nguyên nhân cụ thể dẫn đến tình trạng này để từ đó mới có thể đề xuất được các giải pháp đúng trọng tâm, trọng điểm, có tính đột phá. 
 


Các đại biểu thảo luận, đóng góp ý kiến tại phiên họp
 
Tại phiên họp, các đại biểu đã cho ý kiến góp ý về Báo cáo Kết quả rà soát hệ thống VBQPPL thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV và Báo cáo tổng hợp ý kiến thẩm tra của các cơ quan Quốc hội, từ đó chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, bất cập còn gặp phải.
 
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu kết luận phiên họp
 
Kết luận phiên họp, qua các ý kiến đóng góp đầy đủ, chi tiết của các đại biểu tham dự phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đánh giá cao kết quả rà soát qua quá trình làm việc hết sức nỗ lực, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên. Theo đó, đồng chí cơ bản nhất trí với Báo cáo Kết quả rà soát hệ thống VBQPPL thực hiện Nghị quyết số 101 của Chính phủ và dự thảo Báo cáo thẩm tra của các cơ quan Quốc hội; Tuy nhiên, để góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của công tác xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện pháp luật, hạn chế ở mức thấp nhất tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo trong các VBQPPL, cần quan tâm chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng, ban hành văn bản, bảo đảm chất lượng.
Khi dự kiến quy định vấn đề mới, khác với hiện hành cần phải tiến hành rà soát kỹ các văn bản pháp luật có liên quan để trình, sửa đổi đồng bộ, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; tổ chức lấy ý kiến và tiếp thu nghiêm túc ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân./.
 
Thu Nga