Tăng cường đầu tư, đa dạng hóa các sản phẩm xuất bản đáp ứng nhu cầu của thị trường

02/08/2023
Tăng cường đầu tư, đa dạng hóa các sản phẩm xuất bản đáp ứng nhu cầu của thị trường
Sáng 02/8, Nhà xuất bản Tư pháp, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2023. Đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp và đồng chí Trần Mạnh Đạt, Giám đốc kiêm Tổng Biên tập Nhà xuất bản chủ trì Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trương Thị Thu Hà, Phó Giám đốc kiêm Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản cho biết, dưới sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ, Đảng ủy, trong 6 tháng đầu năm 2023, công tác của Nhà xuất bản Tư pháp đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Cụ thể, trong công tác chỉ đạo, điều hành, Ban Lãnh đạo Nhà Xuất bản đã kịp thời chỉ đạo, đôn đốc các phòng, ban tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, sản xuất, kinh doanh bảo đảm đúng tiến độ theo Kế hoạch đã đề ra; các chương trình, nhiệm vụ công tác của từng tháng, quý thường xuyên được rà soát và được chỉ đạo tại các cuộc họp giao ban. Công tác xây dựng thể chế, quy trình nội bộ cũng luôn được quan tâm, chú trọng và là hành lang pháp lý để công chức, viên chức, người lao động Nhà xuất bản Tư pháp chủ động, linh hoạt trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao mà vẫn đảm bảo nguyên tắc, quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật.
 

Đồng chí Trương Thị Thu Hà, Phó Giám đốc kiêm Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản báo cáo tóm tắt công tác 6 tháng đầu năm của Nhà xuất bản.
 
Về công tác xuất bản, trong 6 tháng đầu năm, Nhà xuất bản Tư pháp đã hoàn thành xuất bản 95 xuất bản phẩm với 413.652 bản in, trong đó có 62 xuất bản tự in và 33 xuất bản phẩm liên kết, tăng 23,4% so với cùng ký năm 2022.  Đặc biệt, Nhà xuất bản đã triển khai khai thác được nhiều đề tài có giá trị trong Danh mục đề tài sách tự in và danh mục sách ưu tiên quý I, II/2023 như “Ủy quyền lập pháp trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (GS.TS. Trần Ngọc Đường); “Giám hộ trong pháp luật dân sự Việt Nam” (TS.Kiều Thị Thùy Linh - Chủ biên); “Công tác Thi hành án hình sự thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã” (TS. Nguyễn Ngọc Kiện);… Các xuất bản phẩm đều bảo đảm chặt chẽ về nội dung, phong phú về hình thức và chủng loại; đúng tôn chỉ, mục đích hoạt động và theo đúng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; qua đó vừa góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được Bộ, ngành Tư pháp giao vừa cung cấp đầy đủ, kịp thời, bảo đảm chất lượng xuất bản phẩm theo yêu cầu cho các cơ quan tư pháp địa phương và bạn đọc cả nước.
Bên cạnh đó, Nhà xuất bản đã không ngừng nghiên cứu, đổi mới cách trình bày để giảm số trang tối ưu nhưng vẫn bảo đảm font chữ trang nghiêm, ngay ngắn, rõ ràng, dễ đọc và phù hợp với đặc thù về nội dung của thể loại sách pháp luật; thường xuyên tìm tòi sáng tạo và đa dạng hóa cách trình bày mà vẫn giữ được nét riêng của từng thể loại sách pháp luật; qua đó giảm được chi phí in và tăng tính cạnh tranh của giá thành trong hoạt động xuất bản.
Trong 6 tháng cuối năm 2023, Nhà xuất bản sẽ tiếp tục triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ công tác được giao tại Chương trình, kế hoạch công tác năm 2023, các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, ngành Tư pháp và nhiệm vụ chính trị, sản xuất, kinh doanh của Nhà xuất bản; tiếp tục triển khai thực hiện kịp thời, đúng tiến độ các nhiệm vụ trong Kế hoạch tổ chức kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Nhà xuất bản (08/9/2003-08/9/2023); khai thác, tổ chức các bản thảo có hàm lượng khoa học cao, đề cập những vấn đề cụ thể, những vướng mắc mà người dân quan tâm;….
 

 
Các đại biểu thảo luận tại Hội nghị.
 
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tham gia thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất bản và đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động này như quan tâm, chú trọng công tác tuyên truyền, giới thiệu sách bằng nhiều hình thức, nhiều kênh thông tin khác nhau; đa dạng hóa các sản phẩm xuất bản; khai thác thị trường sách điện tử; mở rộng và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cộng tác viên; …
Ghi nhận và đánh giá cao các kết quả Nhà xuất bản Tư pháp đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2023, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh khẳng định, trong lĩnh vực xuất bản, tính chính xác, sự phù hợp với quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước của xuất bản phẩm là hết sức quan trọng. Trong thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị Ban Lãnh đạo Nhà xuất bản Tư pháp tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; rà soát Chương trình, kế hoạch công tác năm 2023, phải đặt mục tiêu về tiến độ, kết quả, tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm; phát huy tinh thần đoàn kết, trí tuệ tập thể cũng như sự sáng tạo của các phòng, ban, người lao động để đổi mới một cách thực chất.
 
Đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp kết luận Hội nghị.
 
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, sự phổ cập của mạng xã hội, sự phát triển của công nghệ thông tin đã đặt ra yêu cầu nhà xuất bản phải tăng cường ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh và mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường sách điện tử. Để bắt kịp xu thế phát triển của thời đại, Nhà xuất bản phải nhanh chóng tiếp cận, có định hướng đầu tư rõ ràng, đặt mục tiêu cụ thể nhằm khai thác hiệu quả thị trường tiềm năng này. Bên cạnh đó, Nhà xuất bản cần đa dạng hóa các mảng đề tài, các loại sách đáp ứng nhu cầu xã hội, gắn liền với sự đổi mới hệ thống pháp luật như sách cẩm nang hướng dẫn nghiệp vụ, sách phục vụ PBGDPL, tăng cướng phối hợp với các cơ sở đào tạo để in giáo trình, sách chuyên khảo và quan tâm hơn tới công tác bảo hộ bản quyền, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả.
 

Đồng chí Trần Mạnh Đạt, Giám đốc kiêm Tổng Biên tập Nhà xuất bản phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo.
 
Ngoài ra, Thứ trưởng đề nghị Nhà xuất bản cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Kế hoạch số 138-KH/BCSĐ về việc triển khai Chỉ thị số 44-CT/TW ngày 16/4/2020 của Ban Bí thư về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị của Bộ Tư pháp; đánh giá tác động của việc cơ quan quản lý nhà nước sử dụng biểu mẫu điện tử như biểu mẫu khai sinh, trích lục khai tử điện tử, lý lịch tư pháp; tăng cường phối hợp với các bộ ngành, Sở tư pháp địa phương trong việc xuất bản, xây dựng bản thảo, quảng bá, giới thiệu sách tới người đọc.
Anh Thư - Trung tâm Thông tin