Hội nghị triển khai công tác Tư pháp năm 2010 khu vực phía Nam: Hiến kế, góp sáng kiến cho Ngành

15/01/2010
Hội nghị triển khai công tác Tư pháp năm 2010 khu vực phía Nam: Hiến kế, góp sáng kiến cho Ngành
“Mới đây, việc Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột khai giảng khóa I là sự kiện mang tính đột phá trong công tác tạo nguồn cán bộ tư pháp, tiến tới hoàn thiện dần công tác tổ chức cũng như chuyên môn của bộ máy tư pháp địa phương. Các địa phương cần có sáng kiến, hiến kế cho ngành”... Bộ trưởng Hà Hùng Cường phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác Tư pháp năm 2010 khu vực phía Nam khai mạc hôm nay (15/1).

Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng nhấn mạnh: Năm 2010, ngành Tư pháp tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng xây dựng, thẩm định, kiểm tra VBQPPL, phấn đấu hoàn thành trên 95% các văn bản, đề án; Phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu thi hành xong 80% về việc và 60% về tiền trên số có điều kiện thi hành (tăng 5% so với chỉ tiêu đã đề ra trong năm 2009), giảm từ 5% đến 10% số vụ việc thi hành án tồn đọng. Năm 2010 cũng là năm Bộ tiếp tục đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động công chứng, phát triển đội ngũ luật sư, tạo bước đột phá thể chế về bán đấu giá tài sản; kiện toàn bộ máy tổ chức, cán bộ của các cơ quan Tư pháp địa phương; đột phá vào khâu nguồn nhân lực quản lý có trình độ trung cấp luật, tạo bước chuyển biến mới trong công tác đào tạo...

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường phát biểu: Năm 2009 dù có nhiều khó khăn, thách thức tác động đến nền kinh tế Việt Nam. Nhưng với sự điều hành “ứng biến”, sáng tạo của Chính phủ, cùng với sự ủng hộ của doanh nghiệp và toàn dân, nước ta đã vượt qua khó khăn, thách thức trong bối cảnh suy thoái toàn cầu. Riêng ngành Tư pháp đã bám sát công tác trọng tâm, sát với yêu cầu thực tiễn.

Tiếp lời Bộ trưởng, ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định, trong thời gian qua, Bộ và Thành phố đã phối hợp chặt chẽ với nhau để giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến pháp lý, góp phần thúc đẩy TP.HCM phát triển nhanh, mạnh, vững chắc về kinh tế – xã hội…Ông Nguyễn Thành Tài cho biết thêm, năm 2009, TP.HCM tổng kết cho thấy tội phạm hình sự, số vụ đình công giảm, kinh tế tiếp tục phát triển và ổn định xã hội... Điều đó cho thấy “công” Sở Tư pháp là không thể phủ nhận. Đó là chưa nói Sở Tư pháp TP.HCM còn là chỗ dựa đáng tin cậy, được thể hiện thông qua năng lực, trình độ chuyên môn của Sở khi làm công tác tham mưu cho Thành ủy, HĐND và UBND TP.HCM. “Chính quyền TP.HCM luôn tạo điều kiện để công tác tư pháp đi vào đời sống xã hội” – ông Nguyễn Thành Tài cam kết. Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh cũng đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục hỗ trợ TP.HCM trong công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cán bộ tư pháp nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác này.

Đổi mới, sáng tạo trong chỉ đạo

Nguyên giám đốc Sở Tư pháp Cà Mau, nay là phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, ông Lê Tiến Hải “tâm sự”: Chính từ sự cảm thông, quan tâm của anh chị em cán bộ tư pháp suốt thời gian công tác đã giúp ông có trách nhiệm hơn trong công tác. Đặc biệt, nhờ tích lũy kinh nghiệm thực tiễn công tác tư pháp đã giúp ông làm tốt hơn trong công tác quản lý địa phương của mình. Ông Hải mong rằng không chỉ riêng bản thân ông mà cán bộ tư pháp các tỉnh, thành khác cũng tiếp tục nhận được tình cảm, sự quan tâm của lãnh đạo bộ, lãnh đạo tỉnh, thành và cán bộ tư pháp địa phương...

Ông Lê Cảnh Tiết, Trưởng phòng Pháp chế, Sở GTVT TP.HCM chia sẻ về công tác pháp chế của cơ quan mình: Đối với Sở GTVT TP.HCM, công tác pháp chế đã có từ lâu, được đặt lên hàng đầu ngay từ khi mới thành lập. Đã có 22/26 đơn vị thuộc Sở có cán bộ pháp chế chuyên trách và cán bộ kiêm nhiệm. Riêng tại Sở có 5 cán bộ biên chế (3 chuyên viên chính). Theo đó, hàng năm Sở đều có chương trình - kế hoạch về công tác pháp chế;  thường xuyên thực hiện công tác rà soát kiểm tra hệ thống hóa văn bản của ngành trên địa bàn thành phố; phổ biến giáo dục pháp luật... Đối với cấp phòng, chủ yếu tham mưu cho giám đốc, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị theo quy định của pháp luật, đồng thời làm đầu mối tổ chức, phổ biến giáo dục pháp luật cho các đơn vị trực thuộc Sở. Chính vì vậy, bộ máy nhân sự pháp chế của Sở là 39 cán bộ chuyên trách và kiêm nhiệm. Một cán bộ ở Bộ GTVT nói vui: “Cán bộ pháp chế của Sở còn nhiều hơn của Bộ”. Về trình tự thực hiện chế độ hậu kiểm, cụ thể sau khi cán bộ pháp chế các phòng, ban kiểm tra xong thì Phòng Pháp chế lại kiểm tra thêm một lần nữa để đảm bảo chất lượng văn bản.

Ông Nguyễn Thành Đông, Giám đốc Sở Tư pháp TP. Cần Thơ bộc bạch: Được sự tín nhiệm của lãnh đạo tỉnh, giao cho Trung tâm đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, làm lợi cho ngân sách Cần Thơ lên đến hơn 56 tỷ đồng. Đổi mới hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật bằng “Hội thi văn nghệ Tư pháp” ở khắp các quận, huyện thông qua các tiểu phẩm, ca nhạc... cũng được Sở quan tâm thực hiện.

Nói về công tác thi hành án dân sự, ông Nguyễn Văn Lực, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP.HCM kiến nghị: “Dù vị thế của THADS đã được nâng tầm xứng với nhiệm vụ công việc được giao nhưng mong Bộ sớm có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để chúng tôi có đủ năng lực, trình độ hoàn thành nhiệm vụ; sớm có quy định trong việc ủy quyền cho Cục trưởng trong việc nâng lương, chuyển công tác của cán bộ, công chức; sớm xây dựng đề án cơ cấu công chức theo mô hình mới của cơ quan thi hành án”.  Ông Lực cũng đề nghị Bộ phối hợp với Bộ Công an ban hành thông tư hướng dẫn việc chuyển cho trại giam đốn đốc thi hành tiền nghĩa vụ dân sự của các phạm nhân, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến án tồn đọng thời gian qua...

Phong Trần