Sáng 09/8, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh đã chủ trì buổi làm việc về tình hình rà soát văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ (Đề án 06) và Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội về rà soát VBQPPL. Tham dự buổi làm việc có đồng chí Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL và đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.
Thời gian qua, lãnh đạo Bộ Tư pháp đã quyết liệt chỉ đạo, điều hành các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện các công việc liên quan đến rà soát VBQPPL phục vụ Đề án 06. Báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Duy Thắng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL cho biết, qua thống kê bước đầu, các bộ, ngành, địa phương đã kiến nghị xử lý khoảng hơn 300 văn bản để phục vụ triển khai Đề án 06. Các văn bản này chủ yếu tập trung vào một số nội dung như: Bãi bỏ quy định về lệ phí đăng ký cư trú tại địa phương, bảo đảm phù hợp với Thông tư số 75/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính hoặc ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định về giảm phí, lệ phí khi tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến để khuyến khích thực hiện phương thức này khi đề nghị giải quyết thủ tục hành chính.
Đồng chí Nguyễn Duy Thắng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL báo cáo tình hình rà soát văn bản QPPL thực hiện Đề án 06 tại buổi làm việc
Các văn bản được kiến nghị xử lý cũng tập trung vào các nội dung: ban hành, sửa đổi Quy chế hoạt động của Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa cấp tỉnh đảm bảo sự kết nối, đáp ứng yêu cầu triển khai Đề án 06; ứng dụng, kết nối các thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu về thống kê tại địa phương; sửa đổi các quy định về hồ sơ thủ tục có yêu cầu giấy cư trú, bản sao hộ khẩu, xuất trình CMND, yêu cầu kê khai, cung cấp các trường thông tin đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi thực hiện các thủ tục, hưởng các chính sách hỗ trợ liên quan tại địa phương, ví dụ: chính sách hỗ trợ tiền sử dụng đất đối với người có công với cách mạng và nhân thân của người có công với cách mạng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thì hồ sơ thủ tục bao gồm "bản sao hộ khẩu", hoặc yêu cầu người dân cung cấp, kê khai các trường thông tin liên quan đến nơi thường trú, giới tính, quốc tịch,...
Hiện nay, Cục Kiểm tra VBQPPL đang tổ chức phân loại, nghiên cứu cho ý kiến bước đầu đối với các kiến nghị của bộ, ngành, địa phương.
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hòe, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL báo cáo tình hình rà soát văn bản QPPL triển khai Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội về rà soát VBQPPL.
Đối với nhiệm vụ rà soát văn bản phục vụ triển khai Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội về rà soát VBQPPL, hiện Cục Kiểm tra VBQPPL đang xây dựng một số văn bản về tổ chức, hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 101; chuẩn bị tài liệu tại Phiên họp thứ nhất của Tổ công tác (tổng hợp, phân loại, sắp xếp kết quả rà soát theo 22 lĩnh vực trọng tâm).
Đánh giá cao sự chủ động của Cục Kiểm tra VBQPPL trong việc phối hợp triển khai các nhiệm vụ, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh, với khối lượng công việc được giao lớn, yêu cầu cao về chất lượng và tiến độ, do đó, Cục cần tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, tăng cường phối hợp với các đơn vị để hoàn thành nhiệm vụ.
Đối với rà soát văn bản phục vụ triển khai Đề án 06, Thứ trưởng đề nghị Cục gửi văn bản đôn đốc các bộ, ngành, địa phương để tổng hợp, báo cáo trong tháng 8; triển khai ngay các cuộc họp tham vấn liên quan đến Luật Giao dịch điện tử để thống nhất cách tiếp cận của các Bộ, ngành.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu kết luận buổi làm việc
Về rà soát văn bản triển khai Nghị quyết số 101, Thứ trưởng yêu cầu Cục tiếp tục đôn đốc, trao đổi với Văn phòng Chính phủ các vấn đề phục vụ cho Phiên họp thứ nhất của Tổ công tác; xây dựng bảng phân công nhiệm vụ cụ thể, khả thi cho từng Bộ, ngành để xác định rõ trách nhiệm trong triển khai các công việc.
Đối với 22 nhóm vấn đề tại báo cáo, Thứ trưởng lưu ý cần phân loại những vấn đề đã được xử lý bằng Luật, Nghị định, những vấn đề nào được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, được thảo luận tại Kỳ họp thứ 6 và các vấn đề cần sửa bằng một Luật mới. Về lâu dài, vẫn cần hướng đến tính ổn định, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Cùng với đó, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh tới việc tăng cường công tác truyền thông để người dân có thể hiểu được các vấn đề cũng như thể hiện được sự nỗ lực của Chính phủ trong xây dựng, hoàn thiện thể chế.
Thu Nga - Trung tâm Thông tin