Tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong thực hiện Nghị quyết 22-NQ/BCSĐ của BCS đảng Bộ Tư pháp

03/08/2023
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong thực hiện Nghị quyết 22-NQ/BCSĐ của BCS đảng Bộ Tư pháp
Sáng 03/8, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi chủ trì Hội nghị Sơ kết triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/BCSĐ ngày 29/3/2022 của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác công nghệ thông tin trong hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp giai đoạn 2022-2025. Tham dự Hội nghị có đại diện Cục Công nghệ thông tin và đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.
Báo cáo Hội nghị về tình hình triển khai khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/BCSĐ ngày 29/3/2022 của Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác công nghệ thông tin trong hoạt động của Bộ, Ngành Tư pháp giai đoạn 2022-2025 (sau đây gọi tắt là Kế hoạch), Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Phạm Đức Dụ cho biết, qua hơn 1 năm triển khai Nghị quyết số 22-NQ/BCSĐ, việc triển khai và ứng dụng công nghệ thông tin tại Bộ Tư pháp đạt nhiều kết quả với những chuyển biến tích cực, các hoạt động như: Đảm bảo an toàn an ninh thông tin; gửi nhận văn bản điện tử, ký số qua Hệ thống quản lý văn bản và điều hành; Dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; Dự án Đầu tư Hạ tầng đều được triển khai đảm bảo tiến độ; chất lượng… 
 
Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Phạm Đức Dụ báo cáo tại Hội nghị

Đặc biệt, hạ tầng kỹ thuật của Bộ Tư pháp được triển khai tập trung, thống nhất tại Trung tâm dữ liệu điện tử của Bộ, từng bước đáp ứng yêu cầu triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trên phạm vi toàn quốc. Năm 2023, Cục đã và đang triển khai dự án “Đầu tư hạ tầng Trung tâm dữ liệu điện tử Bộ Tư pháp” nhằm bổ sung hạ tầng, tăng cường năng lực xử lý, lưu trữ và bảo mật đáp ứng yêu cầu triển khai các ứng dụng Công nghệ thông tin, Phần mềm ứng dụng của Bộ, ngành Tư pháp. Theo kế hoạch, việc bổ sung hạ tầng kỹ thuật và tích hợp hạ tầng mới vào hệ thống sẽ hoàn thành trong năm 2023. Tính đến 31/7/2023, trên cơ sở thiết bị được giao, Cục đã bổ sung hạ tầng lưu trữ dữ liệu phục vụ cho các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đang vận hành. Từ tháng 8/2023 đến cuối năm, Cục sẽ tiếp tục triển khai các hạng mục tiếp theo của Dự án.
 


Thứ trưởng Mai Lương Khôi chủ trì Hội nghị 
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin thời gian qua vẫn còn tồn tại, hạn chế: Kiến trúc Chính phủ điện tử 2.0 của Bộ chưa được rà soát, cập nhật kịp thời để có thiết kế tổng thể đối với ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của Bộ, ngành; việc bố trí các nguồn lực cho công nghệ thông tin, chuyển đổi số của Bộ, ngành thời gian qua chưa đáp ứng được yêu cầu; Việc triển khai các Hệ thống thông tin nền tảng của Bộ, ngành còn chậm; các nền tảng chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo chưa được triển khai; Mặc dù việc triển khai Dịch vụ công đã hoàn thành 100% trên Cổng dịch vụ công của Bộ tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia, tuy nhiên các thủ tục hành chính phát sinh hồ sơ còn hạn chế.
 
.
Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực Nhâm Ngọc Hiển phát biểu tại Hội nghị
 
Tại Hội nghị, đại diện các đơn vị đã trao đổi, cho ý kiến về báo cáo sơ kết tình hình triển khai khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/BCSĐ. Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực Nhâm Ngọc Hiển cho biết, trong thời gian qua, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đã có sự phối hợp chặt chẽ với Cục Công nghệ thông tin nhằm duy trì phần mềm quản lý Hộ tịch điện tử, tuy nhiên cần tiếp tục có sự rà soát về các dịch vụ cũng như thủ tục hành chính đang triển khai nhằm bám sát Nghị quyết số 22-NQ/BCSĐ; đảm bảo nguồn nhân lực cho Cục Công nghệ thông tin để đảm bảo hệ thống hạ tầng được vận hành tốt nhất. Đồng chí cũng đề nghị Báo cáo cần có đánh giá cụ thể hơn về tiến độ, chất lượng, hiệu quả và quy hoạch phát triển trong giai đoạn tới. 
 

Đồng chí Cù Thu Anh - Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý phát biểu tại Hội nghị
 
Xác định ứng dụng công nghệ thông tin là vấn đề trọng yếu, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý Cù Thu Anh cho biết, Cục đã bố trí cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin, luôn chủ động phối hợp, đề xuất, tham mưu cho lãnh đạo Bộ nhằm hoàn thành tốt nhất theo yêu cầu của Nghị quyết số 22-NQ/BCSĐ cũng như Đề án số 06. Trong thời gian tới, Cục Trợ giúp pháp lý sẽ phối hợp chặt chẽ với Cục Công nghệ thông tin để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động ứng dụng Công nghệ thông tin trong công tác trợ giúp pháp lý cũng như việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/BCSĐ của Ban cán sự Đảng.
 

Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục THADS Nguyễn Văn Lực phát biểu tại Hội nghị

Cơ bản nhất trí với báo cáo đã trình bày, đồng chí Nguyễn Văn Lực, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thi hành án Dân sự (THADS) đề nghị, Cục Công nghệ thông tin cần phối hợp với các đơn vị để đánh giá cụ thể hơn trong việc thực hiện các phần mềm. Đồng chí cũng đề nghị bổ sung các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể trong các giai đoạn tiếp theo, phân định rõ trách nhiệm của Cục Công nghệ thông tin (đơn vị chủ trì) và các đơn vị thuộc Bộ. Về thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/BCSĐ, Tổng cục đã triển khai và đạt được những kết quả nhất định, thường xuyên triển khai thực hiện và xây dựng vận hành các phần mềm, tuy nhiên các phần mềm vẫn còn nhỏ lẻ, rời rạc, chưa kết nối được với nhau. 
 
Thứ trưởng Mai Lương Khôi phát biểu kết luận Hội nghị

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Mai Lương Khôi đánh giá việc triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/BCSĐ ngày 29/3/2022 của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp đã đạt được những kết quả nhất định, đồng thời cũng đã nhìn nhận được những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và đưa ra giải pháp khắc phục. Thứ trưởng đề nghị Cục Công nghệ thông tin cần chủ trì, tổng hợp, bám sát các nhiệm vụ đã đề ra nhằm đưa ra số liệu cụ thể, xác định rõ đâu là trách nhiệm của Cục Công nghệ thông tin và đâu là trách nhiệm của các đơn vị để có cơ chế phối hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn, tránh chồng lấn, không đáp ứng được yêu cầu đã đề ra. Thứ trưởng cũng lưu ý cần đặc biệt ưu tiên hệ thống cơ sở dữ liệu các lĩnh vực Hộ tịch và lý lịch tư pháp trên toàn quốc.
Thứ trưởng yêu cầu phải coi việc nhận thức về ứng dụng Công nghệ thông tin của mỗi cán bộ, công chức của Bộ, ngành Tư pháp là nhiệm vụ, trách nhiệm của cá nhân mỗi cán bộ, công chức của tất cả các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, chứ không phải là nhiệm vụ của Cục Công nghệ thông tin hay cán bộ chuyên trách lĩnh vực Công nghệ thông tin ở mỗi đơn vị. Đây là vấn đề quan trọng để giúp nâng cao hiệu quả công tác ứng dụng Công nghệ thông tin ở mỗi đơn vị nói riêng và của Bộ, ngành Tư pháp nói chung, từ đó bắt kịp làn sóng về chuyển đổi số, Chính phủ số…
 
Thu Nga